Người thổi pí lè trên đỉnh Mẫu Sơn

Thứ năm, ngày 04/11/2010 18:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 56 tuổi, 38 năm làm Trưởng thôn, ông Triệu Chằn Sửu là người duy nhất ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn sử dụng thuần thục, điêu luyện các nhạc cụ của người Dao.
Bình luận 0

Pí lè, thanh la... một phần của cuộc sống

Tiếp chúng tôi trong căn nhà trình tường ấm cúng, trên tường treo nhiều nhạc cụ truyền thống của đồng bào Dao Mẫu Sơn, ông Triệu Chằn Sửu tâm sự: "Khi nhắc đến người Dao ở Mẫu Sơn, không ai ở quanh vùng không biết đến tiếng kèn pí lè, thanh la, chiêng, trống… qua những bản nhạc nổi tiếng khắp vùng. Những nhạc cụ này gắn bó với bao thế hệ của người Dao chúng tôi. Nó đã ăn vào máu, vào tâm can của dân làng, thiếu những nhạc cụ này như thiếu một phần của cuộc sống".

img
Ông Triệu Chằn Sửu thổi kèn pí lè.

Ông Sửu cho biết thêm: "Các loại nhạc cụ này không ai biết và không ai nhớ rõ là nó có từ đời nào, thuở nào. Lớn lên đã thấy người lớn chơi những nhạc cụ này rồi. Chúng chỉ được sử dụng vào những dịp lễ hội truyền thống, như hội cúng nhang, cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, Tết… Đó là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ".

Người dân trong bản quanh năm ở ngoài ruộng, ngoài nương. Khi tiếng kèn, chiêng, trống, thanh la cất lên và hòa quyện vào nhau, nam thanh nữ tú cùng hòa theo điệu nhảy làm "ngây ngất" đất trời. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát quên hết mọi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Tiếng nhạc và con người hòa vào nhau, quyện với thiên nhiên cây cỏ, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa người Dao Mẫu Sơn.

Lo thiếu người giữ bản sắc

Cầm chiếc kèn pí lè - đặc trưng của Mẫu Sơn lên, ông thổi cho chúng tôi nghe một bài, tiếng kèn vang lên dìu dặt, ngân nga, náo nức... làm ngẩn ngơ cả lòng người. Thổi một đoạn, ông chợt dừng lại, mắt đượm buồn. Ông bảo, hiện nay trên đỉnh Mẫu Sơn những người biết chơi nhạc cụ dân tộc như ông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Sửu cho biết: "Muốn học và chơi được hết các nhạc cụ này phải học ít nhất từ 3 năm trở lên, phải là người có tính kiên trì mới học được".

Giờ đây không còn trẻ nữa, ông Sửu lo tới một ngày, khi ông và những nghệ nhân cuối cùng trong vùng sẽ ra đi vào cõi vĩnh hằng, liệu lớp trẻ ai sẽ là người tiếp nối giữ gìn nét truyền thống ấy.

Đau đáu với nỗi truyền lại nét văn hoá người Dao, ông Sửu trăn trở khi lớp trẻ ngày nay không còn nhiều người nhiệt tâm với các nhạc cụ của dân tộc mình nữa.Trong những dịp lễ, Tết… chỉ có những người tuổi đã cao trong vùng mới có thể chơi được những nhạc cụ này (hiện chỉ còn khoảng 5 người biết chơi hết các nhạc cụ này một cách thuần thục - PV).

Giờ đây, khi cuộc sống hiện đại đang đi vào mỗi gia đình, những đường dây điện kéo dài từ dưới xuôi về, đêm đến, những ánh điện nơi lưng chừng núi, ấm áp bản làng. Đó là sự tiến bộ, sự phát triển của Mẫu Sơn, nhưng theo đó, sự hiện diện của nhạc “xập xình” đang dần át đi sự réo rắt của tiếng nhạc cụ dân tộc.n

Các nhạc cụ từ lâu là cây cầu nối nghĩa tình những người yêu bản sắc dân tộc Dao. Vì điều này ông Sửu quyết tâm gìn giữ điệu pí lè, thanh la, chiêng, trống… truyền thống của dân bản mình.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem