Người phụ nữ khuyết tật dệt đời trên “đôi tay dã quỳ”

Hồng Linh Thứ ba, ngày 14/06/2016 06:19 AM (GMT+7)
Bị liệt cả hai chân và một tay, nhưng chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã nỗ lực lao động, thổi sức sống mãnh liệt vào những bức tranh đá quý, tranh ốc bằng chính “đôi tay dã quỳ” của mình... Nhiều người gọi chị Hiếu là “ngọc trong đá” .
Bình luận 0

Trần Ngọc Hiếu quê ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Hiện chị đang thuê trọ tại khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM để làm tranh ốc.

img

Trần Thị Ngọc Hiếu trong buổi trao bức tranh cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.  Ảnh: I.T

“Đường cùng là động lực”

Dù bị liệt cả 2 chân và 1 tay, nhưng chị Trần Thị Ngọc Hiếu vẫn tự mình nấu cơm, giặt giũ hay khiêu vũ và bơi lội một cách bình thường. Chị Hiếu học bơi ở trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình và tham gia lớp khiêu vũ tại Trung tâm DRD (Đời rất đẹp) vào mỗi dịp rảnh. Chị còn học thêm Anh văn vào mỗi buổi tối để có thể phát triển cao hơn dòng tranh nghệ thuật mà chị đang theo đuổi.

Đó là tâm niệm của chị Hiếu trước những biến cố của cuộc đời mình. Dường như nỗi đau về thể xác hay khiếm khuyết trên cơ thể không vùi đi nụ cười tươi tắn trên môi chị. Suốt cả buổi trò chuyện, ngay cả khi nhắc đến cơn sốt bại liệt năm lên 4 tuổi, chị cũng không rơi nước mắt. Có chăng chút ngậm ngùi nơi nhân vật này là nụ cười lẳng lặng hơn khi nói về gia đình: “Năm đó Hiếu sốt li bì, bác sĩ chê và trả về nhà nhưng gia đình vẫn chạy đôn chạy đáo đưa Hiếu đi chữa hết thuốc Nam đến Đông y rồi châm cứu để Hiếu được tỉnh lại. Đây như lần sinh ra thứ 2 vì mọi thứ như cầm, nắm Hiếu đều phải bắt đầu lại từ đầu.

Chỉ khác là chân và tay mãi mãi không còn cử động được. Vì gia đình và vì bản thân, Hiếu không cho phép mình bỏ cuộc. Và trên hết, Hiếu biết mọi người muốn mình hạnh phúc, Hiếu cũng muốn mình được hạnh phúc”. Chị Hiếu nói, chỉ còn bàn tay trái cử động được linh hoạt đồng nghĩa chị đã đi đến gần như “đường cùng” của cơ thể. Vì vậy, chị luôn đặt mình vào những “đường cùng” khác: “Không có kế hoạch dự phòng, chỉ có quyết tâm sống chết thực hiện con đường mình đã định và lúc nào cũng ý thức rằng “khi dồn 100% vào một việc, cơ hội thành công cao hơn khi chia nhỏ những phần trăm ấy cho kế hoạch khác”.

Niềm đam mê tranh nghệ thuật của chị khơi nguồn từ sở thích hội họa từ nhỏ. Lớn lên, khi nhìn những bức tranh đá quý với các đường viền sắc sảo, công phu khắc trổ mặt người, phong cảnh, cộng với quan niệm “đường cùng” đã đóng chị vào một quyết tâm sống còn, rằng chị phải trở thành nghệ nhân tranh xuất sắc.

Người trả hồn cho tranh ốc

Nếu tranh đá quý được chị ví là người tình thứ nhất thì tranh ốc là “người thứ ba xen vào mối tình 7 năm của tụi chị”. Thú vị với câu chuyện của một doanh nhân người Anh về dòng tranh nghệ thuật đã lụi tàn nơi quê hương ông, chị nhận lời mời hợp tác để làm sống dậy, trả lại hồn cho dòng tranh ốc. Chị Hiếu kể: “Xã hội ngày càng phát triển, dòng tranh này dần bị lãng quên, giờ chỉ còn trong bảo tàng. Một lần đến Việt Nam và thấy nguồn sò, ốc dồi dào, ông ấy muốn tìm người nghệ nhân giúp ông khôi phục lại. Và Hiếu cũng muốn thử sức mình trong thể loại mới mẻ này”.

img

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu miệt mài làm tranh.  Ảnh:  I.T

Tranh ốc không giống tranh đá quý khi có sẵn hình ảnh được in ra làm mẫu, mọi thứ khi bắt đầu với tranh ốc chỉ là khung gỗ trơ trọi cùng tấm vải bố trống trơn. Vì thế chị phải dốc hết sức để sáng tạo, tính toán chi li sao cho bố cục, kết cấu và số lượng vỏ ốc lắp vào đầy hết khung hình một cách hoàn thiện nhất. Chưa kể, chị phải tìm tòi thử nghiệm nhiều loại keo để cho ra được 2 đến 3 loại phù hợp với mỗi công đoạn. Với gần 40 loại vỏ được giao, người phụ nữ với “bàn tay dã quỳ” phải tẩn mẩn lựa ra từng loại riêng biệt, từng kích cỡ phù hợp để tạo hình thật chuẩn xác, đảm bảo bức tranh không bị mẻ bởi những vỏ ốc giòn hay hở ra những khe do sự chênh lệch về kích cỡ.

Tôi không thể rời mắt khỏi chị khi chị chăm chú cẩn từng con ốc lên bức tranh. Tay phải của chị rất yếu, không thể nắm trọn vật gì nếu không có điểm tựa. Vậy mà bàn tay ấy vẫn nhẹ nhàng đỡ lấy tấm bìa đựng keo bằng những ngón dị dạng hệt như một cái móc câu quắp chặt vào đối tượng với tất cả nỗ lực. Còn bàn tay trái cứ thế nhanh nhạy gắp từng vỏ ốc đính tẩn mẩn lên bức tranh. Từng cánh hoa, ngôi nhà, bờ biển... cứ thế hiện hình trên khung tranh qua bàn tay thoăn thoắt của chị. Chị cẩn thận, kỹ lưỡng chăm chút từng đường nét, họa tiết. Sau mỗi lần hoàn thành, đường nhăn trên trán chị lại giãn ra và nụ cười lại bừng sáng trên gương mặt. Sự vui sướng và hạnh phúc ấy không khỏi khiến người đối diện xúc động - niềm vui quá đỗi đơn giản và bình dị.

Cứ thế, Ngọc Hiếu sáng tạo ra những hình thù lạ mắt từ vỏ ốc của biển Nha Trang, Vũng Tàu... đem nó đến với người nước ngoài. Chị bật mí: “Dù ý muốn khôi phục lại dòng tranh nước Anh nhưng Hiếu luôn gắn ghép trong mỗi bức những nét bản sắc riêng của Việt Nam như hoa sen, ngôi sao bên cạnh những dòng chữ tiếng Anh “Forget me not”, Barbados với mong muốn hài hòa 2 dòng văn hóa trong một tác phẩm mới lạ này”.

Hẳn vì lẽ đó mà mỗi con ốc được đính, mỗi con sò được cẩn vào tranh là mỗi niềm hy vọng được chị Hiếu thắp lên trên con đường phục chế lại dòng tranh cổ điển. Với chị: “Điều đặc biệt của thể loại tranh ốc là mỗi bức tranh làm ra cũng là bức duy nhất”.

Nỗ lực được đền đáp

Bén duyên với tranh đá quý, sau những nỗ lực cầm chắc dụng cụ, chị Hiếu ngày càng thành thạo những kỹ thuật của nghề. Đã qua rồi ngày đầu chị giấu cha mẹ một mình từ quê nhà Nhơn Trạch (Đồng Nai) lên Sài Gòn học nghề, qua rồi những ngày liên tục 12 giờ tập cầm con dao mài đá trên tay, qua rồi cảm giác bất lực khi chẳng thể khép gọn lại được những ngón tay bất trị và qua rồi tiếng leng keng lạnh lùng của chiếc dao rơi xuống sàn nhà trong nỗi tủi khổ... Giờ đây, sau 7 năm miệt mài gắn bó với dòng tranh đá quý, tên tuổi của chị được nhiều người biết đến và công nhận.

Nhớ lại những ngày đầu ra làm riêng, chị Hiếu tâm sự: “Việc khó khăn nhất là về đầu ra của sản phẩm. Mọi người thường chọn đặt tranh ở những công ty có uy tín hơn là cá nhân chưa có tên tuổi, vì vậy trong suốt một tháng trời Hiếu không nhận đặt làm một bức tranh nào. Để duy trì đam mê, Hiếu vào làm cho Công ty Bảo hiểm 3A bộ phận chăm sóc khách hàng để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày đi làm, ban đêm tiếp tục tự tay mài đá, cẩn tranh. Qua lời giới thiệu của bạn bè và người thân, dần có người đặt tranh. Báo chí nói đến Hiếu ngày càng nhiều, và cũng ngày càng nhiều người đến mua tranh. Nhờ vậy, Hiếu tự nuôi được bản thân mình và còn có cơ hội dạy nghề, giúp đỡ những người khuyết tật khác có công ăn việc làm ổn định”.

Chị bảo với tôi mỗi ngày chị sống 150%: 100% trọn vẹn cho hôm nay và 50% chuẩn bị cho ngày kế tiếp. Điều đó khiến tôi tự vấn lại bản thân mình đã sống bao nhiêu phần trăm trong một ngày. Nhưng tôi muốn sẽ như chị, sẽ học cách dồn hết 100% nhiệt huyết của mình vào một thứ để hóa thành lò xo với “sức nén càng chặt, sức bật càng cao”.  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem