Ngôi làng cổ ở Hà Tĩnh: "Con nít ít hơn tiến sĩ", 3 di sản được UNESCO công nhận, 7 di tích cấp quốc gia

Thùy Dung Thứ bảy, ngày 31/08/2024 10:16 AM (GMT+7)
Về giá trị lịch sử, ba di sản đang được làng lưu giữ còn được so sánh với Bia tiến sĩ Văn Miếu.
Bình luận 0

Làng Trường Lưu là ngôi làng cổ hơn 600 tuổi tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Nơi đây hiện sở hữu ba di sản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. 

Các di sản này được xếp ngang tầm với những tư liệu nổi tiếng khác của Việt Nam như Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu (Hà Nội), châu bản triều Nguyễn, mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

img

Làng Trường Lưu là ngôi làng cổ hơn 600 tuổi tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ảnh: Tiền Phong.

Bên cạnh di sản tư liệu, Trường Lưu còn là cái nôi của hát phường vải, một nhánh của nghệ thuật hát ví dặm Nghệ Tĩnh, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2014.

Hiện tại, làng Trường Lưu còn lưu giữ 37 nhà thờ họ và 7 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của làng chính là truyền thống hiếu học và sự xuất hiện của nhiều bậc danh nhân nổi tiếng.

Đặc biệt, dòng họ Nguyễn Huy là một trong những dòng họ nổi bật về văn học, văn hóa và ngoại giao, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng tri thức và văn hóa của vùng đất này.

Đến Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh), ta mới cảm nhận được khát vọng đổi đời qua con đường học vấn của vùng đất thuần nông này. Nằm giữa vùng đồng bằng hẹp của Hà Tĩnh, Trường Lưu từ lâu đã phải đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. 

img

Những di tích nhuộm màu thời gian là dấu ấn riêng biệt của Trường Lưu. Ảnh: Tiền Phong

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí (tập 2, NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 100) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Hà Tĩnh được miêu tả là "ruộng đất phần nhiều rắn, xấu, ít bằng phẳng, ruộng núi thì khô cằn, ruộng gần biển thì bị nước mặn xâm lấn...". 

Điều kiện khó khăn này buộc người dân nơi đây phải sống cần kiệm và kiên trì. Dù có năm mất mùa đói kém, dân làng vẫn không phải tha hương cầu thực.

Chính từ những vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống đã khiến người Trường Lưu hun đúc ý chí và quyết tâm vươn lên qua con đường học hành.

Trong bối cảnh phong kiến, học vấn và thi cử là con đường duy nhất để thay đổi số phận và trở thành quan chức. 

Vì vậy, Trường Lưu nổi tiếng là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao, thể hiện qua câu tục ngữ "làng con nít ít hơn Tiến sĩ" – ngụ ý rằng làng có rất nhiều người đỗ Tiến sĩ.

img

Mộc bản Trường học Phúc Giang - một trong ba di sản đang được người làng Trường Lưu gìn giữ. Ảnh: Internet.

Bên cạnh Nguyễn Huy Oánh, còn có nhiều người trong làng Trường Lưu đỗ đạt suốt 300 năm như Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đỗ Tiến sĩ năm 1772 và 32 người đỗ Hương Cống, Cử Nhân...

Một trong những nhân vật tiêu biểu là Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), người đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ và được khắc tên trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Sau khi trở về quê, ông đã sáng lập Trường học Phúc Giang, đào tạo hàng ngàn sĩ tử, trong đó có đến 30 người đỗ Tiến sĩ.

Ông còn lập thư viện, biên soạn giáo trình và thuê thợ khắc mộc bản từ làng Liễu Tràng (Hải Dương) để in sách. 

Đến nay, Trường Lưu vẫn còn lưu giữ 383 mộc bản quý giá của Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện. Trường Phúc Giang còn có quỹ đất Hương điền để hỗ trợ học trò nghèo, giúp họ yên tâm học tập.

Làng Trường Lưu tự hào sở hữu một kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ, hiếm có ở Việt Nam. 

Với 532 tư liệu quý giá còn được lưu giữ tại làng như sắc phong, gia phả, văn cúng, văn bia, hoành phi, câu đối và mộc bản, Trường Lưu trở thành một bảo tàng sống động về văn hóa truyền thống.

Nơi đây còn duy trì lễ Cầu Tiên tại nhà thờ Đức Bà, một nghi lễ cầu xin thuốc chữa bệnh hay gửi con cho Thánh, mang đậm dấu ấn của Đạo Mẫu – một phong tục tâm linh phổ biến ở nhiều làng quê Việt Nam. 

Khi nhắc đến Trường Lưu, người ta không thể quên "Trường Lưu bát cảnh" – tám cảnh đẹp nổi tiếng của làng, từ núi Phượng, ao sen, giếng nước, vườn hoa, đến các công trình chùa chiền, miếu mạo.

Ba di sản văn hóa thế giới tại Trường Lưu không chỉ là niềm tự hào mà còn là tài nguyên quý báu. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị này đang đặt ra thách thức lớn. 

Để gìn giữ và lan tỏa di sản trong thời hiện đại, việc gắn kết với du lịch là xu hướng tất yếu. Nhiều người ví von rằng di sản Trường Lưu chính là "con gà đẻ trứng vàng" khi du lịch có thể vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế cho làng.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ dạy và học, hình thành từ thế kỷ XVIII đến XX do dòng họ Nguyễn Huy tại Trường học Phúc Giang, đào tạo hơn 30 tiến sĩ và nhiều cử nhân.

Hoàng Hoa sứ trình đồ, bản sao duy nhất của tập sách với phần bản đồ chính, ghi chép nhiều thông tin quý hiếm về hành trình đi sứ của Đại Việt thế kỷ XVIII, do Nguyễn Huy Oánh biên tập, chú thích cho chuyến đi năm 1766-1767.

Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm, gồm 173 tài liệu tại 14 nhà thờ, đình làng và 8 tư gia ở Trường Lưu (cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX), bao gồm sắc phong, văn bản hành chính, hoành phi, câu đối, bia, gia phả, văn cúng và sách cổ, trong đó có "Quảng Thuận Đạo sử tập" do Nguyễn Huy Quýnh soạn, ghi nhận chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem