Người dùng dao chém thủng thuyền đoàn cứu hộ ở vùng lũ có bị phạt tù?

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:36 AM (GMT+7)
Người đàn ông dùng dao chém thủng thuyền của đoàn cứu hộ ở Hà Tĩnh đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội huỷ hoại tài sản, theo luật sư người này còn có thể bị xem xét về hành vi chống người thi hành công vụ.
Bình luận 0

Vác dao chém thủng thuyền đoàn cứu hộ

Như Dân Việt đưa tin, mới đây, Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã khởi tố bị can, bắt giam Bùi Đức Lâm (43 tuổi, trú xã Cẩm Vịnh) về tội hủy hoại tài sản. Cụ thể, đối tượng Lâm đã vác dao chém thủng thuyền của đoàn cứu hộ.

Trước đó, chiều 30/10, mưa lớn khiến nước lũ dâng lên nhanh, nhiều nhà dân ở vùng thấp của xã Cẩm Vịnh bị ngập. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương phát lệnh và đưa phương tiện đi sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ông Trần Huy Quyên, Trưởng thôn Tam Trung (xã Cẩm Vịnh) cùng một số người dùng chiếc xuồng hơi cứu hộ của xã cấp để đi cứu dân. Khi đoàn chèo xuồng đi đến trước nhà bà Nguyễn Thị Hợp (76 tuổi, trú thôn Tam Trung- người bị liệt) đã gặp Lâm.

Người dùng dao chém thủng thuyền đoàn cứu hộ ở vùng lũ có bị phạt tù?  - Ảnh 1.

Chiếc xuồng hơi bị Lâm vác dao chém thủng. Ảnh: CA.

Thời điểm này, Lâm cùng một số người đang lội trong nước lũ, Lâm nói mượn xuồng để đi. Ông Quyền cùng đoàn đi cứu hộ nói xuồng để ưu tiên sơ tán người tàn tật, phụ nữ, trẻ em trước. Do vậy, ông Quyền từ chối cho Lâm mượn thuyền thì Lâm nhảy vào xô xát. 

Sau đó, Lâm còn chạy vào nhà bà Hợp lấy con dao ra chém nhiều nhát thủng xuồng hơi. Xuồng hơi bị chém thủng hư hỏng, lực lượng trên phải dùng phương tiện khác đi sơ tán người dân.

Lâm khai do bực tức vì không mượn được thuyền của đoàn cứu hộ nên mới dùng dao chém thủng thuyền. Người này nói không có mâu thuẫn gì trước đó với thành viên trong đoàn cứu hộ.

Có thể xử phạt bao nhiêu năm tù?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hành vi của đối tượng trong vụ án nêu trên hết sức côn đồ, manh động,coi thường pháp luật.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra vụ việc lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ. 

Mặt khác, hành vi diễn ra trong thời điểm cấp bách bởi vậy đối tượng trong vụ việc không chỉ bị xử lý về tội hủy hại tài sản mà còn có thểbị xử lý về tội chống người thi hành công vụ với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Người dùng dao chém thủng thuyền đoàn cứu hộ ở vùng lũ có bị phạt tù?  - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sưTinhThông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nói về vụ việc người đàn ông vác dao chém thủng thuyền ở Hà Tĩnh.

Cơ quan điều tra sẽ thực hiện định giá tài sản là chiếc thuyền để xác định còn có khả năng sử dụng hay không, nếu còn khả năng sử dụng thì mức độ hư hại là bao nhiêu tiền làm cơ sở để xác định tội danh và hình phạt đối với tội hủy hoại tài sản theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh này 3 năm tù, cao nhất là 7 năm tù.

"Như vậy trường hợp tài sản bị hủy hoại hoặc làm hư hỏng trị giá từ 2.000.000 đến dưới 50.000.000 đồng thì Lâm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể đối mặt với hình phạt là 3 năm tù. Còn trường hợp tài sản trị giá 50.000.000 đồng trở lên thì đối tượng có thể đối mặt với mức hình phạt tới 7 năm tù", luật sư Bình nói.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ hành vi và hậu quả của việc chống người thi hành công vụ để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi của Lâm là cản trở hoạt động công vụ khiến hoạt động công vụ không thể thực hiện được và người bị cản trở là người thi hành công vụ thì Lâm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm một tội danh nữa là chống người thi hành công vụ. Mức phạt của thấp nhất của tội danh này 6 tháng tù, cao nhất là 7 năm tù.

Luật sư Bình cho biết thêm, trong những lúc đồng bào cả nước đang hướng về miền Trung, mọi người đều quên bản thân mình để cứu giúp những người đang khó khăn, hoạn nạn thì những đối tượng nhận thức kém, coi thường pháp luật như đối tượng trong vụ việc lại có những hành vi đi ngược lại với đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. 

Bởi vậy hành vi này là rất đáng lên án và cần phải bị xử lý bằng chế tài hình sự nghiêm khắc.

Điều 178 Bộ luật hình sư 2015 quy định về tội huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 330, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem