Thuốc giá cao do độc quyền nâng giá
Phát biểu góp ý khi đề cập đến việc quản lý giá thuốc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị cần bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân tại sao một số mặt hàng thuốc giá vẫn còn cao. "Đó là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớp trung gian và cũng như tiêu cực trong kê đơn. Tôi đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. Nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa. Một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên" - ĐB Phong Lan cho hay.
“Chúng ta cần phải có những chế tài mạnh hơn và những biện pháp mạnh hơn để quản lý một cách chặt chẽ giá thuốc...” ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ảnh: Đ.D
Cũng nhìn nhận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, theo luật thì không có quy định nào về việc độc quyền nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế lại có chuyện hạn chế trong quá trình cấp phép và sự hạn chế này đôi khi chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. "Vì việc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian đẩy giá thuốc lên. Ví dụ, một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200USD, tương đương khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng. Tôi nghĩ thật vô lý nếu người dân ta còn nghèo mà dùng thuốc giá cao như vậy" - ĐB Cương dẫn chứng.
Theo ĐB Cương, dự luật cần bổ sung quy định để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc lên cao.
Nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc
Đề cập đến vấn đề người bệnh mua thuốc, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị, cần có quy định chi tiết, cụ thể các hiệu thuốc phải bán thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ. "Cái này có quy định rồi nhưng thực trạng hiện nay các hiệu thuốc tùy tiện bán thuốc không cần đơn thuốc bác sĩ, thậm chí bán thuốc hàm lượng rất cao để trị bệnh mau hết, để bán chạy hơn các hiệu thuốc khác tạo ra cạnh tranh không lành mạnh" - ĐB Tính nêu vấn đề.
Đồng tình với ĐB Tính, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bổ sung: Hiện nay tình trạng mua bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc trên cả nước vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. "Do đó cùng việc nghiêm cấm lạm dụng vị trí độc quyền thống lĩnh thị trường kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định của pháp luật, chúng ta cần phải có những chế tài mạnh hơn và những biện pháp mạnh hơn để có thể quản lý một cách chặt chẽ giá thuốc và tình trạng sử dụng thuốc một cách dễ dãi tùy tiện như hiện nay"- ĐB Vẻ nêu quan điểm.
Mở rộng vấn đề từ thực tiễn cuộc sống, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết: Hiện nay người dân đang mất rất nhiều tiền vào thực phẩm chức năng vì nhầm lẫn với thuốc. Nhiều người tiền mất tật mang, bệnh trầm trọng thêm vì sự lầm lẫn này. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không cần thiết phải đưa thực phẩm chức năng vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vì đã có Luật An toàn thực phẩm.
Tuy nhiên theo ĐB Phương, Luật An toàn thực phẩm hiện nay không khắc phục được tình trạng này để người dân đang chịu rất nhiều thiệt thòi vì sự nhầm lẫn. Chính vì thế khi xây dựng Luật Dược cần cân nhắc đưa thực phẩm chức năng vào phạm vi điều chỉnh. Có chương riêng, có những quy định chặt chẽ và những điều cấm cần thiết để quản lý chặt chẽ thực phẩm chức năng, tránh để người dân tiếp tục vừa mất tiền vừa mang bệnh thêm.
“Lý rất đúng nhưng tình rất gian”
Liên quan đến quy định công bố giá thuốc đấu thầu, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phân tích: Theo Luật Đấu thầu thì mọi chuyện đấu thầu xong là phải chấp hành dù sai hay đúng, cao hay thấp, trừ trường hợp vi phạm thì cơ quan công an mới vào cuộc. Thực tế diễn ra tình trạng giữa hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng nhưng địa phương này 1 đồng, địa phương kia 1,5 đồng. "Lý rất đúng nhưng tình rất gian. Tức là mọi sự đúng quy trình, mọi sự đúng pháp luật, chỉ có tiền là nhà nước mất là khác. Trong Luật Đấu thầu, chúng tôi kiểm tra cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào" - ĐB Tiên nói. Theo ĐB Tiên, trong dự luật này cần quy định khi giá thuốc đấu thầu chênh lệch bất hợp lý so với giá tối đa do Bộ Y tế công bố thì báo cáo Chính phủ và Chính phủ xử lý để điều chỉnh giá thuốc này cho phù hợp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.