Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hoàng Thái hậu Từ Dụ vừa là vợ, là mẹ, là bà và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm.
Cả cuộc đời bà yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh muôn thuở, là bậc mẫu nghi thiên hạ của mọi thời đại.
Bà là người phụ nữ của triều Nguyễn được sử sách nhắc nhớ nhiều trong hậu thế bởi tính nết đoan trang, nhân từ, đức độ.
Đó là bà Hoàng Thái hậu Từ Dụ (Phạm Thị Hằng) vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức.
Điều đặc biệt hơn nữa, bà Từ Dụ là người đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua triều Nguyễn kể từ vua Gia Long là thời gian bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm vua Thành Thái thứ 13.
Từ Dụ Thái Hậu thường bị gọi nhầm thành Từ Dx, là một Hoàng Thái hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, thuộc triều đại nhà Nguyễn.
Từ Dụ thái hậu là một người đức hạnh, biết yêu quý dân chúng và giỏi nuôi dạy con cái. Bà tại vị như một bà hoàng cao quý nhất của triều đình Huế trong vòng 55 năm, từ lúc bà trở thành Hoàng thái hậu dưới thời Tự Đức vào năm 1847, cho đến khi qua đời vào năm 1902 dưới thời Thành Thái thọ đúng 100 tuổi, lâu hơn bất cứ bà hoàng nào khác của hoàng gia Huế, cũng như toàn bộ lịch sử Việt Nam.
Chân dung Thái hậu Từ Dụ. (ảnh tư liệu).
Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và rất xinh đẹp. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng thái hậu Trần Thị Đang, vợ kế vua Gia Long tuyển triệu vào cung để chầu hầu Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) – con vua Minh Mạng.
Lúc ban đầu vào Huế làm cung nữ hầu vua Thiệu Trị, nhà vua ngự giá Bắc tuần, bà theo giúp việc hàn mặc, nổi tiếng thông minh và linh hoạt nên được vua thương mến.
Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), vua sắc phong cho bà Từ Dụ chức Thành phi. Đến tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) bà được tấn phong chức Quý phi.
Bà Từ Dụ vốn có tư sắc diễm lệ, thông minh nhớ lâu. Phàm có gì tâu lên Vua, bà đều ghi nhớ, đến khi Vua hỏi đến bà đều y thế mà thuật lại, không sai một chữ. Vua Thiệu Trị yêu quý lắm, không gọi tên của bà mà chỉ gọi là "Phi".
Nhà vua thường hay ngự ở điện Khâm Văn nghe chính sự cùng các cơ mật đại thần, ông lệnh cho Phạm Hoàng Quý phi ở sau rèm nghe những lời tâu của các quan, những lời đức vua dụ ra, có những lúc nhà vua thường đàm luận với bà để quyết định triều chính.
Trong hậu cung, bà chăm nom yêu mến tất thảy các hoàng tử, hoàng nữ của bà và các cung phi khác, không phân biệt, kỳ kèo ai là con ai, tất cả đều xem bà là mẹ đích. Tiếng hiền trong cung đồn xa, ai nấy đều nể phục bà.
Đời sống nhân dân thời nhà Nguyễn. (ảnh tư liệu).
Sử triều Nguyễn cũng chép rằng, có nhiều khi vua Thiệu Trị ngồi đọc sách đến nửa đêm mà vẫn chưa đi ngủ, bà vẫn bên cạnh vua để hầu hạ.
Bà cũng là người thường xuyên khuyên nhủ các cung nữ trong cung hãy siêng cần công việc. Lúc được ân huệ gì của vua ban, bà không bao giờ tranh giành chọn lựa.
Ngược lại, ở trong cung có ai đó làm điều sai trái bị vua hay hoàng thân quở trách thì bà sẵn sàng chịu tội thay cho. Bà là người rất thông minh, chịu khó học hỏi và là người có trí nhớ rất khác lạ nên bà luôn được vua yêu quý ban ân.
Bà là chủ trong cung, dưới tay bà có biết bao nhiêu là cung nga thể nữ lo việc phục dịch nhưng việc gì bà cũng tự mình làm lấy. Ai có việc gì khó khăn, đau ốm là bà giúp đỡ tận tình nên ai ai cũng cảm mến bà, kính phục bà.
Người ta kể lại rằng, có năm vì thiên tai địch họa mà mùa màng thất bát, nhân dân khắp nơi lâm vào cảnh túng bấn, khốn cùng… bà đã đích thân xin nhà vua cho dân được miễn thuế.
Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt.
Đời sống phụ nữ Huế năm 1923. (ảnh tư liệu).
Trong những tháng ngày Vua Thiệu Trị tại vì, bà Quý phi Phạm Thị Hằng luôn là người được vua cho phép ngồi sau bức rèm để nghe vua và các quan đại thần bàn việc nước những lúc thiết triều. Vua Thiệu Trị yêu quý bà đến mức không bao giờ vua gọi tên mà chỉ gọi bà là "Phi" và bắt mọi người khi xưng với bà cũng chỉ dùng chữ “Phi” mà thôi.
Sách “Truyện kể về các Vương phi Hoàng hậu nhà Nguyễn” của tác giả Thi Long, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2010 viết rằng: “Một trong những đức tính tuyệt vời nhất của bà Phi này là sống giản dị, cần kiệm, đơn sơ như dân dã.
Tính cần kiệm của bà được sách chép lại rằng một hôm vua vào cung thấy nơi bà ngồi có cái quạt, vải sờn, nan gãy, còn nhiều thứ đồ dùng như chén bát có cái đã nứt rạn, sứt mẻ mới sai người đem đổi vật dụng mới hơn nhưng bà không cho, bà bảo còn dùng được thì dùng, vứt đi uổng, vả lại cái mới thì qua thời gian cũng phải cũ như thế, có gì mà phải thay đổi cho tốn kém”.
Vua Thiệu Trị khi nói chuyện với các bà phi tần khác trong cung thường khen bà nhân hậu, cần kiệm là thế. Trong cung không phải chỉ có con bà mà còn có nhiều hoàng tử, công chúa là con của các bà phi tần khác.
Tất cả đều được bà đối đãi và dạy dỗ giống như con ruột của bà, tất cả đều được bà nuôi dạy cẩn thận, chu đáo với tất cả tình thương yêu trời bể của một bà mẹ. Vì vậy mà bất cứ hoàng tử hay công chúa nào có chuyện gì cũng tìm đến bà, nhờ bà chỉ dạy hơn cả mẹ đẻ của mình.
Nội cung triều nhà Nguyễn. (ảnh tư liệu)
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), vua thấy mình không khỏe, bà đã thường xuyên túc trực bên vua để hầu hạ, đồng thời cầu xin thần thánh ngày đêm mong vua khỏe lại mà bà đã quên đi chuyện ăn uống chăm lo cho sức khỏe của mình.
Trong cơn khốn cùng của sức khỏe, vua Thiệu Trị vẫn gọi các quan đại thần đến để tận mặt dạy các quan rằng: “Quý phi là nguyên phối (vợ đầu) của Trẫm, phúc đức hiển minh, đã giúp Trẫm việc nội chính trong 7 năm qua. Đến nay, ý Trẫm muốn sách lập Quý phi làm Hoàng hậu chính vị trong cung!” Tiếc thay, Vua Thiệu Trị băng hà khi chưa kịp sắc phong cho bà.
Vua mất, bà hết sức buồn rầu, mỗi ngày thường ra Hoàng Lăng quỳ than khóc. Mỗi năm đến ngày giỗ vua Thiệu Trị, bà đều mặc lễ phục đứng hầu trước điện thờ, trọn đạo làm vợ, thủy chung trọn đời. Vua Thiệu Trị qua đời, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, tức vua Tự Đức.
Chồng mất, bà dốc sức dạy dỗ, bảo ban con. Bà thường nhắc đến công đức và những lời nói cũng như việc làm của các bậc tiền nhân để răn dạy con. Hằng đêm bà thường đọc sách giảng giải cho vua Tự Đức nghe. Bà dạy vua cách trị vì, điều hành đất nước sao cho hợp lòng dân.
Mỗi khi vua Tự Đức có lỗi, bà thường dùng roi và lời lẽ nghiêm trị để giáo huấn nghiêm khắc. Nhờ đó mà Tự Đức trở thành một ông vua thông minh, chí hiếu, hiền hòa, ưa thích ngâm thơ, vịnh phú, có tài xuất khẩu thành thơ, văn chương lưu loát.
Người dân dưới thời nhà Nguyễn. (ảnh tư liệu).
Xa giá trước Đại Nội. (ảnh tư liệu).
Ngày 23 năm Canh Thân (1848), Vua Tự Đức 19 tuổi, nối ngôi cha đã đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo (bảng sách vàng và ấn vàng) kính dâng tôn hiệu cho mẹ là Hoàng Thái hậu Từ Dũ.
Tuy nhiên, bà đã khước từ tôn hiệu cao quý đó vì lý do Vua Thiệu Trị mới băng hà lòng còn buồn thương, Vua Tự Đức mới lên ngôi việc nước còn phải gắng sức nên bà chưa an lòng. Phải đến 2 năm sau, khi Vua Tự Đức và triều đình nhiều lần dâng sớ thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà mới chịu làm lễ tấn tôn, nhưng chỉ tổ chức đơn giản không tốn kém.
Song song đó, bà rất trân trọng các quan trung thần, muốn có nhiều người như Võ Trọng Bình thanh liêm, Phạm Phú Thứ thẳng thắn và Nguyễn Tri Phương công trung cần cán không từ việc mệt nhọc.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoàng thái hậu Từ Dũ luôn được mọi người ca ngợi và thán phục. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa thế kỷ XIX.
Bà đã nêu cao tấm gương sáng tuyệt vời về phẩm hạnh và đức độ của người phụ nữ Việt Nam. Tên của bà sống mãi cùng quê hương đất nước và được sử sách ghi danh muôn thuở.
Vì quá kính phục tấm lòng trắc ẩn ấy mà dân gian đã có một bài vè dài đến 700 câu ca ngợi tấm lòng và sự nhân từ độ lượng của bà. Tên bà được đặt cho một bệnh viện phụ sản lớn nhất cả nước là bệnh viện Từ Dũ tại TPHCM.
Kỳ tới: Bảo Đại từng thề chung thủy một vợ một chồng nhưng thay đổi vì nhan sắc người tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.