Nỗi nhớ cồng chiêng của Nghệ nhân Ksor Siơh vẫn từng ngày từng ngày nơi miền cao nguyên trung phần, nơi ông âm thầm nhìn hai bộ cồng chiêng báu vật giữ lại được trong cơn sốt chảy máu cổ vật ở vùng đất này.
Nghệ nhân Ksor Siơh (ngồi bên trong) bên hai bộ cồng chiêng cổ quý giá của mình.
Nỗi nhớ của lão nghệ nhân dưới mái nhà sàn
Mấy mươi năm rồi, lão nghệ nhân Ksor Siơh (làng Kly Phun, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) chẳng biết tình yêu với cồng chiêng của mình đến từ đâu nữa. Ông thủ thỉ, rằng có lẽ điều đó đã ngấm sâu vào máu thịt của ông từ lúc còn nhỏ, khi những lễ mừng lúa mới, lễ Pơ thi rộn rang miền bazan này tấu lên những thanh âm du dương đầy mê hoặc ông.
Thời niên thiếu của ông là những đêm bập bùng cùng lửa, say mê cùng nhịp ching chiêng và chuếnh choáng với men rượu cần. Những đêm hội ấy kéo ông gần hơn với cồng chiêng, với văn hóa tộc người mình, với niềm say mê không gì cưỡng nổi.
Làng Rơ Bai A, thị xã Ayun Pa (Gia Lai) nơi ông sinh ra hồi ấy là cái nôi của cồng chiêng. Có lẽ vì điều đó nên ông đến với nhịp âm này sớm và giữ được nó trong tâm tưởng của mình. Bẵng đi một thời gian vì mưu sinh, vì bôn ba nhiều nơi lo cho cuộc sống, đến khi lập gia đình ông mới thổn thức nhớ tới tiếng ching chiêng ở miền quê cũ. Và rồi ông quay lại với cồng chiêng từ dạo ấy.
Đến bây giờ, mấy mươi năm rồi khi tóc đã nhuốm những gợn mây trời, khi mắt đã mỏi với cái nắng nhưng tay ông vẫn chuẩn nhịp chiêng, tai ông vẫn đượm tiếng ching, và tình yêu với cồng chiêng vẫn cuồn cuộn chày trong mạch máu của ông như không gì cản nổi.
Giữa căn nhà, nơi ông bày ra tình yêu của mình, rồi cẩn thận lau chùi kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng cho hết bụi bẩn, tôi mới thấy hết được tình yêu ấy sâu đậm tới mức nào. Ông lau những chiếc chiêng, nâng niu như báu vật, chăm chút chúng như chính những đứa con dứt ruột đẻ ra vậy. Ông bảo chiếc chiêng cái nào cũng có hồn cả. Muốn điều khiển được nó, phải hiểu nó, phải coi nó như là người bạn của mình vậy. Có như thế hồn mình, hồn chiêng hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết và vang vọng cả núi rừng này.
Đối với ông chiêng truyền thống lúc nào cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của người dân tộc Jrai mình.
Mỗi bài chiêng truyền thống khi đánh lên đều mang một thông điệp riêng như bài chiêng đánh trong Lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào.
Lễ bỏ mả, ma chay… sẽ có những bài riêng, với nhịp điệu trầm buồn để thông báo cho mọi người, cho các làng bên về sự ra đi của một người nào đó để họ cùng chia buồn.
Trong niềm sung sướng của mình, ông tấu lên bài chiêng mừng lúa mới, với ước muốn ấm no cho người làng, giàu mạnh cho buôn làng cho đất nước.
Nghe ông tấu lên khúc hoan ca của núi rừng, nhiều người làng cũng lục tục kéo đến, vui với niềm vui của ông, và để nghe lại những khúc chiêng tuyệt diệu từ tâm khảm lão nghệ nhân già bung ra, đầy hạnh phúc và khắc khoải. Nhìn trong mắt ông ánh lên niềm vui sướng và đầy hãnh diện, nhiều người cũng vui lây.
Hai bộ chiêng cổ và niềm mong ước của lão nghệ nhân già
Bây giờ, ông vẫn giữ cho mình hai bộ chiêng cổ. 2 bộ cồng chiêng truyền thống gồm 25 chiếc chiêng, 1 bộ do ông nội của vợ để lại, 1 bộ do ông dành dụm tiền mua sau hàng chục năm trời tích góp. Với ông, hai bộ chiêng ấy quý giá hơn bất cứ thứ gì.
Hai bộ chiêng ấy không chỉ là niềm tự hào của ông, mà còn là niềm tự hào của người làng, niềm tự hào của cả người Jrai dưới mái rừng này. Khi mà cơn sốt cổ vật, cơn sốt cồng chiêng đã cướp đi không ít những bộ chiêng cổ, những bộ chiêng quý ở vùng đất này rồi mang đi khắp nơi xa, tản mát đâu đó trên dải đất này, mang ra cả nước ngoài, để rồi những chiếc chiêng ấy cứ nằm buồn thỉu buồn thiu trong những khung kính, trong những bảo tàng, hay trên những chiếc giá thô kệch, vô hồn.
Ông bảo, chiêng ching chỉ hay khi nó sống giữa cộng đồng, được hòa nhịp với nhau, vang lên những âm thanh giữa đại ngàn. Cứ mang nó đi xa, xé nhỏ nó ra để trưng bày chỉ làm nó chết, hồn cốt người Jrai cũng chết theo nó mà thôi.
Ông nói điều đó trong niềm khắc khoải của mình, niềm khắc khoải của một người con của tộc Jrai đau đáu với văn hóa của mình, đau đáu với sức sống của cồng chiêng, đau đáu với cả sự lệch lạc văn hóa của không ít người về cồng chiêng.
Giữ hồn cho cồng chiêng, ông không muốn tiếng chiêng của làng mai một, nên ông đã lập một đội cồng chiêng với 11 thành viên để đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh. Ông cùng các thành viên trong đội chiêng của mình đã từng đi biểu diễn khắp miền nam miền bắc, đưa hồn chiêng sống dậy ở những nơi xa.
Những ngày không biểu diễn, ông lại về nâng niu những chiếc chiêng này và sống lại thời huy hoàng của những đêm hội. Ông bảo, học đánh cồng chiêng ở tuổi nào cũng không muộn, đánh được cồng chiêng cũng không khó, cái khó là phải có tình yêu và lòng đam mê.
Đánh cồng chiêng là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng, khi ấy tiếng chiêng mới hay được. Ông tình nguyện dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ trong làng. Ngoài ra, ông còn nhận lợi tham gia giảng dạy cho các sinh viên tại các trường văn hóa nghệ thuật.
Gần đây, nghệ nhân đã tham gia giảng dạy cồng chiêng 10 ngày ở Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Phan Thiết.Sự đam mê của các học sinh, sinh viên đối với loại nhạc cụ truyền thống này chính là niềm vui và động lực giúp ông dành hết tâm huyết truyền dạy văn hóa dân tộc Tây Nguyên cho các thế hệ trẻ ở nhiều nơi trên đất nước.
Nói về ông, người làng đều cảm kích. Ngay cả chính quyền địa phương cũng vui khi người nghệ nhân già ấy giữ được lửa và truyền được tình yêu công chiêng cho thế hệ sau. Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: “Nghệ nhân Ksor Siơh là người đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Jrai trên địa bàn thị trấn Nhơn Hòa. Ông không những đánh cồng chiêng giỏi, lưu giữ được nhiều công chiêng, ông còn là một nghệ nhân chỉnh chiêng rất tài ba, các làng khác trên địa bàn thị trấn Nhơn Hòa đều nhờ ông chỉnh chiêng. Không những chỉnh chiêng trên địa bàn thị trấn ông còn đi chỉnh chiêng ở các huyện khác, tỉnh khác.
Những người như nghệ Ksor Siơh đã và đang góp sức mình vào bảo tồn văn hóa cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa của người Jrai”.
Chiều trên đại ngàn, cái nắng và cái gió cứ nhảy nhót theo những nhịp chiêng của người nghệ nhân già. Ở miền nắng gió ấy, vẫn có người coi cồng chiêng là báu vật, vẫn có người mãi “giữ lửa” và truyền lại cho đời sau để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang vào tiềm thức của mỗi người con nơi núi rừng đại ngàn này.
Minh Ngọc - Tuấn Kiệt (giaoduc.net.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.