Người ứng cử phải đạt số phiếu bầu bao nhiêu mới trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp?

PVCT Thứ ba, ngày 25/05/2021 10:36 AM (GMT+7)
Theo quy định của pháp luật, trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.
Bình luận 0

Liên quan đến công tác kiểm phiếu và công bố kết quả trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; còn kết quả và danh sách người trúng cử đại biểu HĐND các cấp thì chậm nhất là sau 10 ngày bầu cử sẽ được công bố.

Người ứng cử phải đạt số phiếu bầu bao nhiêu mới trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp? - Ảnh 1.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bỏ phiếu bầu tại TP.HCM.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào Ngày chủ nhật 23/5/2021, như vậy thì chậm nhất là ngày 02/6 sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chậm nhất ngày 12/6 sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo quy định tại điều 73 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thì việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.

Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.

Điều 74 của Luật quy định những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ: Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử.

Về nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như sau: Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại.

Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem