Người nông dân Việt thời chiến tranh và trong hòa bình

Thứ tư, ngày 30/04/2014 08:16 AM (GMT+7)
Làng, xóm, nông dân, nông thôn - Điểm tựa vững chắc ấy của Việt Nam đã đi vào sử sách, thơ ca, làm lay động lòng người dù ở nơi muôn phương, chân trời hay biển cả, đều hướng về quê hương, đất nước.
Bình luận 0
img
Thấm thoát mới ngày nào đó mà nay đã gần 40 năm, ngày mà “các chú” Bộ đội tiến đến đâu, mọi tầng lớp nhân dân quần áo chỉnh tề đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. "Ngày chiến thắng 30/4", sao quên được.

Ngày giải phóng, khi hai miền Nam - Bắc hoàn toàn thống nhất, kể từ đây hai từ “chiến tranh” sẽ lùi xa dần và trở thành mốc son lịch sử. Gần 40 năm đã trôi qua, kỷ niệm ngày đất nước và dân tộc Việt Nam thống nhất, người nông dân đã bước đi trên những trang sử mới, giai đoạn phát triển mới…

Hòa bình, độc lập chủ quyền và thống nhất non sông không chỉ giải phóng đất nước mà là giải phóng dân tộc ra khỏi cảnh nô lệ, ngoại xâm; những cảnh cường hào ác bá; những sự tủi nhục trong cảnh mất nước; những tệ đoan xã hội … Người dân Việt Nam không còn phải sống trong thấp thỏm lo âu khi nghe tiếng súng nổ, tiếng đại bác, tiếng bom rơi, đạn lạc luôn gầm rú… Và đặc biệt nhất, không còn phải chứng kiến những cái chết đau đớn, thương tâm, hết sức thê thảm chỉ vì chiến tranh gây ra.

Bộ đội về làng (Ảnh sưu tầm, nguồn VNN)
Bộ đội tiến đến đâu, mọi tầng lớp nhân dân quần áo chỉnh tề đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. (Ảnh sưu tầm, nguồn VNN)
Nhớ hồi miền Nam Việt Nam chưa được giải phóng, chủ trương của kẻ địch là càn quét, đào xới đốt phá xóm làng, gây ra liên tiếp các vụ tàn sát đẫm máu hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ở các vùng nông thôn. Bày trò "cải cách điền địa", "bình định" người dân vùng nông thôn để bần cùng hóa nông dân, khống chế nông dân, đưa nông dân trở lại cuộc đời nô lệ, bần cùng không ruộng…

Lòng yêu nước, truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam là trường tồn, luôn là yếu tố quan trọng, cốt lõi góp phần làm nên những chiến thắng, cả trong đấu tranh chống giặc xâm lăng và trong dựng xây đất nước. Trong đó phải kể đến công lao to lớn, thành tích phục vụ chiến đấu và xây dựng đoàn thể của “đại bộ phận” người nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN trong các phong trào nòng cốt ở nông thôn, cả tiền tuyến và hậu phương, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Giai cấp nông dân.

Khi chiến tranh ngày càng ác liệt, đặc biệt lực lượng nữ nông dân đã thể hiện vai trò thay thế nam giới trong công việc đồng áng, ở hậu phương khi ấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Hình ảnh các mẹ, các chị, người vợ nơi hậu phương và những nữ thanh niên xung phong xuất thân từ những miền quê vùng nông thôn cho nơi tiền tuyến... đã để lại ấn tượng tình cảm sâu sắc, tạo động lực to lớn cho những người chiến sĩ nơi chiến hào cầm chắc tay súng và luôn nhớ về hậu phương thân yêu.
Những phụ nữ lớn tuổi cày ruộng tại hậu phương. (Ảnh sưu tầm, nguồn: ĐVO)
Những phụ nữ lớn tuổi cày ruộng tại hậu phương. (Ảnh sưu tầm, nguồn: ĐVO)
Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt vẫn có nhiều gương nông dân chiến đấu dũng cảm kiên cường giữ đất, giữ làng cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của phong trào cả nước - tất cả cho tiền tuyến, vì miền Nam thân yêu, nên đã đập tan âm mưu của kẻ địch trong thành lập "ấp chiến lược", dồn dân lập ấp với chủ đích "tát nước, bắt cá" nhằm triệt tiêu nòi giống cách mạng.

Trong nông dân thời chiến đều có những tổ chức cách mạng nòng cốt, các "chiến sĩ nông dân" dù trên mặt trận nào, hoàn cảnh nào cũng không sợ gian khổ, hy sinh cả tính mạng dù chỉ đánh đổi một điều rất nhỏ bé, quyết bám trụ giữ làng, vùng lên chống giặc với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời" phá thế bao vây kìm kẹp của địch.

Điểm tựa ấy trong chiến tranh luôn là nơi nuôi dưỡng, chở che bộ đội, du kích... mở ra nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch "bình định", "gom dân lập ấp" của địch.

Điểm tựa vững chắc ấy của Việt Nam đã đi vào sử sách, thơ ca, làm lay động lòng người dù ở nơi muôn phương, chân trời hay biển cả đều hướng về quê hương, đất nước, làng, xóm.

Tâm lý chung của toàn dân tộc, đất nước và toàn xã hội là không sợ sự đau khổ, mất mát và hy sinh xương máu để cho tương lai Tổ quốc tươi sáng, sống trong hòa bình, được tự do, độc lập, thêm bạn, bớt thù, làm chủ lấy mình. Niềm mong mỏi ấy đã luôn đi cùng năm tháng, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, luôn được phát huy và áp dụng trong mọi hoạt động của người dân Việt Nam, từ giới trí thức, công nhân và nông dân, văn hóa, khoa học, kỹ thuật….
Tình quân dân (Ảnh sưu tầm, nguồn internet)
Tình quân dân (Ảnh sưu tầm, nguồn internet)
Khi miền Nam vừa được giải phóng, trước thời khắc lịch sử của ngày 30.4.1075, ai cũng cảm thấy đau xót, thương cho đất nước suốt bao năm qua đã bị tàn phá nặng nề, hai miền chia cắt. Nhìn về quá khứ mới thấy nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất anh hùng, với tinh thần trường kỳ bất khuất, ý chí kiên cường dũng cảm, hết sức quyết liệt, trong đó phần lớn sức người, sức của là từ nông dân, nông thôn.

Để giành được nền độc lập tự do dân tộc đó, cả nước và nhân dân phải đối mặt với sự tổn thất quá lớn lao về nhân mạng và vật chất, hy sinh biết bao nhiêu con người, của cải, mồ hôi xương máu, khó khăn gian khổ đoạn trường, chỉ ước mong thay đổi hoàn cảnh sống theo hướng làm cho đời người trở nên tự do hơn, hạnh phúc hơn.
Người dân kéo các máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam năm 1965. (Ảnh sưu tầm, nguồn ĐVO)
Người dân kéo các máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam năm 1965. (Ảnh sưu tầm, nguồn ĐVO)
Những năm đầu khi đất nước vừa được hòa bình, thống nhất, sống trong thời kỳ khởi dựng lại từ mọi thứ, cả nước cùng khó khăn. Vào thời điểm này quốc khố thì cạn kiệt, đất nước thì nghèo nàn, nhân dân sống trong thời kỳ bao cấp đã lạc hậu, đất ruộng quy vào hợp tác xã, “cha chung không ai khóc” làm công ăn điểm, năng suất thu hoạch không có hiệu quả làm cho nền kinh tế Việt Nam chìm đắm trong nghèo nàn, khó khăn...

Công cuộc đổi mới của đất nước trong thời bình lại đã mở ra trang sử mới, cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những thay đổi to lớn này đã tạo ra sự phấn chấn trong các tầng lớp con người, mở đường cho một tương lai mới, tốt đẹp hơn về mọi mặt, cùng phần đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Cuộc sống dân nghèo đã được cải thiện một cách rõ rệt. Đời sống của người nông dân ấm no, hạnh phúc, được thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ.

Thực tế cho thấy cả một thời gian dài đất nước trong bối cảnh hiệu quả kinh tế yếu kém, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sa sút không đáp ứng được nhu cầu xã hội, làm suy thoái đạo đức xã hội, phát sinh tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội, đạo đức lối sống người dân.

Sau chặng đường dài gần 40 năm vừa cải tạo vừa nâng cấp, đất nước ta nay cũng đã có những bước đi đầy sáng tạo và mới mẻ cùng sự hội nhập với các nước tiên tiến, tạo ra được nền sản xuất hàng hóa phát triển, thị trường ngày càng rộng mở, đời sống mọi mặt của nhân dân nói chung thoát khỏi cảnh đói nghèo, cải thiện rõ nét.
Niềm vui được mùa. (Ảnh sưu tầm, nguồn: Báo Ninh Bình)
Niềm vui được mùa. (Ảnh sưu tầm, nguồn: Báo Ninh Bình)
Phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống và thu nhập của người nông dân đang ngày càng đi vào chiều sâu và rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực đối với người nông dân vốn một nắng hai sương, gắn bó với ruộng đồng, làm nên những kỳ tích, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Phát huy hiệu quả các phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, người nông dân Việt Nam luôn đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; tích cực xây dựng nông thôn mới, tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn… Nâng cao vị thế, vai trò của mình trong lao động sản xuất, tạo điều kiện, cơ hội làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước, xứng danh "Tự hào nông dân Việt Nam".

Khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn về chiến thắng Ngày 30.4.1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mọi con dân đất Việt dù ở muôn phương đều khắc cốt, ghi tâm, cùng quyết tâm bảo vệ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tôn vinh, biết ơn và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của mọi tầng lớp nhân dân, nông dân Việt Nam và những người con đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc.
Mỹ Nhân - Huyền Phương ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem