Người “thổi hồn” vào gốc cây rừng

Bùi Việt Phương Thứ ba, ngày 14/04/2015 13:56 PM (GMT+7)
Cách đây vài thập kỉ nếu lên miền Tây Bắc, chỉ thấy những con đường nhỏ hun hút giữa mênh mông cây rừng. Những tán cây lớn che phủ hai bên đường, tiếng chim rừng rộn rã và đôi khi, bắt gặp cả những con thú hoang nhỏ chạy cắt ngang trước mũi xe. Vậy nhưng...
Bình luận 0

Giờ đây, đi dọc những con đường rừng năm xưa lại là những cánh rừng keo, rừng xoan mới trồng. Rừng đã mất đi khá nhiều, cùng với đó là sự mất đi của các loài chim muông, thú mà nói như một anh bạn người dân tộc thiểu số ở đây: Hàng ngày vẫn phải đuổi khéo mấy lão bẫy chim để giữ mấy tiếng chào mào, hoa mị còn sót lại cuối cùng cho rừng, để mấy đứa trẻ đang trong nôi còn được nghe thấy tiếng chim rừng hót. Cũng từ thực tế đó, ở nơi làng bản xa xôi này, có những người con yêu rừng, trân trọng những cành cây ngọn cỏ bằng niềm đam mê, để làm nên vẻ đẹp của chính nơi quê hương mình.

img
Bác Trung bên bộ tiền long hậu mã (ảnh BVP)

Một ngày nắng lên, chúng tôi men theo bờ sông Đà phía hạ lưu đập thủy điện để xuôi về đất Mường Nùa xưa. Nhìn con đò rời bến Bún sang sông, hỏi ra mới biết người lái đò đầu tiên của bến ấy năm xưa, cũng đã chuyển qua nhiều nghề, vào Nam, ra Bắc và giờ đang an hưởng tuổi già với thú điền viên.

Đến nhà bác Nguyễn Hiếu Trung, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là ngôi nhà sàn gỗ xoan nhỏ khiêm nhường nằm giữa thổ đất từ bao đời để lại. Nhưng độc đáo ở chỗ, dưới gầm sàn, cũng là sảnh tiếp khách của gia chủ, là vô vàn những gốc, rễ cây được cắt, gọt, khắc, tỉa rất đơn giản chứ không cầu kì như những món hàng mĩ nghệ bày bán. Sau tuần trà đầu tiên, bác Trung tâm sự: Bác vốn không phải là người thích chơi đồ lũa, nhưng vì thương những gốc cây đã bị chặt hạ, bị ngâm bỏ lâu dưới đất mà đem về, tạc chúng thành hình con ngựa, con rùa, con hươu… Thôi thì coi như đời cây đã mất, nay ta thổi hồn cho nó, làm thành con vật để con cháu trong nhà nhìn vào đó như một khu rừng tự nhiên mà thêm yêu rừng, để mọi người đến đây sẽ từ bỏ ý nghĩ phá rừng xanh.

Ngay cả đến những nhánh rễ rườm rà bác Trung cũng không vứt bỏ mà khéo léo ghép chúng thành những mảng khối mô phỏng những cành lá rừng. Trong “khu rừng” được tạo tác từ những mảnh gỗ ấy, bác tâm đắc nhất với chiếc ghế “tiền long hậu mã”, được làm từ một gốc cây có một đầu ngựa và một đầu kia khá giống mình rồng.  Thậm chí chủ nhân còn có cả một bài thơ vịnh về nó khá hay.

img
Bộ bàn ghế có hình thù cây trong rừng (ảnh BVP)
img
Một gốc cây được tạc thành hình con cá (ảnh BVP)

Nhìn ra khu vườn của bác, chỉ thấy những cây làm cảnh khá đặc biệt. Đa phần chúng đều là những loại bình thường, nhưng vốn bị mối mọt gậm nhấm chỉ còn phần gỗ lõi, bác bứng về chăm sóc và làm chúng hồi sinh, lại nảy những mầm xanh trong xuân mới. Cây xương cá hơn trăm tuổi đang nảy trổ những cành lá xanh non, cây mai đất đang sắp trổ hoa và muôn vàn những cành rễ đều được gia chủ hàng ngày chăm sóc.

Bác Trung trầm ngâm kể, có chiếc bàn kia là một cái cây do bác và mấy người bạn đã cất công đánh về, nhưng dù đã tận tình chăm bón nhưng cây vẫn không thể sống nổi, đành gọt, tỉa đôi chút thành chiếc bàn cho cô cháu gái lên lớp 1 ngồi tập viết bài. 

img
Một cây xương cá cỡ trên trăm năm tuổi đã được bác Trung hồi sinh (ảnh BVP)

Đôi chân run run bên chiếc nạng gỗ,  hàng ngày  bác Trung vật lộn với căn bệnh gout nan y nhưng luôn nở nụ cười và câu nói chân thật: “Mấy cây đó cũng giống như tôi, tàn nhưng không phế anh ạ”. Tất cả những cây cảnh, đồ gỗ đó bác không bao giờ bán dù được nhiều người trả giá rất cao.

Phải chăng chỉ có tình yêu với rừng, với cây lá mới giúp bác vượt qua bệnh tật để tạo ra một thế giới thiên nhiên từ những gốc cây khô, từ những cái cây sâu mọt để góp phần giáo dục con cháu và xóm làng về ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường rừng. Một góc nhỏ điền viên của bác Trung đã góp thêm vẻ đẹp cho làng quê nơi đất rừng Tây Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem