Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam

Lương Hiền - Ngọc Tân Thứ năm, ngày 14/09/2023 13:30 PM (GMT+7)
Người dân xã Công Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) biết đến bà Cúc không chỉ với hình ảnh một người mẹ tần tảo bên đàn con nhỏ, một người nông dân chất phác thật thà mà còn từ chính công việc quen thuộc đã gắn liền với tên gọi của bà suốt 14 năm qua - người tìm kiếm và chôn cất thai nhi xấu số.
Bình luận 0
Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 1.

6 giờ tối, tiếng chuông nhà thờ ngân vang báo hiệu một ngày sắp kết thúc, bà Maria Đỗ Thị Cúc (53 tuổi, thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trở về ngôi nhà nhỏ của mình sau một ngày lùng từng bãi rác nhặt để phế liệu.

Chẳng quan tâm đến việc hôm nay kiếm được bao nhiêu tiền, điều làm người đàn bà này vui hơn cả chính là cả ngày không tìm thấy một thai nhi xấu số nào bị vùi lại trong rác.

Ít ai biết rằng, bà Cúc đã gắn bó với công việc tìm kiếm và chôn cất thai nhi suốt 14 năm trời.

Bà Cúc - Người hơn thập kỷ chôn cất thai nhi xấu số - Ảnh 1.

Ngồi nép mình cạnh chiếc bàn nhỏ, bà Đỗ Thị Cúc hồi tưởng và kể lại với phóng viên Dân Việt nghe về câu chuyện định mệnh của cuộc đời bà cách đây 14 năm.

Đó là vào một buổi trưa mùa hè năm 2009, khi đang tìm phế liệu tại bãi rác, bà Cúc vô tình phát hiện ra một bọc nilon màu đen. Linh cảm chẳng lành, bà dùng tay mở túi ra để lộ một bàn tay nhỏ xíu còn dính máu. Bà sững người khi thấy trong bọc là 7 thai nhi không còn nguyên vẹn hình hài.

“Lúc đó là gần 12 giờ trưa, cả bãi rác chỉ có mình tôi đi dốc bao bì. Dù chưa kiếm được chút phế liệu nào nhưng tôi không còn tâm trí gì nữa, cảm giác bàng hoàng xen lẫn đau xót, không nỡ để các con nằm lại, muốn đưa ngay các con về chôn cất”, bà Cúc bồi hồi nhớ lại.

Nghĩ là làm, bà đi khắp bãi rác kiếm tìm một chiếc túi để đựng 7 thai nhi, sau đó, bà dùng toàn bộ số tiền đang có trong người là 38.000 đồng để mua vải trắng bọc lại. Về nhà, bà thuật lại câu chuyện cho gia đình nghe.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 2.

Bà Cúc đã gắn bó với công việc tìm kiếm và chôn cất thai nhi suốt 14 năm trời.

Trước lời kể của vợ cùng 7 cái túi bỏng nhỏ, ông Trần Văn Thuyến (chồng bà Cúc) chỉ kịp thốt lên “trời ơi! ta làm phúc đi thôi”.

Được người nhà ủng hộ, bà bắt tay ngay vào việc chôn cất các em. 7 sinh linh được bà và gia đình tổ chức mai táng đặt trong khuôn viên nghĩa trang của dòng họ.

Tin người đàn bà nhặt ve chai ở Phú Đa lượm được 7 thai nhi truyền đi khắp làng. Ngày sau, lực lượng công an tìm đến nhà bà Cúc nhờ bà chỉ dẫn ra khu vực nơi tìm thấy các thai nhi. Bà cùng mọi người ra đến địa điểm hôm trước thì phát hiện toàn bộ bãi rác đều bị đốt cháy.

“Dù tất cả đã bị đốt tan hoang song tôi linh cảm, còn các em khác vẫn đang nằm đâu đây”, bà Cúc chạy thẳng một mạch tới chỗ bọc đen nằm dưới rãnh nước gần đó rồi đưa lên bờ.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 3.

Trước cảnh tượng thai nhi xấu số bị bỏ lại, bà Cúc không đành lòng để các em nằm bơ vơ lạnh lẽo không nơi chôn cất. Bà đem nỗi lòng bày tỏ với chồng cùng mẹ già và nhận được lời khuyên: “Hãy cứ làm với cái tâm của mình”.

“Tôi liền hô lên: Đây rồi các chú ơi! Các chú công an đáp lại: Có thật không cô ơi? Chắc chắn là đây rồi. Mọi người bảo tôi hãy chờ song tôi không ngần ngại mở chiếc bọc ra. Trong bọc là 8 thai nhi, ống tiêm, gang tay và băng gạc dính máu. Tôi không kìm được nước mắt khi thấy các em phải nằm ở nơi bẩn thỉu như vậy, có những em hình hài không còn lành lặn”, bà Cúc nấc nghẹn.

Từ đó trở đi, công việc tìm kiếm và chôn cất thai nhi đến với bà như một cái duyên.

Trước cảnh tượng thai nhi xấu số bị bỏ lại, bà Cúc không đành lòng để các em nằm bơ vơ lạnh lẽo không nơi chôn cất. Bà đem nỗi lòng bày tỏ với chồng cùng mẹ già và nhận được lời khuyên: “Hãy cứ làm với cái tâm của mình”.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 4.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 5.

Sau ngày định mệnh ấy, thứ mà bà Cúc tìm kiếm không phải là phế liệu hay bao bì, mà chính là xác thai nhi.

Trăn trở nghĩ cách giảm tình trạng phá thai, bà Cúc còn để lại số điện thoại, khi có trường hợp nào muốn phá thai, bác sĩ sẽ thông báo cho bà.

Hễ nghe tin bệnh viện, phòng khám nào có thai nhi mới bỏ hay một người mẹ có ý định phá thai, bà đều tức tốc tìm đến không quản đường xa. Vừa để xin các em về lo hậu sự, vừa khuyên răn những người mẹ lầm đường lạc lối đừng cướp đi sự sống của những sinh linh vô tội. 

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 6.

Không chỉ chính tay đi tìm, đi xin thai nhi về chôn cất, bà Cúc còn khuyên nhiều thai phụ từ bỏ ý định phá thai.

Bà Cúc bảo, tính đến nay, bà đã trực tiếp mang hơn 40.000 thai nhi về chôn cất, tác động 169 trường hợp có ý định phá thai, giúp hàng trăm em bé có cơ hội chào đời.

“Thai nhi cũng có hình hài, linh hồn như con người, cũng là giọt máu của bố mẹ chúng. Họ đem vứt bỏ nhưng tôi thì trân trọng các em. Bất kì một cuộc điện thoại nào gọi tới, chỉ cần tôi bắt máy thì sẽ không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 7.

Bà kể, có trường hợp một thai phụ ở TP. Hồ Chí Minh đang muốn phá thai khẩn khoản cầu cứu vì điều kiện khó khăn, bố mẹ đều qua đời. Bà Cúc không ngần ngại đem cô gái về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc đến ngày mẹ tròn con vuông.

Thời gian đầu, bà Cúc dùng hộp nhựa để mai táng cho các thai nhi. Về sau con số thai nhi tăng dần, bà chuyển sang đặt các em trong những chiếc tiểu sành. Mọi chi phí mai táng hoàn toàn được dùng bằng tiền túi của bà và các thành viên trong gia đình.

Những lúc kinh phí eo hẹp, bà khắc phục bằng cách đổ những miếng khuôn xi măng rồi ghép lại thành tiểu. Đã có lúc bà có ý định từ bỏ công việc này nhưng như nghe được tiếng lòng trẻ nhỏ, bà quyết tâm dành mọi công sức làm tròn sứ mệnh chôn cất thai nhi, mặc cho người đời có buông lời gièm pha, điều ra tiếng vào.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 8.

“Tôi chỉ mong những chuyến đi của mình ra về tay trắng, càng ít lại càng mừng”, bác Cúc nói.

Từng ấy năm làm công việc người khác cho là “khùng” cũng là khoảng thời gian bà phải chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng khi thai nhi bị vứt bỏ khắp nơi, nạo phá đến không còn hình hài. Có em dù đã 7,8 tháng, thậm chí 9 tháng nhưng bố mẹ vẫn nhẫn tâm phá bỏ.

Đằng sau con số hàng vạn thai nhi được chôn cất đồng nghĩa với việc người mẹ “Cúc khùng” có thêm hàng vạn đứa con. Trên hành trình nhân đạo ấy, người mẹ này luôn đau đáu một nỗi niềm "làm sao để đón được tất cả thai nhi về, lo cho các con mồ yên mả đẹp".

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 9.

Những lúc kinh phí eo hẹp, bà khắc phục bằng cách đổ những miếng khuôn xi măng rồi ghép lại thành tiểu.

Băn khoăn làm thế nào không chỉ chôn cất các em chu toàn mà còn phải nhang khói thờ phụng, bà Cúc dành hẳn một căn phòng để tưởng niệm những thai nhi xấu số.

Đều đặn mỗi ngày, bàn thờ nơi đây luôn nghi ngút khói hương dù bà Cúc có vắng nhà. Những bông cúc trắng đều được thay mới như để an ủi linh hồn thai nhi tội nghiệp nơi chín suối.

Hiện trong khu vực nghĩa trang gia đình của bà Cúc tại vườn thánh Phú Đa đang chôn cất hơn 40.000 thai nhi. Các phần mộ ở đây đều được chôn tập thể được bà Cúc sắp xếp, bố trí phù hợp.

Ngôi mộ ít nhất cũng là ngôi mộ đầu tiên chứa 827 thi hài, nhiều nhất lên tới 13.000 thi hài.

Còn rất nhiều câu chuyện đầy màu sắc tâm linh khác xoay quanh những điều bà Cúc chia sẻ. Những điều kỳ lạ thường xuyên đến với bà kể từ lúc thực hiện công việc chôn cất thai nhi.

Nhưng cách lý giải phù hợp nhất với những điều đó có lẽ chính từ sự cảm nhận của bà: “Tôi yêu thương và chào đón các bé nên chúng cũng trả ơn bằng cách bảo vệ tôi. Tôi làm mọi thứ từ tâm nên luôn vững vàng và thuận lợi, không hề sợ hãi bất cứ điều gì”, bà chia sẻ.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 11.

Hiện tại bà Cúc đang nuôi dưỡng ba đứa trẻ vô cùng đặc biệt là Bảo Quốc, Bảo Khánh và Hồng Ân. Bảo Quốc, Bảo Khánh là hai anh em sinh đôi 9 tuổi.

Bà nhớ lại: "Khi tôi đang nhặt ve chai như mọi ngày, nhận được cuộc gọi từ bác sĩ, tôi vội vàng chạy đến và khuyên ngăn cô gái đang mang thai đôi có ý định phá bỏ vì hoàn cảnh gia đình”.

Trong 9 tháng cô gái mang bầu, bà Cúc tận tình thăm hỏi, mang gạo đến giúp đỡ. Không may gần đến ngày, cô gái phải mổ non, gia đình thiếu tiền để xoay sở, bà Cúc tận tình giúp đỡ, đi vay tiền đóng viện phí cho ba mẹ con. Cứ ngỡ rồi hai cậu bé sẽ được chính mẹ chúng nuôi dưỡng, nhưng một lần nữa, người mẹ cũng bỏ hai em để đi tìm hạnh phúc mới.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 12.

Bà Cúc bên Bảo Quốc, Bảo Khánh và Hồng Ân.

Kể về câu chuyện của bé Hồng Ân, cô bé 5 tuổi được bà phát hiện trên đường đi làm về, bà Cúc cho biết, sự việc xảy ra vào năm 2018, tối ngày 25/8 âm lịch, khi đi trên đường đê gần cầu Yên Lệnh thuộc huyện Duy Tiên, bà nghe thấy tiếng trẻ em khóc. Nhìn bên đường, bà thấy một vật màu trắng, lại gần thấy em bé đỏ hỏn, bụng bé còn nguyên rốn.

“Lúc đó tôi cởi áo bao bọc cho con mang về rửa sạch rồi gọi bác sĩ tới khám. Thấy bé vẫn còn sống, tôi mừng đến trào nước mắt”, bà Cúc hồi ức lại.

Sau đó, con trai bà đã đăng hình ảnh bé trên mạng xã hội để tìm lại người thân, người đến nhận nhiều nhưng không ai chứng minh được quan hệ với cháu. Không đành lòng, bà quyết định nuôi bé và đặt tên là Hồng Ân. 

Khi được hỏi về mong ước hiện tại, bà Cúc nói: “Tôi biết việc mang thai ngoài ý muốn là điều không may, nhất là đối với các bạn trẻ. Mong rằng các bạn sẽ có ý thức hơn, có trách nhiệm với chính bản thân để những em bé luôn được tận hưởng giây phút đầu đời và sống vui vẻ cùng chính người thân của mình”.

Người phụ nữ công giáo với hành trình 14 năm chôn cất thai nhi xấu số tại Hà Nam - Ảnh 13.

Hơn một thập kỷ cưu mang những em bé xấu số, niềm vui của bà Đỗ Thị Cúc có lẽ là khi không còn thai nhi nào bị phá bỏ. Không chỉ là mẹ của 3 em nhỏ Bảo Quốc, Bảo Khánh và Hồng Ân, bà còn là “mẹ” của hơn 40.000 nghìn đứa trẻ bị từ chối. Trên hành trình đầy gian nan ấy, bà không hề cô đơn vì luôn có sự đồng hành của gia đình.

“Nếu không có sự ủng hộ của những người thân yêu, chắc tôi không thể thực hiện được công việc thiêng liêng này suốt thời gian dài vừa qua”, bà Cúc thổ lộ.

Trò chuyện cùng con trai ruột của bà là anh Trần Văn Linh (24 tuổi), chàng trai tự hào nói: “Suốt 14 năm nay, gia đình luôn ủng hộ việc làm của mẹ, tôi biết đó là việc làm vô cùng cao cả. Tháng nào nhận lương tôi cũng mang về cho mẹ để góp phần lo hậu sự cho các em. Dù gia đình khó khăn nhưng tôi tin mẹ không bao giờ từ bỏ công việc này”. 

Công việc của bà Cúc như một hành động an ủi cuối cùng dành cho những em nhỏ bị từ chối.

Chia tay người mẹ nghị lực, chúng tôi trở về với bao cảm xúc. Rồi ngày mai và những năm tiếp theo, người phụ nữ ấy vẫn lại mang chiếc làn chạy vội đi đón những sinh linh nhỏ bé với tấm lòng bao dung: “Còn sống ngày nào tôi sẽ còn đưa các con trở về”, bà Cúc mỉm cười.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem