Rau muống Linh Chiểu ở Phúc Thọ, rau tiến vua, còn một con động vật đặc sản tiến vua, là con gì?
Vùng đất cổ này có rau đặc sản giòn, xưa vua ăn mê tít, thêm của ngon là một con động vật đào hang
Thứ bảy, ngày 31/08/2024 13:01 PM (GMT+7)
Vùng đất cổ Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội) có tới bốn đặc sản được mệnh danh là “tứ dị” tiến Vua gồm: Dơi ngựa Sài Sơn, cá chép Cấn Xá thuộc huyện Quốc Oai; cua đồng Khánh Hiệp và rau muống Linh Chiểu thuộc huyện Phúc Thọ.
Như một cơ duyên, trong dịp cùng đồng nghiệp đi tìm những nét lạ nơi xứ Đoài, tôi đã tìm được tận chốn phát tích thứ đặc sản ngon ngọt bậc nhất này.
Cũng lạ, khi đặt chân đến vùng đất Phúc Thọ, nhắc đến rau muống Linh Chiểu ai cũng biết, thế nhưng hiểu cặn kẽ về gốc tích thì phải sau cả buổi lang thang trong làng, đến khi chúng tôi đến nhà ông Kiều Văn Sơn (Thủ từ miếu Sen Chiểu) mới rõ ngọn nguồn.
Theo ông Sơn kể lại, rau muống tiến Vua phát tích từ xã Sen Chiểu nhưng sâu xa hơn là nó bắt nguồn từ làng Thanh Chiểu.
Chữ cổ gọi Linh Chiểu, dịch sang quốc ngữ gọi là Thanh Chiểu. Khi xưa, vào thời nhà Nguyễn, làng Thanh Chiểu có thứ rau gọi là rau duôi.
Vua chúa mỗi khi có dịp từ Huế ra thì thường hay ghé lên thành Sơn Tây. Thời điểm đó, thức rau ấy được bán ở chợ Sơn Tây. Sau khi nếm thử, thấy vị rau ngon nên Vua ra lệ Thanh Chiểu mỗi năm mang vào Huế cung tiến cho Vua.
Ông Sơn cũng cho biết, sở dĩ rau muống mọc trên vùng đất này có dư vị ngon là bởi nơi đây có mạch nước sủi lộ thiên và được phù sa màu mỡ từ sông Hồng bồi đắp. Yếu tố thổ nhưỡng và giống rau chính là bí quyết tạo nên vị ngọt, giòn của rau muống tiến Vua.
Rau luộc lên ăn giòn, ngọt và có vị bùi. Nước luộc rau màu xanh trong, không xanh đục hoặc đỏ sậm như như những rau muống khác.
Tương truyền, người xưa trồng rau muống tiến Vua phải rất kỳ công. Những ngọn rau muống mới nhú được luồn vào trong vỏ ốc nhồi cỡ lớn rỗng ruột.
Lúc thu hoạch, rau được ngắt lấy phần ngọn nằm sâu trong vỏ ốc. Do nằm sâu trong vỏ nên ngọn rau trắng nõn, xoắn lại, rất đẹp mắt... Ngoài ra, cuống rau to tròn, vươn cao khỏi mặt nước khiến rau thanh sạch, không nhiễm chất nước.
Hỏi sâu về chi tiết này, ông Sơn chia sẻ, mỗi ngọn rau muống tiến Vua khi trồng phải có nước cao 40cm, mỗi ngọn được trồng cách nhau 30 - 40cm. Trong khi đó rau muống thường thì khoảng cách là 15cm. Sở dĩ trồng rau như vậy để đến khi rau tốt, ngọn vươn được cao song vẫn đảm bảo độ non mượt.
Rau muống tiến vua trồng ở làng Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) có ngọn to, dài, lá thưa, ăn giòn, ngọt. Ảnh: P.T
“Vì trồng rau kỳ công, năng suất thấp nên xưa với rau tiến Vua thường chỉ để ăn sống, tức là rau ấy cộng thêm rau chuối, lá thốt nốt, tía tô, húng… trộn lẫn.
Mà thức rau ấy cũng lạ, lúc nào cũng phải có 20cm nước. Không có 20cm nước là nó ra rễ, nó bám đất, cho nên lúc cấy không được cấy ruộng nông.
Người ta hái rau và chỉ bó 12 ngọn thành một mớ thôi” - ông Kiều Văn Sơn cho biết.
Giữ gìn giống rau muống quý
Tự hào vì quê hương Sen Chiểu có giống rau quý, mang thương hiệu trong dân gian nhưng hiện những người dân trong vùng cũng không khỏi bận lòng vì rau muống tiến Vua giờ đã bị lai tạp và thoái hóa nhiều.
Ngoài ra, diện tích gieo trồng cũng bị thu hẹp dần. Nhắc chuyện này, ông Phùng Văn Dũng (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen Chiểu) bộc bạch, dù rau muống tiến Vua là loại nông sản rất ngon, nhưng nông dân vẫn chưa làm giàu được từ đặc sản này.
Theo lời kể của ông Dũng, việc gây dựng thương hiệu cho nông sản này vẫn đang gặp không ít long đong.
Còn nhớ, tầm những năm 2008, 2009 có một đơn vị về đây đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, thuê đất của dân để gây dựng thương hiệu. Nhưng sau một thời gian, vì nhiều nguyên nhân nên “giấc mơ” này đành gác lại.
Dang dở từ những năm đó đến hiện tại chỉ còn người dân tự phát phát triển thương hiệu để cung cấp cho thị trường.
“Xưa Hợp tác xã cũng có một thời đứng ra quản lý thương hiệu rau. Lâu nay, đã không làm dịch vụ đó nữa. Hiện chỉ có một số hộ dân trực tiếp làm với các công ty. Khó khăn lớn nhất là rau muống tiến Vua vẫn chưa được chọn là sản phẩm OCOP.
Để thương hiệu không mất đi, vừa rồi, chúng tôi định làm 2ha chuyên canh rau muống song xin ý kiến của dân thì thấy không có nhân lực.
Việc đứng ra thành lập vùng rau muống tiến Vua hiện vẫn gặp nhiều khó khăn” - ông Phùng Văn Dũng chia sẻ.
Chị Kiều Thị Hằng (một hộ chuyên canh rau muống tiến Vua lớn bậc nhất trong vùng) cho biết, nếu chịu khó thì trồng rau muống vẫn đem lại thu nhập cao hơn cấy lúa hoặc canh tác hoa màu khác. Cũng theo chị Hằng, hiện giống rau tiến Vua đang canh tác đã có ít nhiều lai tạp.
Một phần vì chọn lọc tự nhiên, phần khác vì năng suất. Tuy nhiên, hái rau đem bán nhiều năm nên theo chị Hằng, giống rau này không đẻ nhiều nhánh.
Mỗi gốc rau thông thường chỉ có hai nhánh nên năng suất không cao. Ví như một miếng đất trồng rau dải chỉ hái được 100 mớ, nhưng khi trồng loại rau muống khác trên cùng diện tích lại hái được gấp đôi, thậm chí gấp ba con số đó.
Là một người trồng rau, bản thân chị Hằng rất mong muốn rau muống tiến Vua sẽ được đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để kết nối tiêu thụ sản phẩm tốt hơn nữa; các ngành chức năng tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất vùng rau an toàn.
“Chúng tôi rất mong rau muống tiến Vua không dừng lại ở “tiếng thơm” mà phải trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân nâng cao đời sống” - chị Hằng mong mỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.