Ngôi làng ven đô Hà Nội sở hữu 3 cây di sản Việt Nam

Duy Huy- Song Phúc Thứ sáu, ngày 16/06/2023 11:13 AM (GMT+7)
Cây Đa, cây Bồ đề và cây Đa ba rễ (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân địa phương.
Bình luận 0

Video cận cảnh 3 cây di sản tại thôn Song Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy- Song Phúc.

Chứng nhân lịch sử

Cây đa ba rễ đầu làng Song Khê đã có từ lây đời. Cây có thân chính và 3 thân phụ do rễ cắm xuống đất nên dân gian thường gọi là cây đa ba rễ. Hình ảnh cây đa ba rễ từ lâu đã trở nên thân thuộc với người dân Song Khê và nhân nhân quanh vùng. 

Cây đa ba rễ đã chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, đất nước, là nơi nghỉ chân của người dân thôn quê và khách bộ hành khi qua nơi này.

Trưởng thôn Song Khê Kiều Văn Thùy cho biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cây đa ba rễ là nơi để du kích và dân làng chống giặc. Dưới gốc cây là hòm thư bí mật, các chỉ thị của cấp trên, cất giữ truyền đơn của Mặt trận Việt Minh. 

Vì thế, các trận đấu chống địch đã làm cho quân giặc bạt vía, kinh hoàng, góp phần tạo nên thành tích lẫy lừng của du kích Tam Hưng với bốn chữ vàng "Tam Hưng Anh Dũng" (1948).

Ngôi làng ven đô Hà Nội sở hữu 3 cây di sản Việt Nam - Ảnh 2.

Cây đa ba rễ đầu làng thôn Song Khê được công nhận Cây di sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây đa ba rễ là nơi dân quân đặt chòi trực chiến. Khi có máy bay Mỹ thì báo động để dân quân tham gia chiến đấu, còn nhân dân xuống hầm trú ẩn.

Trên chòi cao, đội thanh niên xung kích là những phát thanh viên gọi loa thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kháng chiến kiến quốc, vận động thanh niên lên đường ra trận, những người ở lại thì hăng hái sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" góp phần cùng toàn xã Tam Hưng đạt danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1995).

"Trong suốt thời gian trường tồn, cây đa, cây đề, cây đa ba rễ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho nhân dân địa phương.

Việc công nhận 3 cây di sản là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc chăm sóc bảo vệ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ nguồn gen quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường", Trưởng thôn Song Khê Kiều Văn Thùy nhấn mạnh.

Niềm tự hào của địa phương

Theo tương truyền, ngôi đền Đức Ông trước chùa Bối Khê có cùng thời với chùa Bối Khê. Đền Đức Ông là đền trình của chùa. Trước khi vào chùa, khách thập phương qua đền Đức Ông thắp nhang trình báo xin phép vào chùa lễ Phật, lễ thánh. 

Cây bồ đề được trồng sau khi ngôi đền được xây dựng. Trong gia phả của dòng họ Lê ở làng Bối Khê có ghi người trồng cây bồ đề là cụ Lê Đình Thọ, trồng cách đây gần 500 năm.

Trải qua thời gian mấy trăm năm, cây đề này chứng kiến các bước thăng trầm của lịch sử quê hương và dân tộc; chứng kiến nhiều sự kiện văn hóa tín ngưỡng ở chùa Bối Khê với các nghi lễ trong các dịp lễ hội chùa và các hoạt động văn hóa tâm linh khác.

Ngôi làng ven đô Hà Nội sở hữu 3 cây di sản Việt Nam - Ảnh 3.

Cây bồ đề cạnh đền Đức Ông tại thôn Bối Khê.

Cụ Lê Thị Chúc (83 tuổi) cho hay, từ thời ông bà của cụ đã thấy các "Cụ cây" uy nghi ở đây, tỏa bóng mát cho bà con nhân dân. Mấy trăm năm đã trôi qua, cây bồ đề đền Đức Ông, chùa Bối Khê vẫn được nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ. Cây bồ đề là biểu tượng của Phật giáo gắn liền với ngôi chùa cổ Bối Khê.

Về cây đa trước cửa chùa, ông Nguyễn Văn Cường (70 tuổi, thôn Song Khê) chia sẻ, theo các bậc cao niên trong làng truyền lại thì cũng đã có từ lâu đời, hàng trăm năm nay. 

Thực tế, không ai biết chính xác cây có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, "Cây đa chùa Bối" hay "Cây đa cửa chùa" là câu nói cửa miệng mà bao đời nay mọi người đều nhắc tới.

Cây đa đứng trên một thân chính và một số rễ phụ, hơi nghiêng về phía sân rộng trước cổng ngũ môn của chùa càng làm cho cảnh chùa thêm tôn nghiêm, trầm mặc đúng với tính chất của chốn thiền tự ở làng quê.

Ngôi làng ven đô Hà Nội sở hữu 3 cây di sản Việt Nam - Ảnh 4.

Cây đa trăm tuổi sừng sững trước cổng chùa Bối Khê.

Trải qua thời gian mấy trăm năm, cây đa chùa Bối Khê vẫn uy nghi trước cổng ngũ môn của chùa là sự bài trí vô cùng khéo léo giữa đền Đức Ông với cây bồ đề cổ thụ, cổng ngũ môn, sâu bên trong là tam quan kiêm gác chuông chùa hai tầng tám mái, tạo nên phong cảnh tuyệt diệu chốn thiền lâm ở nơi thôn giã. Mấy trăm năm đã trôi qua, cây đa chùa Bối Khê vẫn được người dân quanh vùng chăm sóc bảo vệ.

Chị Lê Thị Nga người dân thôn Song Khê  cho biết thêm, những ngày hè nóng nực này, người dân thôn Song Khê tìm về dưới các gốc cây di sản trước cổng chùa Bối Khê càng đông hơn. Bởi đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của gốc đa, gốc đề, mọi người ai cũng có cảm giác thoải mái vì được hít thở khí trời mát mẻ.

"Với tán xòe rộng bao phủ cả một góc sân, ngồi dưới gốc đa cứ có cảm giác mát lạnh như như ngồi điều hòa vậy. Ngồi tán cây, nắng không tới đầu, tôi thỏa thích chụp ảnh và đọc sách", chị Lê Thị Nga nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem