Tiết lộ điều bất ngờ về ngôi làng cổ từng được mệnh danh là “làng người giàu” ở Hà Nội
Tiết lộ điều bất ngờ về ngôi làng cổ từng được mệnh danh là “làng người giàu” ở Hà Nội
Thảo Quyên - Nguyệt Minh
Thứ ba, ngày 06/09/2022 06:54 AM (GMT+7)
Cách TP.Nội hơn 40km, làng Cựu không chỉ là ngôi làng mang vẻ đẹp bình yên, thơ mộng với những ngôi nhà cổ mà còn là nơi sản sinh ra những nhà may đệ nhất Hà Thành.
Ngôi làng cổ từng được mệnh danh là “làng người giàu” ở Hà Nội. Thực hiện: Thảo Quyên- Nguyệt Minh.
Làng thợ may "đệ nhất Hà Thành"
Ngắm nhìn làng Cựu bây giờ, ít ai biết được đằng sau vẻ trầm lặng và đầy hoài niệm ấy là những câu chuyện về một thời hưng thịnh của làng. Tìm và gặp trưởng thôn làng Cựu là ông Trần Đức Tiến (67 tuổi), chúng tôi được nghe kể chi tiết về quá trình "lột xác" trong quá khứ của ngôi làng gần 500 tuổi này.
Ông Tiến cho biết, khoảng năm 1920, một cuộc hoả hoạn xảy ra khiến nửa làng gần như bị thiêu trụi. Những ngôi nhà trong làng chủ yếu làm bằng tre nứa nên lửa lan rất nhanh, gần như 2/3 số nhà trong làng đã hóa tro bụi.
Đói kém vì mất mùa, lại thêm vụ cháy lớn, cuộc sống của người dân càng trở nên túng quẫn. Không chịu cảnh ngồi không bó gối, nhiều người khi ấy đã khăn gói hành trang ra Hà Nội tìm kế sinh nhai.
Ông Tiến chậm rãi kể tiếp, các cụ quyết định khởi đầu ở đây bằng nghề cắt may quần áo, âu phục. Chỉ một thời gian sau, việc buôn bán diễn ra rất tốt, khách hàng đến quán ngày càng đông.
Thấy có khả năng phát triển, các cụ bắt đầu về kéo mọi người ở làng đi làm cùng. Chẳng ai ngờ những đôi bàn tay chai sần của người nông dân lại có thể tạo ra những bộ vest, bộ đầm khéo léo đến thế.
Cái tài may vá, thêu thùa của người dân làng Cựu được người Pháp và giới người giàu Hà Nội tín nhiệm và dần dà, họ nhanh chóng nổi tiếng, được mệnh danh là làng thợ may "đệ nhất Hà Thành".
Chính nhờ sự cần cù, chịu khó, khoảng những năm 1930 - 1940, khi đã có điều kiện, các cụ trở về xây dựng làng. Từ đây, những công trình nhà Việt cổ kết hợp với kiến trúc phương Tây được tạo ra, biến làng Cựu trở thành một "làng Tây sang trọng".
Không chỉ dừng lại ở đó, thế hệ người đi trước còn mở lớp dạy, truyền nghề cắt may cho lớp trẻ trong làng. Cứ thế, năm này qua năm khác, nghề cắt may quần áo không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn mang đến cho làng Cựu cái tên "làng người giàu".
Giữ mình trong nhịp sống hiện đại
Làng Cựu gần Hà Nội, gần quốc lộ nhưng thật may, lối sống hiện đại không làm làng Cựu đổi thay như những ngôi làng khác. Cấu trúc của làng truyền thống như cây đa, bến nước, sân đình là những hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp mỗi khi đến làng Cựu.
Đặc biệt, làng Cựu gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi những ngôi nhà rêu phong, cổ kính. Sự kết hợp, giao lưu văn hoá của phong cách kiến trúc Việt - Pháp đã tạo nên một tổng thể sinh động, hài hoà khiến không gian nơi đây mang đậm dấu ấn riêng.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan từng ngôi nhà, ông Tiến vừa chia sẻ: "Thế hệ con cháu sinh sống trong những ngôi nhà cổ này rất biết cách bảo vệ tài sản mà ông cha để lại. Mặc đời sống ngày một phát triển, nhiều ngôi nhà hiện đại được xây dựng, chúng tôi vẫn quyết giữ vẹn nguyên lối kiến trúc ban đầu."
Không chỉ lưu giữ những ngôi nhà cổ, người dân làng Cựu còn lưu giữ những nét đẹp trong văn hoá, lễ hội làng. Điển hình là Lễ hội Thành hoàng làng được tổ chức vào 3 ngày 7,8,9 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ đến người đã có công xây dựng, phát triển làng.
Là người dân làng Cựu, bà Nguyễn Thị Hoa (58 tuổi) không khỏi tự hào: "Làng Cựu đẹp lắm, chúng tôi luôn chung tay gìn giữ vẻ đẹp của làng vì giờ ít có ngôi làng nào còn kiểu kiến trúc nông thôn truyền thống như làng tôi"
Chịu sự thách thức của thời gian, một số cảnh vật ở làng Cựu đã bị xuống cấp nhưng có rất nhiều người nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp làng. Những chiếc cổng làng cũ kĩ được dựng lại, đình làng được phục hồi, ao làng, giếng làng ít ỏi được bảo tồn đến ngày nay cho thấy người dân rất nâng niu không gian sống làng mình.
Đó là điều đáng quý, đáng khích lệ bởi chỉ khi họ nhận ra vẻ đẹp của làng quê mình, nhận ra sự quan trọng của những di sản cha ông trao truyền, thì họ mới ý thức để gìn giữ, bảo vệ.
Năm tháng trôi qua, làng Cựu vẫn là mảnh đất được người dân trân trọng. Trước cuộc sống nhộn nhịp, hối hả, thật khó có nơi nào mà người ta cảm thấy yên bình đến vậy. Những nét đẹp kiến trúc, văn hóa và con người giúp làng Cựu chinh phục được không ít du khách thập phương từ xa tới đây để thưởng ngoạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.