Từ đầu tháng 7 này, sở Công thương bắt đầu “làm căng” vấn đề truy xuất nguồn gốc thịt heo về hai chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), và Bình Điền (Q.8). Các tiểu thương phải chứng minh con heo bắt ở trang trại nào, giết mổ ở đâu, có đạt an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Nếu chưa đáp ứng được các điều kiện này, nghiễm nhiên sẽ bị cấm cửa vào chợ. Tương tự, sau đó khoảng hai tháng, tức từ ngày 1.9.2017, quả trứng, miếng thịt gia cầm cũng phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc như con heo.
Ở thị trường TPHCM, chỉ riêng miếng thịt ở khâu bán lẻ, hiện có ít nhất hơn 7.000 điểm bán thực phẩm có bán thịt heo, theo Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: Đặng Thư.
Ngoài sở Công thương đang tỏ rõ quyết tâm xử lý mạnh tay với thịt bẩn, thành phố cũng đang đốc thúc ban ATVSTP khẩn trương có kế hoạch hành động, chấn chỉnh lại thị trường thực phẩm ở thành phố đông dân nhất cả nước này. Vừa qua, ban ATVSTP được giao thêm nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho miếng thịt xuất đi các tỉnh, điều này, đồng nghĩa từ nay ban này chịu trách nhiệm trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh... đối với sản phẩm thịt, bên cạnh các loại thực phẩm thuỷ hải sản, rau củ quả...
Hầu hết ý kiến người dân khi được hỏi, đều hài lòng với cách bố trí và cách làm mà các cơ quan chức năng ở thành phố đang áp dụng với thực phẩm. Bà Sử, người tiêu dùng ở P. Linh Trung, Thủ Đức, nói nếu miếng thịt heo, thịt gà, hay quả trứng mà gia đình vẫn mua ở chợ Bắc Ninh gần nhà truy xuất được nguồn gốc thì từ nay, có thể an tâm, không lo lắng đến vấn đề ATVSTP nữa.
Tuy nhiên, trên lý thuyết, việc quản lý thực phẩm theo chuỗi chỉ có hiệu quả khi chúng ta giám sát cặn kẽ quy trình sản xuất, đến chế biến, lưu thông và phân phối. Mặt này, e rằng, đề án của sở Công thương hay trách nhiệm của ban ATVSTP làm chưa tới. Chẳng hạn, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ hơn 10.000 con heo, phân nửa số này giết mổ nội thành, còn lại giết mổ từ các tỉnh, sau đó thương lái đưa về hai chợ đầu mối tiêu thụ. Lý thuyết, sở Công thương hay ban ATVSTP có thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của từng con heo, nhưng điều đó, chưa thể đảm bảo con heo có hay không bị thúc chất tăng trọng, tồn dư chất cấm hoặc bơm nước trước khi đưa vào giết mổ.
“Rất khó kiểm soát hơn 10.000 con heo được nuôi ở rất nhiều trang trại, nhiều lò giết mổ và hàng ngàn tiểu thương cung cấp. Số heo này, nếu ở nước ngoài, chỉ do một hoặc hai doanh nghiệp cung cấp, các thiết bị kiểm tra cũng nhanh nhạy, tốt hơn nên quản lý sẽ dễ hơn nhiều!”, một chuyên gia trong ngành chăn nuôi khẳng định.
Nguyên tắc, miếng thịt, quả trứng từ trang trại ra thị trường, đến tay người dùng càng tinh giản các khâu trung gian bao nhiêu càng giảm được tỷ lệ rủi ro mất ATVSTP bấy nhiêu. Ở thị trường TP.HCM, chỉ riêng miếng thịt ở khâu bán lẻ, hiện có ít nhất hơn 7.000 điểm bán thực phẩm có bán thịt heo, theo sở Công thương TP.HCM. Như vậy, riêng đội ngũ tiểu thương sống bằng nghề kinh doanh có liên quan đến miếng thịt heo, nếu cộng cả ở chợ đầu mối cũng xấp xỉ hàng chục ngàn người. Số này, e rằng, với chỉ vài trăm nhân viên của ban ATVSTP sẽ khó lòng quán xuyến nổi.
Khi bàn về vấn đề kinh doanh miếng thịt, ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty TNHH SX-TM Trại Việt (Vietfarm) cho rằng với chừng đó sản lượng heo thì chỉ nên để một vài đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp là đủ, còn nếu duy trì hàng chục ngàn người thì khả năng rủi ro mất kiểm soát là rất cao.
“Chúng ta không thể cùng lúc giải quyết hai vấn đề là tạo công ăn việc làm và giảm rủi ro ATVSTP được. Muốn có nguồn thực phẩm sạch thì phải quy về một đầu mối, giảm tối thiểu sự tiếp xúc trực tiếp của con người!”, ông Hoạt phân tích.
Một khi chỉ có một vài doanh nghiệp đầu mối cung cấp, lúc đó, miếng thịt, quả trứng phải được định hình lại ở cách thức quản lý, từ việc tổ chức lại khâu chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, bán lẻ. Khâu bán lẻ phải sắp xếp lại theo hướng bán thịt trong tủ mát, có bao bì, nhãn mác rõ ràng để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc. Các tiểu thương chợ lẻ, nếu muốn bán thịt phải có tủ mát, thịt đựng trong tủ, người tiêu dùng chỉ việc tới đó lựa chọn chứ tuyệt đối không bày ra bàn, chặt, bán từ sáng tới chiều như hiện nay. Vai trò chợ đầu mối cũng không còn. Sản phẩm từ các trại chỉ qua khâu doanh nghiệp, giết mổ, sơ chế hoặc chế biến rồi đưa thẳng ra thị trường. Cách này, có thể phải chấp nhận để hàng ngàn tiểu thương bán thịt, bán trứng, bán thuỷ hải sản… chuyển sang làm việc khác, nhưng đổi lại, xã hội có nguồn thực phẩm sạch.
Trong khi một chai nước suối giá chưa đến 10.000 đồng phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt về nhãn mác, chỉ dẫn nguồn gốc thì không có lý gì miếng thịt, quả trứng, sản phẩm thuỷ hải sản, rau củ quả bán ở chợ lại không có bao bì, thương hiệu rõ ràng. Việc truy xuất nguồn gốc hay lập thêm ban ATVSTP để quản lý thực phẩm là điều đáng làm. Tuy nhiên, nếu thành phố còn duy trì chợ đầu mối, còn để cho tiểu thương chợ lẻ vô tư bán thực phẩm không nhãn mác thì e rằng, người tiêu dùng vẫn phải sống chung với thực phẩm chưa sạch. Duy trì một thị trường thực phẩm như vậy, còn vô tình làm triệt tiêu ý định đầu tư của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm tốt sẽ khó “sống sót” khi vẫn có những người làm chưa tốt, chưa đạt nhởn nhơ kinh doanh bên cạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.