Người lưu giữ tiếng chiêng Mường

Thứ năm, ngày 22/11/2012 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Nguyễn Văn Thực - người dân tộc Mường ở phường Thái Bình, TP. Hòa Bình (Hòa Bình), vẫn gắn bó với những nốt thăng trầm của chiêng quý xứ Mường.
Bình luận 0

Lưu giữ chiêng Mường

Vào những năm 1990, khi cái đói, cái nghèo bủa vây cuộc sống, vì miếng cơm, manh áo, nhiều gia đình người Mường nơi đây đã bán đi những chiếc chiêng cổ với giá “đồng nát”. Xót lòng với bảo vật Mường đang dần "chảy máu", sau nhiều đêm trăn trở, ông Thực quyết định bán hết trâu, bò, lợn, gà để bước vào hành trình... sưu tầm chiêng cổ.

img
Ông Thực biểu diễn đánh chiêng Mường.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông Thực là lúc lùng tìm mua chiêng cái. Sau nhiều năm lặn lội khắp nơi, tưởng như đã thất vọng, thì trời đã không phụ công người tâm huyết. Trên đường về đến huyện Cẩm Thủy, ông Thực tình cờ gặp một người buôn đồ cũ chở một chiếc chiêng cái cổ. Lúc đó (năm 1994), 1.800.000 đồng là cái giá quá lớn (tương đương 2 con trâu), nhưng ông vẫn quyết mua, vì nghĩ rằng, tiền có thiếu đến mấy thì còn làm ra được, nhưng không có chiếc chiêng cái cổ thì người Mường sẽ mất một tài sản quý giá của cha ông.

Hơn 5 năm lăn lộn với việc săn tìm chiêng cổ, ông Thực đã mua được dàn chiêng 20 chiếc. Dàn chiêng đó thực sự không chỉ là báu vật của riêng ông, mà còn là của dân tộc Mường, của văn hóa Việt. Sau đó, ông Thực còn lập hẳn một đội văn nghệ cồng chiêng để luyện tập và đi biểu diễn...

Vẫn nhiều trăn trở

Cuộc sống hôm nay nhiều đổi thay, giới trẻ giờ không còn mặn mà với tiếng cồng, tiếng chiêng. Có những người vừa mới chập chững với câu hát, với cách đánh cồng, chiêng đã "dứt áo” đi làm công nhân. Cứ mỗi khi có một người "bỏ’ đội văn nghệ để đi làm ăn, ông Thực lại phải chạy đôn chạy đáo "săn tìm" những cháu có năng khiếu về kèm cặp, để lấp vào chỗ trống.

“Mong muốn của tôi là làm sao văn hóa Mường sẽ được phục dựng và phát huy nhiều hơn nữa”.

Rồi đội văn nghệ cồng chiêng của ông cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với nền nhạc thị trường hiện nay. Ông Thực tâm sự: “Nhiều khi đến các đám cưới của người Mường, nghe những tiếng nhạc xập xình với những hình ảnh mát mẻ, gợi cảm mà lòng tôi như bị ai xát muối”. Vì thế, ngày cưới con gái, ông Thực đã huy động cả đội văn nghệ của mình “chiêu đãi” bà con và cũng coi như chút của hồi môn của dân tộc tặng con gái trước khi về nhà chồng...

Ông Thực còn đem tiếng chiêng, tiếng nhị đi biểu diễn ở khắp nơi, giành được rất nhiều giải thưởng, góp phần quảng bá văn hóa Mường đến mọi miền đất nước. Với những đóng góp không biết mệt mỏi đó, đầu năm 2012, ông Nguyễn Văn Thực đã trở thành người đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem