Lễ tạ ơn cha mẹ hay còn gọi với cái tên khác là "Lễ báo hiếu" được tổ chức khi ở mọi bản làng đều đã thu xong vụ lúa nương, thu củ dong giềng... Tuy nhiên, cũng không có quy định nào cụ thể về mặt thời gian. Cũng có khi con cái trong gia đình nhân lúc làm ăn khấm khá có thể tổ chức trong gia đình mình. Lễ tạ ơn cha mẹ được lưu truyền không biết qua bao nhiêu đời của người dân tộc H’Mông. Và đến nay lễ nghi này vẫn còn nguyên giá trị bởi vẫn được tiến hành với đầy đủ nghi thức và sự thành kính ở mọi gia đình.
Tương truyền rằng, xưa kia có đôi vợ chồng nọ, do sống ở trên núi, cơ cực hết nửa đời người. Họ đốt nương rẫy rồi trồng ngô, trồng lúa chỉ thu nhập được chút ít còn chủ yếu là bị thú rừng phá hoại. Hai vợ chồng thưa với cha mẹ là không thể sống cố định ở đây mãi được mà muốn du canh đi nơi khác để làm ăn. Cha mẹ họ không đồng ý. Hai vợ chồng nọ nói:
- Du canh, du cư là truyền thống của người Mông mình rồi. Đến đâu đất đai tốt, ít thú dữ mới có thể làm ăn và khá giả hơn được.
Anh em họp lại, tất cả mọi thành viên đều nói nếu họ muốn đi thì phải làm "lễ tạ ơn cha mẹ". Và từ đó lễ báo hiếu bắt đầu được mọi người truyền nhau làm. Lễ tạ ơn không tổ chức quá cầu kỳ nhưng lại tương đối đặc biệt.
Dấu nhân trên chiếc áo mừng thọ (ảnh: Sùng Y Lan Mừng)
Lễ tạ ơn cha mẹ của người Mông cũng có nét giống với lễ chúc phúc hay lễ mừng thọ của người dân tộc Kinh miền xuôi trong việc đề vai vế trong quan hệ gia đình của người đứng ra tổ chức. Bởi vậy lễ tạ ơn cha mẹ cũng được thực hiện theo thứ tự. Anh hoặc chị cả sẽ là người tổ chức đầu tiên, các anh, em thứ sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của hai vợ chồng mà chọn năm tổ chức. Có thể sau một năm hoặc vài năm.
Yêu cầu lớn nhất của lễ tạ ơn là có từ 4 hoặc 5 đồng xu bằng bạc để đem lại may mắn và đôi áo cho cha mẹ mặc trong buổi lễ. Ngoài ra phải có một con gà mái tơ để làm lễ, một con lợn khoảng 40-60 kg, gạo, rượu... Trước khi tổ chức lễ, vợ chồng đó phải đến nhà thầy mo, thầy cúng, nhờ xem vía của hai vợ chồng xem hợp với vía của cô em chồng nào nhất thì nhờ anh em mang chai rượu đến nhà của cô chú ấy để mời họ cùng làm lễ. Lễ tạ ơn bắt buộc phải được con trai, con dâu kết hợp với con gái, con rể thực hiện thì ông bà tổ tiên mới ban phúc thượng thọ cho cha mẹ.
Sau đó họ lại mang chai rượu đến nhà thầy mo mời thầy sang nhà làm người dẫn dắt buổi lễ. Nghi thức quan trọng nhất là mời cha mẹ và xin phép được báo hiếu. Việc này thường do người con trai đảm trách. Sau khi mời xong những bậc trên này sẽ mời đến con cháu, dâu rể, anh em họ hàng trong gia đình đến dự lễ. Tuy chỉ diễn ra trong khuôn khổ gia đình, nhưng sự có mặt của mọi người đều có ý nghĩa to lớn và để cùng chúc vạn thọ thì buổi lễ mới thành công.
Trong ngày tổ chức lễ báo hiếu, thầy mo sẽ là người chủ lễ, cúng mo để mời ông bà tổ tiên. Về dự lễ và ban phúc cho gia đình. Thầy mo lấy con gà để cúng vái xin thịt, sau đó đem luộc chín chặt ra đĩa. Lợn cũng được thịt và dùng một nửa làm khoảng chục mâm cỗ. Nửa con lợn còn lại được treo lên gác bếp cho cha mẹ và gia đình ăn dần. Trong quá trình thầy mo làm lễ, con dâu và con gái sẽ lấy vải lanh trắng do chính người Mông tự trồng lanh dệt theo kiểu thủ công truyền thống để cắt ra may thành đôi áo cho cha mẹ. Đôi áo này phải được may cẩn thận và bắt buộc phải được đính hình dấu nhân hoặc hình dấu cộng bằng hai mảnh vải nhỏ dài khoảng 15-20 cm. Sau đó chèn 4-5 đồng xu đã chuẩn bị vào bốn góc của hình dấu nhân hoặc dấu cộng đã may trên áo (trong trường hợp có năm đồng xu thì một đồng may vào giữa và bốn đồng bốn góc). Các đồng xu này là lời phúc của các họ trong bản, trong xóm (mỗi một đồng xu tượng trưng cho một họ). Những họ đó sẽ phù hộ cho cha mẹ luôn mạnh khỏe, con cháu sung túc.
Nếu không có vải lanh, ngày nay người ta có thể may trực tiếp các đồng xu vào bộ áo dân tộc mà cha mẹ hay mặc nhất để cha mẹ mặc áo sẽ luôn tránh được yêu tà và không ốm yếu. Sau khi thầy mo kết thúc bài cúng và may xong đôi áo, mâm cơm sẽ được dọn lên giữa nhà. Mâm cơm này chỉ có một đĩa thịt gà luộc từ con gà mái đã chuẩn bị và xin lễ, một bát nước canh gà luộc, một âu cơm, một đôi bát con, một đôi thìa, hai đôi chén và rượu. Quanh mâm cơm sẽ là bốn chiếc ghế, đặt mỗi bên hai chiếc.
Hai chiếc ghế hướng ra cửa chính là chỗ ngồi của cha mẹ, còn lại là chỗ ngồi của con trai và con rể, bên cạnh con trai, con rể con dâu và con gái đứng cạnh chồng mình. Nhiệm vụ lúc này là vợ chồng con trai, con dâu và vợ chồng con gái con rể sẽ bón cơm cho cha mẹ ăn. Hành động này của các con mang ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng con khi còn bé, giờ chúng con lớn đủ sức chăm cho cha mẹ khi tuổi già ốm yếu. Mỗi một lần đút một thìa cơm, canh, con trai và con rể tự rót rượu vào hai đôi chén trước mặt mình và nhấc lên uống cạn hai chén. Nếu là người tửu lượng không tốt, sẽ uống một chén và nhường vợ mình uống giúp một chén. Cứ thế hành động này được lặp đi lặp lại đến khi hết đĩa thịt gà trên bàn và bố mẹ cũng đã ăn no. Khi dừng lại việc đút cơm, con trai và con rể phải ngà ngà say thì bố mẹ mới thượng thọ, khỏe mạnh. Sau đó, sẽ diễn ra một nghi thức quan trọng là tự tay vợ chồng dâu rể mặc áo chúc thọ, báo hiếu cho cha mẹ. Mặc xong áo, tất cả anh em có mặt ở đó đều cùng nhau quỳ xuống lạy anh chị để cảm ơn anh chị đã sống hạnh phúc và làm lễ tạ ơn cho cha mẹ. Cầu cho cha mẹ thượng thọ vô cương, sống lâu trăm tuổi, con cháu phúc lộc.
Lễ tạ ơn hay lễ báo hiếu cha mẹ là một trong những ngày lễ quan trọng và không thể thiếu trong đời sống của người dân tộc H’Mông xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và một số xã ở huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu tỉnh Sơn La cũng như ở một số tỉnh khác của miền Bắc. Tất nhiên nếu gia đình nào có cha hoặc mẹ mất sớm thì vẫn thực hiện lễ với người còn lại. Nếu con trai mất vợ hay con gái mất chồng thì lễ tạ ơn cha mẹ không cần phải thực hiện nữa. Bởi theo quan niệm của người Mông như vậy là các con bất hạnh rồi bố mẹ thương các con không hết nói gì đến việc báo hiếu. Cùng với những sinh hoạt văn hóa dân gian, Lễ tạ ơn cha mẹ của đồng bào Mông sẽ góp phần duy trì những giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng làng bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.