Người dân trồng đào tất bật phục hồi đào sau Tết Nguyên đán

Nhật Minh Thứ hai, ngày 19/02/2024 07:13 AM (GMT+7)
Ngay sau Tết Nguyên đán, người dân ở Hà Nội sống bằng nghề trồng đào lại tất bật, khung cảnh lao động nhộn nhịp đang diễn ra tại các vườn đào ở Hà Nội.
Bình luận 0

Anh Hoàng Anh (Dương Nội, Hà Đông) người trồng đào có thâm niên nhiều năm cho biết: "Ra Tết, thời tiết nắng ấm chưa có mưa phùn nhiều, điều này thuận lợi cho người dân vui chơi, đi lễ hội nhưng lại không tốt cho việc trồng mới, phục hồi đào".

Anh Hoàng Anh tiết lộ thêm, khoảng từ mùng 8 tháng Giêng trở ra, người trồng đào ở làng đào Dương Nội (Hà Đông) nói riêng và người trồng đào ở nhiều nơi khác nói chung lại tất bật, bận rộn với công việc chuẩn bị cho một vụ hoa mới.

Người dân trồng đào tất bật phục hồi đào sau Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Người dân trồng đào đang tiến hành bón phân cho từng gốc đào sau Tết Nguyên đán.

Công việc đầu tiên người trồng đào phải làm đó là thu gom đào cho thuê từ các hộ gia đình, công sở từ trước Tết Nguyên đán.

"Cho thuê như thế nào thì giờ chúng tôi cũng phải thu lại như vậy, người làm sẽ phải tới từng gia đình, công sở mang đào về bằng xe máy, xe ba gác, cây to thì phải thuê ô tô, cần cẩu mới làm được. Công việc này sẽ rải rác từ khoảng rằm tháng Giêng cho tới đầu tháng 2 sẽ kết thúc".

Theo anh Hoàng Anh, gia đình anh có khoảng gần một nghìn gốc đào, trong đó đào cho thuê rơi vào khoảng hơn 100 cây. Người thuê chủ yếu là những người quen hàng chục năm, nhiều người ở các tỉnh lân cận cách xa vài chục km. Số còn lại là trồng rồi bán đào cành.

Theo các chủ vườn đào, để chuẩn bị tái sinh cho vụ mùa sau cần nhiều công đoạn. Cây được đưa về là phải cắt, tỉa cành ngay. Đất trồng phải là đất mới, chủ yếu là đất sét pha đất thịt thì cây mới có thể sinh trưởng tốt.

Người dân trồng đào tất bật phục hồi đào sau Tết Nguyên đán- Ảnh 3.

Những gốc đào cho thuê được các hộ trồng đào thu gom về để phục hồi.

Cây được trồng xuống, chủ vườn phải tưới nước và theo dõi cây hằng ngày để kịp thời xử lý những tình huống xấu như cây chết, thối dễ…

Còn tại vườn đào La Cả (Hà Đông) cũng tấp nập không kém, anh Lê Quang Lâm (Nam Từ Liêm), một người đã gắn bó với công việc chăm sóc đào tại hơn chục năm cho biết: "Tầm này nhiều gia đình vẫn còn Tết, mọi người dành thời gian đi chơi, đi lễ hội nhưng với người làm nghề trồng đào như chúng tôi thì chỉ khoảng mùng 5 đã phải túc tắc vác cuốc ra vườn rồi".

"Việc kích rễ cho những gốc đào lâu năm khó hơn nhiều so với trồng một cây đào mới, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm. Khi mới được trồng lại phải luôn giữ gốc đào thật sạch, tránh để cỏ và lá cây lưu lại phần gốc", anh Lâm tiết lộ.

Người dân trồng đào tất bật phục hồi đào sau Tết Nguyên đán- Ảnh 4.

Cánh đồng đào ở Hà Đông (Hà Nội).

Nhiều năm gần đây bên cạnh việc trồng đào theo lối truyền thống để cắt cành bán dịp Tết, người trồng đào ở Hà Nội đã tự biết nâng giá trị của cây đào, không chỉ phục vụ nhu cầu người chơi mà còn tăng thêm nguồn lợi cho mình.

Để có được những gốc đào lớn cho khả năng sinh trưởng cao, người trồng còn chủ động tìm mua nhiều gốc đào rừng từ các tỉnh thành vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn...để ghép cành.

"Việc thuần những gốc đào được mua về từ các tỉnh phía Bắc không hề dễ dàng vì còn phải trồng thử 1-2 năm mới biết được chu kỳ sinh trưởng và phát triển của đào rừng. Quan trọng nhất là thời gian đào nở kéo dài bao nhiêu ngày và biết nó là giống đào đỏ hay đào phai. Việc mua như vậy cũng mang tính may rủi bởi đến tháng 4-5 năm sau mới biết gốc đào của mình mua có phát triển được hay không", chủ một vườn đào cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem