Làng cổ còn giữ nguyên vẹn nét văn hóa "cây đa, bến nước, sân đình" ở ngoại thành Hà Nội

Kim Duyên Thứ sáu, ngày 09/09/2022 12:06 PM (GMT+7)
Đến với làng Ước Lễ (nay là thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), người dân, du khách như được trở về với quá khứ, tận thấy nét sống động của một ngôi làng cổ.
Bình luận 0

Ngôi làng cổ Ước Lễ ở Hà Nội. Thực hiện: Kim Duyên.

Làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa luôn được bao bọc bởi lũy tre làng. Và ấp ủ sau mỗi lũy tre yên bình đó là cộng đồng dân cư gắn bó bao đời với cây đa, bến nước, sân đình, chùa chiền, miếu mạo.

Tại làng cổ Ước Lễ hiện nay cũng lưu giữ được những nét hồn quê ấy. Ước Lễ là một trong bốn làng của xã Tân Ước, ở phía Nam huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng xưa, nay thuộc Hà Nội. Bốn thôn của Tân Ước là Ước Lễ, Phúc Thụy, Tri Lễ, Quế Sơn, trong đó Phúc Thụy vốn là hai làng cổ Phúc Lâm và Minh Thụy hợp thành. 

Ba làng Ước Lễ, Phúc Lâm và Minh Thụy đều có tên Nôm là làng Chảy, trong quần thể "Bảy làng La, ba làng Chảy" của Thanh Oai nằm bên theo bờ sông Nhuệ, xưa kia nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.

Giai thoại về Thừa tướng nhà Triệu

Qua cổng làng, dưới bóng đa cổ thụ là những kiến trúc đẹp, bên trái nhà ngôi nhà vuông vốn là điếm canh rất thanh nhã và dãy quán lợp ngói dài mấy chục mét nguyên vẹn kiến trúc xưa, đây là chợ của làng.

Ngôi làng cổ còn giữ nguyên vẹn nét văn hóa "cây đa, bến nước, sân đình" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 2.

Cổng làng Ước Lễ ngày nay còn được bảo quản khá đẹp mắt theo nguyên mẫu xưa với không gian kế bên đình cổ, cây đa và khu họp chợ cũ. Ảnh: Kim Duyên.

Phía bên tay phải là đình làng Ước Lễ, phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, "giới chuyên gia đánh giá là đẹp sánh ngang với đình Quảng Bá (Hà Nội)", cụ Nguyễn Văn Mùi (70 tuổi) – Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Ước Lễ khẳng định.

Cụ Mùi vui vẻ giới thiệu, với phóng viên về đình làng Ước Lễ, nơi Thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia làm Thành Hoàng. Chính giữa đình là bức hoành phi đề "Trung chính anh linh", đặc biệt là đôi câu đối đề ca ngợi Thành Hoàng: "Vị vọng quá tam triều, Triệu đế sơn hà thân thượng trọng/ Tinh trung tồn nhất kiếm, Hán quân qua giáp mục trung khinh" tạm dịch là: Ngồi cao nhất ba triều, sông núi Triệu vương mang trọng trách /Lòng trung dồn một kiếm, giáo gươm quân Hán mắt coi khinh.

Lý giải vì sao làng thờ một vị nhân thần từ hơn 2000 năm trước, dù đây không phải quê hương của Lữ Gia, ông Mùi cho biết, dân làng vẫn tương truyền rằng ngài Lữ Gia dũng cảm đánh nhau với quân Hán sang xâm lược Nam Việt.

Ngôi làng cổ còn giữ nguyên vẹn nét văn hóa "cây đa, bến nước, sân đình" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 3.

Đình làng Ước Lễ mang nét kiến trúc đặc trưng với hình ảnh con rồng thời Hậu Lê, được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Ảnh: NVCC.

Do quân bạc nhược, nhiều nội gián nên ngài bị quân Hán chém cụt đầu. Ngài ngồi trên lưng ngựa, ôm đầu chạy mãi đến bãi Gấu trước cổng làng Ước Lễ, gặp đám phụ nữ ngài hỏi: "Người bị chém cụt đầu có cứu được không?". Họ đều nói: "Xưa nay người không có đầu lại có thể sống được chăng?". Thế là ngài liền ngã ngựa mà hóa. Ngài rất linh thiêng, các đời vua đều phong tặng, ca ngợi.

Đình vẫn giữ nguyên kiến trúc thời Hậu Lê

Qua cổng làng Ước Lễ ngay bên phải là Đình làng Ước Lễ. Cửa Tam quan của Đình làng Ước Lễ gồm 6 cột trụ, 4 trụ nhỏ, 2 trụ to. Cổng chính không được thiết kế dưới dạng mái mà chỉ là một cây cổng sắt giản dị. Hai cổng nhỏ hai bên được thiết kế dưới dạng 2 tầng tám hai, hai bên trụ là hai câu đối chữ Hán. Hai cổng này có lối vào khá nhỏ.

"Cổng đình nay đã được dân làng mới dựng bằng đá. Bước lên chín bậc hai bên là đôi rồng bằng đá mới là sân đình. Bên phải là Tam Bảo có tấm bình phong đá mới được dân làng kiến tạo năm 2012", cụ Mùi cho biết.

Trong các gian đình, tất cả đầu vì kèo và đầu xà ngang đều được nghệ nhân chạm khắc nổi hết sức sinh động, mềm mại, uyển chuyển hình tứ linh long – ly – quy – phượng và mặt trời cùng mai-lan-cúc-trúc.

Ngôi làng cổ còn giữ nguyên vẹn nét văn hóa "cây đa, bến nước, sân đình" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 4.

Phía trên cổng có vọng lâu, phía dưới là tường gạch để mộc, ở giữa có một cổng vòm rộng. Ảnh: Kim Duyên.

Ðặc biệt, khác hẳn với nhiều đình của các làng Bắc Bộ, đầu vì kèo ở mái hiên chỉ được chạm khắc đơn giản hoặc không chạm khắc; xà ngang và vì kèo của mái hiên đình Ước Lễ đều được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế. Trên nóc đình, ngoài đôi rồng chầu mặt trời, còn có đôi cá chép uốn cong được ghép bằng các mảnh sứ xanh lam.

Hai đầu đình có hai bầu rượu tròn cao ngất là những chi tiết độc đáo, riêng biệt, đặc sắc của kiến trúc đình Ước Lễ mà ở một số đình nổi tiếng như Tây Ðằng, Ðình Bảng không có. Ðôi cá chép để trên nóc đình chắc có liên quan đến sự tích "cá vượt vũ môn" để nêu cao tinh thần hiếu học cho dân làng Ước Lễ.

Sau tam quan dẫn vào khu vực sân Đình. Sân Đình được lát gạch khá rộng, vào những vụ gặt, nơi đây thường trở thành địa điểm để bà con cô bác phơi thóc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hoá của người dân làng Ước Lễ.

Ngày hội việc làng luôn đông vui

Chia sẻ với phóng viên về những ngày lễ lớn được tổ chức tại đình, cụ Mùi cho hay, trước kia làng Ước Lễ tổ chức lễ hội làng, làm lễ giỗ Thánh vào ngày 12/9 âm lịch, "nhưng để phù hợp với việc thu hoạch vụ mùa, dân làng đã quyết định tổ chức Lễ hội việc làng giỗ Thánh sớm hơn, vào ngày 12/8 âm lịch".

Ngôi làng cổ còn giữ nguyên vẹn nét văn hóa "cây đa, bến nước, sân đình" ở ngoại thành Hà Nội - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Viết Tường – Trưởng thôn Ước Lễ phát biểu tại hội Việc làng. Ảnh: NVCC.

Dân làng gọi là hội việc làng, những ngày này các hộ trong làng lại góp tiền góp sức làm hàng trăm mâm cỗ ở đình. 

Dù mở cửa hàng kinh doanh giò, chả truyền thống tại trung tâm TP. Hà Nội, nhưng gia đình ông Nguyễn Đình Long chưa năm nào không tham gia việc làng. "Mọi việc lớn nhỏ của làng trong năm đều được đưa để mọi người cùng biết, cùng bàn bạc. Đây cũng là dịp để mọi người trong làng thêm gắn bó, đoàn kết hơn. Vì vậy, dù bận nhưng những người ở xa vẫn tranh thủ thời gian về để tham gia Việc làng", ông Long thông tin.

Ngoài hội việc làng, dân làng Ước Lễ có ngày lễ hội lớn trong năm là Rằm tháng giêng. Cứ vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, trong khi người dân khắp mọi miền nô nức lễ chùa thì làng giò chả Ước Lễ lại rộn ràng ăn Tết trở lại.

"Tục lệ ăn "Tết bù" đã có ở Ước Lễ từ nhiều đời nay. Bởi, khi cả nước tưng bừng đón Tết thì người dân làng Ước Lễ bước vào thời điểm bận nhất của nghề, không có thời gian mua sắm hay chúc nhau ngày Tết. Khi hết Tết Nguyên đán, nhịp sống trở lại bình thường, dân làng Ước Lễ mới chính thức đón Tết "bù" hay dân làng vẫn gọi vui với nhau là ăn Tết lại", ông Trường tâm sự.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem