Người không "bấm nút" tách Từ Liêm kiến nghị cần có quy định cao độ cốt đường tối đa

Phi Long Thứ tư, ngày 06/12/2023 11:05 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hữu Kiên - nguyên đại biểu HĐND huyện Từ Liêm vừa gửi đơn kiến nghị tới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cần có quy định cao độ cốt đường tối đa cho tất cả các công trình đường nội đô, đường các huyện, xã.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hữu Kiên - nguyên đại biểu HĐND huyện Từ Liêm kiến nghị cần có quy định cao độ cốt đường tối đa.

Theo đơn của ông Nguyễn Hữu Kiên - nguyên đại biểu HĐND huyện Từ Liêm, ông đã gửi đề xuất tới ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị xem xét ban hành Quy định cao độ cốt đường tối đa cho tất cả các công trình đường nội đô và đường các huyện, xã.

Lý do mà ông Nguyễn Hữu Kiên đưa ra và mong muốn đề xuất của mình được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem xét ban hành quy định này để áp dụng tại Hà Nội là nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân và xã hội.

 Người không "bấm nút" tách Từ Liêm kiến nghị cần có quy định cao độ cốt đường tối đa - Ảnh 2.

Theo phản ánh của ông Kiên, nhiều căn nhà ở ngõ 125 đường Thụ Phương, Phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm đã bị thấp hơn mặt đường mới rất nhiều. Ảnh: HK

"Ở mỗi con đường nội đô và đường các huyện, xã của Hà Nội hiện nay có tình trạng đường ngày càng chồng cao và nhà dân thì bị ngập lụt mỗi lần sửa chữa, làm mới mặt đường. Người dân dù được đi đường mới do Nhà nước đầu tư nhưng lại phát sinh một loạt chi phí khi chính quyền địa phương nâng đường chồng nhiều lớp, không bóc lớp đường cũ đi", ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Hữu Kiên cũng gửi kèm theo đơn là hàng loạt các hình ảnh sau khi con đường làm mới đã cao hơn nhà dân từ 30-50cm, thậm chí cá biệt có chỗ cao hơn nhà dân tới gần 1m.

Cụ thể, ông Kiên cho biết ở ngõ 125 đường Thụy Phương, phường Thuỵ Phương, Bắc Từ Liêm hiện đang được đầu tư làm mới của UBND TP. Hà Nội vẫn chưa xong nhưng người dân đã phải khổ sở đi sửa lại cổng, sân nhà.

Theo ông Kiên, nếu chỉ cổng, sân thì có thể cố gắng sửa còn nhà mà bị thấp hơn thì không phải gia đình nhà nào cũng có điều kiện để làm lại nhà. Nâng cao nền nhà cho bằng mặt đường thì nhà lại bị bí và thấp trần, do nền nâng lên thì đi lại gần chạm tới lóc nhà.

"Khi Nhà nước làm mới vài mét đường thì dân phải bỏ ra chi phí để nâng cả chục, cả trăm mét vuông sân, nhà, sửa cổng, nâng cổng", ông Kiên cho biết.

 Người không "bấm nút" tách Từ Liêm kiến nghị cần có quy định cao độ cốt đường tối đa - Ảnh 3.

Dù được Nhà nước đầu tư đường mới nhưng người dân cũng phải sửa lại toàn bộ cổng, sân và thậm chí có thể phải sửa cả nhà. Ảnh: HK

Theo ông Kiên, nếu có cốt cao độ cố định, người dân xây mới sẽ bám vào cốt đó và xây cao hơn một chút là yên tâm và chi phí chỉ phải bỏ một lần. Khi Nhà nước làm mới mặt đường thì lúc nào nhà và sân của dân vẫn luôn cao hơn mặt đường mới làm lại. Xã hội sẽ tiết kiệm được một khoản rất lớn tiền và cả thời gian, công sức đi sửa lại cổng, sân, nhà của người dân.

Như trước đó Dân Việt đã thông tin, ông Nguyễn Hữu Kiên là đại biểu HĐND xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội nhiệm kì 2004-2011 và đại biểu HĐND huyện Từ Liêm, đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm nhiệm kì 2011-2016.

Tháng 12/2013, tại cuộc họp bất thường Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Từ Liêm (HN) xung quanh vấn đề tách huyện Từ Liêm thành 2 quận, ông Kiên là đại biểu duy nhất trong số 33 đại biểu không "bấm nút" tán thành.

"Tôi nhẩm tính, mức chi thường xuyên theo năm 2012 đã là khoảng 563 tỷ đồng. Mà đấy mới chỉ là chi thường xuyên thôi chứ có thêm quận mới thì phải xây dựng trụ sở mới, sân vận động mới, tòa án, viện kiểm sát, công an, quân sự đều phải mới. Để làm được điều đó thì cần có kinh phí từ đâu? Xin thưa, đó đều là tiền thuế của dân" - anh Kiên khẳng định.

Nêu lên những con số khác để phản biện, ông Kiên cho biết, Trung Quốc là quốc gia lớn mà cũng chỉ có 22 tỉnh và 11 cơ quan ngang tỉnh, Hàn Quốc có diện tích tương đương Việt Nam, nhưng cũng chỉ có 8 tỉnh. Ngay ở trong nước, tại Thành phố Hồ Chí Minh, quận Gò Vấp có khoảng 550.000 dân cũng chỉ thành lập 1 quận hay phường 12 của quận Gò Vấp có khoảng 100.000 dân mà vẫn quản lý tốt.

 Người không "bấm nút" tách Từ Liêm kiến nghị cần có quy định cao độ cốt đường tối đa - Ảnh 4.

Mỗi khi trời mưa là nước lại chảy dốc vào trong sân, nhà. Ảnh: HK

Ông Nguyễn Hữu Kiên sinh năm 1977, tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế (ĐH Ngoại giao), hiện đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Từ 2004-1011 là đại biểu HĐND xã Thụy Phương và từ 2011 đến nay là đại biểu HĐND huyện Từ Liêm. Đáng chú ý, cả 2 khóa HĐND đều do ông tự đứng ra ứng cử và trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu gần 80%.

Người ta thường thấy "ông nghị trẻ" này lang thang khắp nơi với máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim để ghi nhận, phản ánh cử tri đưa ra HĐND. Trong chương trình hành động của mình khi ứng cử, ông Kiên cho biết không muốn là người đưa thư chuyên nghiệp, chỉ biết phản ánh kiến nghị của dân mà phải đeo bám vấn đề đến cùng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem