Người dân Hà thành tìm mua loại quả màu vàng óng về chỉ để "ngửi chứ không ăn"
Người dân Hà thành tìm mua loại quả màu vàng óng về chỉ để "ngửi chứ không ăn"
Kim Thư
Thứ bảy, ngày 22/07/2023 14:15 PM (GMT+7)
Nhiều người dân Thủ đô lùng mua bằng được loại quả thị “gây thương nhớ” với giá khá đắt đỏ. Bởi với họ, quả thị chín, màu vàng ươm, thơm phức là hương sắc cổ tích gắn với những câu chuyện của bà, của mẹ.
Video quả thị đầu mùa, thơm lừng 1 góc phố Hà Nội. Video: Kim Thư.
Trước đây, vào những ngày chớm thu se lạnh, những quả thị vàng óng với mùi thơm thoang thoảng trở thành thứ quà yêu thích của trẻ nhỏ, có mặt ở bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình vào những ngày lễ. Thế nhưng ngày nay, quả thị trở thành loại quả "sang chảnh" có giá bán khá cao được nhiều người tìm mua khi mới chớm mùa.
Thị đầu mùa nhỏ xíu vẫn cháy hàng
Sáng sớm, sau khi giao thị cho khách trên gánh hàng chỉ còn vài chục quả, chị Nguyễn Thị Hồng (Hoài Đức, Hà Nội) khoe: "Chuyến thị hôm nay về nhiều hơn, vừa trả hàng cho khách nên cũng chỉ còn vài quả xấu".
Những người bán hàng rong bắt đầu bán quả thị trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Kim Thư.
Chị Hồng chia sẻ, ở Hà Nội khoảng chục năm trở lại đây những cây thị to dần vắng bóng. Song, vào mùa, thị chín vẫn xuất hiện nhiều ở ngõ chợ, hay những xe hàng rong trên phố. Dân buôn đa phần bán thị theo quả, cũng có người bán theo cân.
Thời điểm này, dù đang giữa hè với cái nắng như đổ lửa, nhưng thị đã chín. Nên, khoảng nửa tháng nay chị Hồng bắt đầu gom thị từ các mối về bán theo đơn đã đặt hàng của khách.
Song, chị cũng phải thừa nhận rằng, vì là thị đầu mùa, nên giá cũng đắt đỏ. "Nếu vào chính vụ như năm ngoái, giá chỉ dao động trong khoảng 5.000-7.000 đồng/quả tuỳ loại, còn bây giờ giá tới 10.000 đồng/quả vẫn có người mua. Mấy hôm trước còn "cháy hàng" vì nhiều người muốn có thị thơm thắp hương vào mùng 1/6 âm lịch", chị Hồng nói.
Chị Trịnh Hải Yến, đầu mối bán nông sản online ở Hà Nội cũng thừa nhận, dù giá thị đầu mùa khá đắt nhưng khách vẫn đặt mua, chị phải gom từ khắp các mối có thị ở Hà Nội, Nam Định...
Những quả thị màu vàng óng, da căng mịn với mùi thơm đặc trưng "gây thương nhớ". Ảnh: Kim Thư.
"Như tuần trước, tôi gom hàng về bán hết hơn 1.000 quả. Tuần này có ngày mùng 1/6 âm lịch, dự kiến lượng thị bán ra khoảng 1.500 quả. Khách phải đặt ít nhất 5 quả tôi mới nhận đơn để tiện công ship hàng. Song, đa phần khách đặt theo cân, mỗi cân khoảng 10-15 quả", chị Yến cho biết.
Thú "chơi thị" của người dân Hà thành
Chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm nào chị cũng tìm mua bằng được quả thị về để trong nhà. "Quả thị giờ hiếm lắm, muốn mua cũng khó. Mỗi quả thị bé xíu được bán với giá 10.000 đồng nhưng được một lúc là hết veo", chị Lan cho hay.
Cầm quả thị lên hít hà tỏ vẻ thích thú, chị Hoa kể, quê chị ở Phú Thọ, ngày xưa phải 3 ngày mới có một phiên chợ, mỗi mùa thị mấy chị em lại háo hức đua nhau đan giỏ chỉ chờ mẹ đi chợ mua quả thị cho.
Đặt mua thị để bày giỏ để ở trong phòng khách, chị Đào Hồng Thúy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: "Vào mỗi mùa thị chín, tôi cứ mua hết mẻ thị này tới mẻ thị khác. Thị đầu mùa lúc nào cũng đắt, nhưng thơm. Mua thị chơi là để nhớ về ký ức ngày còn nhỏ, cũng là để thưởng thức hương thơm tự nhiên từ cây cỏ thay cho mấy mùi hương công nghiệp".
Cùng với hoa nhài, hoa sen, quả thị cũng góp phần tạo nên mân lễ cúng với mùi thơm nồng nàn. Ảnh: Kim Thư.
Chị Thúy nhớ lại ngày còn bé, vào mùa thị chín chị thường được mẹ mua thị, đan giỏ cho chơi. Chỉ vài nghìn đồng một chục quả, trong nhà lúc nào cũng ngào ngạt mùi thị chín thơm. Chơi từ lúc quả còn ương rồi héo chín, cho đến khi vỏ xuất hiện những vết đồi mồi (quả thị chín và có hương thơm sâu nhất) cũng được cả tuần.
Theo bí quyết của những người chơi thị, mùa thị kéo dài 3 - 4 tháng (từ tháng 6, tháng 7 đến tháng 9, tháng 10) thế nhưng chỉ thị đầu mùa mới có mùi thơm ngào ngạt.
Thú chơi hương của người Việt tuy không bài bản đến mức có quy tắc, luật lệ như các thú chơi khác nhưng rõ ràng đã tồn tại từ lâu. Trong truyện cổ tích dân gian Tấm Cám, lời tỉ tê của bà cụ bán nước với cây thị như lời đúc kết của người xưa với thú chơi này "bà để bà ngửi chứ bà không ăn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.