Người kể chuyện Hà Nội và những tấm ảnh "vắt ngang" hai thế kỷ
Người kể chuyện Hà Nội và những tấm ảnh "vắt ngang" hai thế kỷ
Hà Trang - Minh Đức
Thứ hai, ngày 07/02/2022 14:05 PM (GMT+7)
Như một nhà lữ hành "vượt thời gian" để lưu giữ lại từng ký ức về Hà Nội, suốt hàng chục năm qua, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn từng ngày cần mẫn viết nên những câu chuyện bằng hình ảnh ở mảnh đất kinh kỳ một cách say sưa và chân thành.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng tên đầy đủ là Nguyễn Quang Phùng, sinh năm 1932 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Là "cậu ấm" con quan tri phủ Hà Đông với người thục nữ nức tiếng Hà Thành. Thuở nhỏ ông được mẹ cho học ở trường Kỹ nghệ thực hành do người Pháp dạy trên phố Quang Trung. Chính bởi điều kiện học hành và địa vị của gia đình đã tạo tiền đề giúp ông có các kỹ năng ngôn ngữ cũng như thái độ lập thân ngay từ khi còn nhỏ.
Suốt trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ông đã đi đầu đoàn học sinh, sinh viên, biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp ở Hà Nội. Sau ngày giải phóng Thủ đô, ông tham gia Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ và hoạt động ở đó suốt 15 năm.
Sau này, khi về làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông lại dùng chính dùng khả năng ngoại ngữ, nhiếp ảnh cùng tư duy ngoại giao lão luyện để phục vụ các vấn đề đối ngoại và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 1993, ông về hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài và say sưa sáng tạo nghệ thuật.
Đến với nhiếp ảnh như một cái duyên, chính ông cũng không ngờ cả đời mình lại gắn bó với những thước phim, với thứ ngôn ngữ không lời một cách mật thiết đến như vậy. "Tôi đến với nhiếp ảnh là một sự tình cờ, bởi có một ông anh khi di cư vào Nam đã để lại cho tôi cái máy ảnh. Không biết là ông ta quên hay cố ý để lại, và thế là tôi đã dùng nó để bắt đầu chụp ảnh. Lúc bấy giờ là năm 1954, tôi ở trong hội thanh niên - học sinh - sinh viên tham gia biểu tình chống Pháp. Trong tay tôi, cái máy ảnh khi ấy hoạt động tích cực lắm", ông Phùng hóm hỉnh hoài niệm với PV Dân Việt.
Không phải là dân chuyên, cũng chẳng được học một cách bài bản về nhiếp ảnh, đơn giản xuất phát từ niềm yêu thích và cái duyên với nhiếp ảnh mà ông đã tự mình mày mò, học hỏi. Ngay từ những năm tháng công tác ở Bộ Ngoại Giao, ông Quang Phùng đã có nhiều bức ảnh chụp đáng quý. Đến khi về hưu thì ông dành sự quan tâm nhiều hơn tới những chủ đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
Cả cuộc đời ông Phùng chính là một hành trình dài bền bỉ và say sưa bên chiếc máy ảnh. Suốt gần 7 thập kỷ qua, ngày qua ngày, người nghệ sĩ ấy vẫn miệt mài, lặng lẽ ghi vào ống kính của mình những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất, đời thường nhất và bình dị nhất của cuộc sống. Gần ba phần tư thế kỷ vác máy ảnh đi "chinh chiến" khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, gia tài đồ sộ mà người nghệ sĩ để lại cho đời chính là hàng ngàn tấm phim, ảnh cùng những tư liệu quý giá vượt dòng thời gian.
"Biểu tượng tình yêu Hà Nội"… còn sót lại
Căn phòng nhỏ tứ bề toàn ảnh, chỉ rộng hơn chục mét vuông và nằm lọt thỏm giữa khuôn viên một ngôi biệt thự cũ trong xóm Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính là nơi trú ngụ của lão nghệ sĩ đã hơn nửa thế kỷ nay.
Xuân này đã ngoài 90, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm cho nên sức khỏe ông Phùng cũng không còn được dẻo dai như trước. Tuy nhiên, sự say mê dành cho nhiếp ảnh cùng trí tưởng tượng phong phú để cảm thụ cái "hồn" cuộc sống thì vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Hình ảnh "tiên ông" với mái tóc bạc phơ, bước đi chậm rãi, một tay chống gậy batoong, một tay cầm chiếc máy ảnh, đứng "ngẩn người" để quan sát tỉ mỉ từng cái lá, từng nụ hoa đã quá đỗi quen thuộc với người dân xóm Hạ Hồi.
Ngày trước, khi sức khỏe còn cho phép, bất kể trời Hà Nội mưa hay nắng, người ta vẫn thường hay bắt gặp ông cụ cổ đeo máy ảnh lững thững chống gậy đi dọc những con phố và "gặp gì chụp nấy". Tới giờ không còn đi được xa, ông lại quanh quẩn trong khoảng sân trước nhà, trong con ngõ nhỏ của xóm Hạ Hồi. Với lão nghệ sĩ, chẳng có ngày nào là ngày thôi kể chuyện - những câu chuyện về Hà Nội mà người đương thời đã lướt qua: "Ngày nào còn khỏe thì ngày đó tôi vẫn sẽ còn đi".
Thấy ông ngồi tiếp chuyện chúng tôi một hồi đã "kha khá", cụ bà phần vì lo lắng cho sức khỏe của ông, phần vì e ngại dịch Covid-19 mà thi thoảng lại nhắc khéo ông nghỉ ngơi. Vậy nhưng ông vẫn tươi cười, tình cảm đáp lại cho bà Chín yên tâm: "Anh biết rồi, anh chỉ kể nốt một tí nữa thôi".
Sống cùng thời đại và cùng nhau cống hiến cho đất nước trong những năm tháng bom rơi đạn lạc, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chính là bạn tâm giao của những vĩ nhân xưa như danh họa Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao hay nhà văn Nguyễn Tuân. Họ có một điểm chung là đều dành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt. Không ồn ào, phô trương, họ lặng lẽ biểu đạt tình yêu dành cho Hà Nội bằng những sáng tác quý báu để lại cho đời.
Sinh, lão, bệnh, tử, dù không muốn nhưng chẳng ai có thể tránh được quy luật tất yếu của cuộc đời. "Những người muôn năm cũ" của ông đều đã lần lượt về với trời. Không ngoa khi nói rằng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng chính là "biểu tượng sống" hiếm hoi còn sót lại của lớp văn nghệ sĩ vang bóng một thời về tình yêu dành cho Hà Nội.
Một đời cống hiến cho cả nhiếp ảnh nghệ thuật lẫn nhiếp ảnh báo chí, những tác phẩm của Quang Phùng đều đã và đang để lại những giá trị sâu sắc về ý nghĩa lịch sử và trở thành những tư liệu vô cùng quý báu. Mỗi bức ảnh của ông đều hội tụ đủ tính "Chân - Thiện - Mỹ", vừa chân thật, vừa đẹp đẽ, vừa mang tính hàm sâu triết học và ẩn chứa trong nó thật nhiều ý nghĩa sâu xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.