Ngực lép không được lái tàu

Thanh Hằng Thứ hai, ngày 02/04/2018 02:38 AM (GMT+7)
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, những tiêu chí về vùng ngực hay vùng kín cho nhân viên, lái tàu mới là dự thảo vàBộ Y tế sẽ họp về nội dung này.
Bình luận 0

Dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà Bộ Y tế vừa đưa ra lấy ý kiến đang gây xôn xao dư luận.

Trước đó, tháng 12.2014, những quy định quanh dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe như "người có chiều cao cân nặng thấp, vòng ngực lép”… không được lái xe cũng gây tranh cãi và sau đó Bộ Y tế đã loại bỏ khỏi dự thảo.

Còn lần này, việc khám sức khỏe cho các chức danh của ngành đường sắt như lái tàu, phụ lái tàu, trưởng tàu, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu, nhân viên gác ghi, nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe… đủ 13 mục: mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, hệ tiêu hóa, tâm thần, hệ tuần hoàn, hệ sinh dục, ngoài da - da liễu, nội tiết, u các loại và ngoại hình.

img

Lái tàu, phụ lái tàu theo như dự thảo sẽ phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe. Ảnh: VOV

Khi tuyển lái tàu, phụ lái tàu là nam giới phải cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg, lực kéo thân từ 100 kg. 

Những trường hợp bị tràn dịch màng tinh hoàn, bệnh đường niệu đạo, dương vật phải can thiệp sẽ không đủ điều kiện tuyển cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.

Với nữ là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53 m, cân nặng 45 kg, vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên. 

Những trường hợp bị sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ... cũng không đủ điều kiện để lái tàu, phụ lái tàu. 

Chia sẻ với người viết bài này, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Thông tư này do Bộ Y tế và Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ GTVT) xây dựng, nhằm đảm bảo cho nhân viên đường sắt đủ sức khỏe đảm nhiệm công việc, đặc biệt là ở các vị trí có liên quan đến tính mạng nhiều người như lái tàu, phụ lái tàu, gác ghi...

Còn qua điện thoại, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng khẳng định rằng việc đưa ra các quy định tại dự thảo Thông tư là có lý do của nó.

Với tiêu chí vòng ngực, ông Quang cho biết, ngực có chức năng hô hấp nên là một trong những chỉ số đánh giá thể trạng sức khỏe của một người, nếu đường hô hấp tốt thì vòng ngực sẽ lớn. Ngoài ra, người có khối u mà làm việc trong môi trường không phù hợp, hoặc có các yếu tố nguy hại, hóa chất, khói bụi dễ gia tăng nguy cơ u ác tính hoặc gây hại cho sức khỏe, thậm chí giảm tuổi thọ; công việc đặc thù khiến thân nhiệt có thể cao hơn bình thường, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, gây hiếm muộn. 

img

Một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng tại Quảng Trị

Do đó, những tiêu chí này vừa đảm bảo cho chính nhân viên đường sắt, vừa đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu.

Một thành viên Ban soạn thảo tiêu chuẩn quy định về sức khỏe của nhân viên đường sắt cho biết, do đặc thù nghề nghiệp của ngành đường sắt, không thể muốn là dừng được để chữa bệnh, vì thế, sức khoẻ lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn là để tránh tai nạn. 

Lái tàu thường đi đường dài, đường rừng núi, thời gian cũng dài, nên nếu có bệnh cũng không thể dừng lại để điều trị. Vì vậy, việc tuyển chặt từ đầu rất cần thiết.

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh đây mới là dự thảo lần 1 và ngày 2.4, Bộ Y tế sẽ họp về dự thảo này, sau đó, họp với Cục Y tế giao thông vận tải, tiếp tục lấy ý kiến người dân và sẽ loại bỏ những gì không phù hợp.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, hầu hết các quy định về sức khỏe đều có lý do chuyên môn. Việc khám tuyển đối với nhân viên ngành đường sắt rất quan trọng, bởi nó không chỉ tác động đến cá nhân họ, mà còn ảnh hưởng đến số phận của nhiều hành khách trên các tuyến tàu.  

Con số 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến 79 người chết chỉ trong nửa đầu năm 2017, trong đó có nhiều vụ do sức khỏe của lái tàu, trực gác đường ngang không đảm bảo là minh chứng cho việc vì sao phải chặt chẽ trong khám tuyển nhân viên đường sắt. 

Cách đây vài tháng, 2 tàu hỏa suýt tông nhau tại ga Suối Vận, Bình Thuận chỉ vì nhân viên gác tàu mệt quá ngủ quên là một ví dụ.

Trong môi trường làm việc nặng nhọc, nhiều khi vào ban đêm, lại ô nhiễm khói bụi, nếu không đủ sức khỏe sẽ nhanh mệt mỏi và mất tập trung dẫn đến ngủ quên, thao tác nhầm dẫn đến tai nạn. 

Một nghiên cứu cách đây hơn chục năm cũng cho thấy rằng, 100% công nhân lái tàu có vấn đề về tâm lý, xã hội. 32,8% ưu tư trầm cảm và 36,9% có tính không ổn định và điều này hẳn có liên quan đến 700 vụ tai nạn đường sắt năm 2001. 

Ngay cả nước Pháp từng giảm được gần 20% số vụ tai nạn đường sắt khi thắt chặt kiểm tra sức khỏe nhân viên công vụ ngành đường sắt lúc tuyển dụng.

Trong môi trường làm việc nặng nhọc, không kể ngày hay đêm, quãng đường chạy tàu thường dài, địa hình nhiều khi hiểm trở, nếu không đủ sức khỏe để đảm bảo công việc thì hậu quả sẽ rất nặng nề, nhất là trong nhiều trường hợp, sức khỏe của họ quyết định số phận của hàng trăm hành khách. Vì thế, nếu những tiêu chí về vòng ngực hay vùng kín mà vì an toàn của lái tàu, hành khách thì sao đã vội phản ứng?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem