Người Sài Gòn quen mua hàng qua mạng, vì sao?

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 27/03/2022 14:38 PM (GMT+7)
Phần đông người dân TP.HCM đã có thói quen mua hàng qua mạng, mua hàng qua các sàn thương mại điện tử thay vì phải đến trực tiếp cửa hàng, siêu thị.
Bình luận 0

Người Sài Gòn quen mua hàng qua mạng

Thay vì thường xuyên đi mua thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo tại siêu thị, cửa hàng như trước, gần đây, chị Nguyễn Ngọc Hòa (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) quyết định chuyển sang mua sắm "tất tần tật" mọi thứ trên mạng.

Nhóm hàng mà chị Hòa mua nhiều nhất là đồ gia dụng, nhóm hàng chăm sóc cá nhân, quần áo, thỉnh thoảng đặt online một số đặc sản vùng miền trên Facebook, Zalo, mà người bán là "mối ruột". 

"Những thứ càng cồng kềnh, tôi càng ưu tiên mua trên các sàn thương mại điện tử. Dĩ nhiên, mình cũng phải có kinh nghiệm một chút, xem xét kỹ lưỡng về thương hiệu, nhà bán hàng mới quyết định ấn nút đặt mua. Các thương hiệu uy tín thì mình mua tại nhà cũng như đi đến tận nơi để xem và đặt hàng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian", chị Hòa nói.

Người Sài Gòn quen mua hàng qua mạng, vì sao? - Ảnh 1.

Shipper các sàn thương mại điện tử làm việc hết công suất bên dưới các toà nhà văn phòng, chung cư tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Không chỉ tiết kiệm thời gian, hàng được giao tận nhà mà nhiều khách còn cho biết, nếu mua qua mạng, nhất là nhóm hàng đồ điện tử, đồ điện lạnh, thời trang, họ có thể nhận được mức giá tốt hơn và tiết kiệm được một khoản so với đi mua trực tiếp.

Nhận được chiếc tủ lạnh nhãn hiệu Samsung được một sàn thương mại điện tử giao tận nhà với giá chỉ 4,6 triệu đồng, trong khi giá gốc lên đến 5,4 triệu đồng, anh Minh Toàn (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết đây là mức giá rất hời. 

"Tôi đã tham khảo mẫu này ở nhiều siêu thị điện máy, hầu hết đều không giảm giá, nếu có giảm cũng chỉ giảm được 100.000-200.000 đồng. Do đã mua hàng thường xuyên trên các sàn nên tôi không quá lo lắng về chất lượng. Tủ lạnh hoạt động hơn một tháng nay đều rất ổn định", anh Hoàng nói.

Người Sài Gòn quen mua hàng qua mạng, vì sao? - Ảnh 3.

Các sàn Tiki, Lazada, Shopee đang tích cực giảm giá để hút khách. Ảnh: Hồng Phúc

Các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay như Tiki, Lazada, Shopee đều đang chạy các chương trình "siêu giảm giá", kích thích nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân. Trong đó, TP.HCM được các sàn xem là thị trường lớn.

Tiki đang có chương trình "Ngày Sale thương hiệu", kéo dài từ 27/3-30/3, giảm giá đến 50% các thương hiệu thuộc ngành hàng gia dụng, công nghệ, làm đẹp, thời trang, mẹ và bé... Lazada có lễ hội mua sắm "sinh nhật thế kỷ" với hàng nghìn sản phẩm ưu đãi đến 50%, kéo dài từ 27/3-29/3. 

Shopee vừa kết thúc chương trình "siêu hội tiêu dùng", cũng tiếp tục duy trì hàng loạt ưu đãi, giảm giá cho sản phẩm có nhiều ngành hàng để hút khách.

Quy mô kinh tế số tại TP.HCM đạt khoảng 8,27 tỷ USD

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quy mô GRDP của nền kinh tế số TP.HCM năm 2021 là 191.768 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,27 tỷ USD). Số liệu này mang tính tham chiếu vì việc ước lượng quy mô nền kinh tế số hiện có nhiều phương pháp tiếp cận nên có thể dẫn đến các kết quả khác nhau.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vận dụng phương pháp ước lượng nội suy tuyến tính 2 chiều, với nguồn dữ liệu từ báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á các năm qua của Google, Temasek và Bain & Company, cùng với báo cáo doanh nghiệp năm 2019 và 2020 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cung cấp của 4 nhóm ngành sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin.

Người Sài Gòn quen mua hàng qua mạng, vì sao? - Ảnh 4.

81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, theo nghiên cứu của Milieu Insight. Ảnh: Hồng Phúc

Mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử là một phần quan trọng của kinh tế số. Nhu cầu mua hàng trực tuyến và giao dịch trực tuyến của người dân TP.HCM trong năm 2021 tăng cao, do tác động của dịch Covid-19.

Kết quả công bố mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Milieu Insight cho thấy: 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. 

Đặc biệt, 85% người Việt tham gia khảo sát này cho biết rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

"Thương mại điện tử đã thay đổi gần như toàn diện cách mọi người kinh doanh, mua sắm, giải trí trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong 2 năm vừa rồi khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ", ông James Chang - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Lazada nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem