A Ma Liên kể rằng, chưa đầy 10 tuổi, già đã say mê các tiếng đàn, tiếng sáo của dân tộc mình. Đến năm 14 tuổi, già theo học đàn goong, đàn t’rưng của ông Ma Veng ở buôn Ma Lúa và học sáo đing guih, đing klôt của ông Ma Bam ở buôn Ma Thìn. Đến năm 25 tuổi, thì tham gia Đội văn công huyện miền Tây (Phú Yên).
Trong những năm chiến tranh, Đội văn nghệ huyện Miền Tây không chỉ phục vụ cho nhân dân, bộ đội ở địa phương, mà con đi lưu diễn hội thi nghệ thuật quần chúng ở các huyện bạn như Đồng Xuân, Tây Nam (Phú Yên), An Lão (Bình Định), Kông Chò Rò (Gia Lai)... Những lần lưu diễn, A Ma Liên đều mang theo các nhạc cụ trên để thi tài với các đơn vị bạn và đoạt nhiều giải thưởng.
Nghệ nhân A Ma Liên đang chơi đàn goong.
Để giới thiệu với khách đến thăm, Nghệ nhân A Ma Liên mang tất cả những nhạc cụ “ruột” của mình ra khoe. Rồi già chơi đàn goong, thổi sáo đing guih cho chúng tôi thưởng thức. Giọng đàn, tiếng sáo của già rất điệu nghệ, thật ấn tượng khó quên...
Ông Ma Nguyệt, giáo viên ở Cà Lúi bảo: “A Ma Liên tuổi cao nhưng còn nhiều duyên nợ với tiếng đàn, tiếng sáo. Mỗi khi trong buôn có chuyện vui, già đều mang đàn goong, sáo đing guih ra phục vụ cho bà con. Ai nghe cũng ưng cái bụng, vui cái tai lắm”.
Già A Ma Liên tâm sự: “Tôi không bao giờ quên những âm thanh đàn t’rưng, sáo đing klôt… Vắng nó, tôi buồn day dứt. Nhiều lần tôi vận động các con em trong buôn làng học đàn, thổi sáo nhưng chúng nó không muốn. Bây giờ lớp trẻ chỉ hướng về nhạc mới thôi. Tôi chỉ mới truyền dạy được cho hai con là Nay Y BLất và Nay Y Minh. Hai đứa học sáng lắm!”.
Ông Kpá Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Cà Lúi chia sẻ: “Hiện nay, trong xã có 6/7 thôn, buôn còn lưu giữ cồng, chiêng với hơn 100 người là thanh niên biết hòa tấu nhạc cụ này. Còn đàn goong, sáo đing klôt thì chỉ duy nhất A Ma Liên còn gìn giữ và biết sử dụng, nên rất dễ bị thất truyền. Vì vậy mong ngành văn hóa quan tâm lưu giữ và truyền dạy những nhạc cụ dân tộc quý này…”.
Lê Kha- Đ.T (Lê Kha- Đ.T)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.