Người tiên phong hạ sơn
Đồng bào ở đây thường nhắc đến người đã có công “kéo” đồng bào Mông xuống núi và giúp họ có được cuộc sống no đủ ngày hôm nay. Tên của ông đã thành tên của bản bây giờ: Sùng Chô.
Bản Sùng Chô trước đây có tên gọi là bản Tà Chải, thuộc xã Sùng Phài, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với 140 hộ đồng bào Mông sống phân tán rải rác trên sườn núi Tà Chải cao vút và hiểm trở. Vốn nằm xa nương rẫy, ruộng vườn nên đời sống của đồng bào rất khó khăn, nghèo đói, 2/3 thời gian của một năm phải sống nhờ vào nguồn thức ăn từ rừng. Hình thức canh tác lúc ấy chủ yếu phụ thuộc vào ưu đãi của thiên nhiên, thời tiết nên năng suất thấp. Đã vậy, mỗi khi thu hoạch lúa hay các loại hoa màu phải vận chuyển hàng tháng trời mới gọn. Những nhà đông con thì hạt thóc vào bồ chưa được mấy ngày đã hết.
Những ruộng ngô no ấm ở bản Sùng Chô. (Ảnh: Trương Huyền)
Đúng những năm ấy, anh Sùng A Chô xuất ngũ về làng. Là người được ra ngoài, lại mang trên mình trọng trách của người đảng viên, chàng thanh niên đã ấp ủ mơ ước phải làm sao để giúp dân bản có cái ăn, cái mặc, trẻ con được cắp sách tới trường để không còn mù chữ. Nghĩ là làm, một mình anh cơm đùm, cơm nắm đi khắp các tỉnh thành phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm sản xuất của đồng bào miền xuôi. Đến đâu cũng hỏi, chỗ nào không nhớ thì ghi chép, tìm sách vở hướng dẫn kinh nghiệm. “Trăm nghe không bằng một thấy”, học hỏi được vấn đề gì hay, anh về bản bày lại cho bà con và bắt đầu vận động mọi người xuống núi định cư ở vùng thấp.
Để thay đổi vị trí của một hòn đá to đã khó, đằng này là thay đổi hẳn một thói quen, tập quán lâu đời của bà con thật không đơn giản. Có những lúc, chàng thanh niên trẻ ấy cảm thấy mệt mỏi, nhưng bản lĩnh của một người lính không cho phép anh lùi bước. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh gương mẫu vận động gia đình xuống núi, theo anh là một số đảng viên và những người có uy tín trong bản. Ông Sùng A Chô bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, những người già thì quan niệm rằng người Mông không ở chỗ thấp được bởi con ma nó sẽ bắt đi. Để chứng minh những điều mình nói, tôi đã xuống núi, đào ao thả cá, lập trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ sau một năm mà kinh tế gia đình tôi đã khá lên trông thấy, chẳng có con ma nào bắt cả. Vậy là bà con làm theo, dần dần cả 140 hộ đều hạ sơn định cư…”.
“Hiểu bà con như chính mình!”
Đó là điều mà ông tâm niệm. Những năm sau đó mặc dù bận túi bụi cùng những công việc ở xã, thậm chí có thời kỳ còn là Bí thư Huyện ủy Phong Thổ nhưng ông vẫn rất quan tâm đến bà con trong bản. Mấy anh cán bộ xã kể rằng chính ông Chô là người đề đạt với cấp trên xin kinh phí rồi họp với lãnh đạo xã bàn bạc với dân, để mở đường giao thông liên xã, liên bản, xây trường học, trạm y tế, bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi. Ông Chô bảo: “Tôi quan niệm rằng phải đưa những chủ trương, kế hoạch trên giấy tờ vào thực tiễn, biến nó thành nguồn lợi phục vụ sản xuất, dân nhìn thấy họ mới tin theo…”.
Nhiều gia đình nay trở nên khá giả vẫn không quên công lao của ông. Vợ chồng anh Ma A Pháo - chị Vàng Seo Tủa, người dân bản Sùng Chô trong ngôi nhà mới khang trang của mình, vui mừng thổ lộ: “Bác Chô tốt lắm, thương đồng bào mình lắm. Ngày trước, vợ chồng mình nghe bác vận động đã xuống núi, được hướng dẫn khai hoang ruộng để cấy lúa, đào ao thả cá, nuôi gà vịt, nuôi bò… Đến giờ đã có của ăn, của để rồi. Mấy đứa con được đi học cái chữ, cả bản này ai cũng mang ơn bác Chô…”.
Ở bản Sùng Chô, ông còn được coi là thủ lĩnh tinh thần của đồng bào Mông, khi phải đối mặt với âm mưu của bọn phản động. Một thời gian dài, ông cùng với một số cán bộ chủ chốt của huyện, xã bám sát địa bàn, thực hiện sống “3 cùng” với bà con để giúp họ nhận ra tác hại của việc tin theo lời kẻ xấu. Kết quả là cả bản Sùng Chô 100% đồng bào không ai đi theo Vàng Chứ. Cấp trên đề nghị tuyên dương, ông Chô chỉ cười: “Có được thành công đó là công lao của tập thể cán bộ và cả người dân nữa…”.
Bản Tà Chải ngày ấy giờ mang tên ông, bản Sùng Chô, đang từng ngày thay da, đổi thịt. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, bà con người Mông đã có đài để nghe, có ti vi để xem những chương trình mà mình thích. Cụm từ cửa miệng “Chi pâu” (không biết) đã không còn tồn tại một khi trẻ em trong bản đã được tung tăng cắp sách tới trường.
Nếu năm 2008 bản Sùng Chô có 40% tỷ lệ hộ đói nghèo thì đến nay chỉ còn khoảng gần 7%. Thành quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của ông Sùng A Chô - người cựu chiến binh tiên phong đưa dân xuống núi thoát nghèo.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.