Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 đời Lê Cung Hoàng, là Trạng nguyên thứ 20 và cũng là Trạng nguyên cuối cùng của nhà Hậu Lê. Từ đây, thân thế, sự nghiệp của ông gắn liền với thời kỳ đầy biến động của lịch sử dân tộc.
Bấy giờ triều chính nhà Lê suy đồi sa vào con đường xa hoa vô độ; quan lại tham nhũng, lộng hành, nội bộ triều đình lục đục, lập bè phái tranh giành quyền lực chém giết lẫn nhau. Vua Lê Uy Mục tàn bạo bị gán cho biệt danh Vua Qủy chết vì tay quần thần, Lê Tương Dực lên ngôi dâm dục quá đáng với biệt danh vua Lợn cũng bị bề tôi giết chết… Trong triều ngoài trấn hoang mang, lòng người chia lìa, chính vì thế nếu đúng theo lệ, sau mỗi khoa thi đều dựng bia ghi tên người đỗ đạt nhưng do tình hình loạn lạc mà khoa thi Trần Tất Văn đỗ Trạng nguyên đã không được dựng bia.
Tranh minh họa
Lợi dụng tình hình triều Lê suy yếu, một đại thần là Mạc Đăng Dung đã gây dựng lực lượng, đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) cướp ngôi, giết vua Lê Cung Hoàng và lập ra nhà Mạc.
Với hy vọng nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước thống nhất cường thịnh, Trần Tất Văn và nhiều quan lại đã ủng hộ, tôn phù Mạc Đăng Dung. Trở thành một trong những đại thần của vương triều mới, ông được Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) coi trọng, bổ nhiệm phụ trách 5 toà đô đốc và sảnh viện, đến thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) Trần Tất Văn vẫn tiếp tục được trọng dụng, ông làm quan đến chức Thượng thư, tước Hàn Xuyên bá, từng được cử đi sứ nhà Minh.
Trong sự nghiệp của mình, Trần Tất Văn đã để lại một dấu ấn quan trọng, ngăn ngừa họa binh đao cho đất nước. Sử sách cho biết, viện cớ Mạc Đăng Dung cướp ngôi thoán nghịch, triều Minh nhân thế sai Thượng thư bộ Binh là Mao Bá Ôn và tướng Cừu Loan dẫn hàng vạn quân áp sát biên giới âm mưu xâm lược nước ta, để có cớ chúng phao tin “phù Lê diệt Mạc”, đem thiên binh sang trừng phạt tội “phản nghịch” của họ Mạc, rêu rao cứu dân đen con đỏ nước Nam thoát khỏi khổ đau.
Vua quan nhà Mạc rất lo lắng cùng nhau bàn bạc tìm hướng hoá giải nguy cơ chiến tranh, cuối cùng phải chọn cách nhịn nhục lên biên giới “xin hàng”. Vua Mạc sai người mang vàng bạc, lễ vật nộp cho quân Minh đồng thời gửi kèm theo tờ biểu do Trạng nguyên Trần Tất Văn phụng soạn.
Bằng tài ngoại giao Trần Tất Văn khiến âm mưu, thủ đoạn của nhà Minh bị vạch trần, trong bài biểu ông dùng từ ngữ mềm dẻo, khéo léo, lập luận chặt chẽ dùng chính lời lẽ của quân Minh để đáp lại chúng, trong đó có câu: Vị Di quốc bất học vũ nhân, lễ nghĩa hà thúc thâm trách; mẫn An Nam vô cô xích tử, phong nhận nhẫn sử hoành la? (Nghĩa là: Bảo nước Man Di là vũ phu vô học, lễ nghĩa sao đủ trách phạt nặng nề; nói thương dân An Nam là con đỏ vô tội, sao lỡ đem gươm giáo tung hoành chém giết?)
Mao Bá Ôn đọc đến đoạn này cảm động đến rơi nước mắt bèn sai thu quân rút về. Người đời ca ngợi tác phẩm của Trần Tất Văn là “một bài biểu lui vạn binh”
Sách Tục biên Công dư tiệp ký bình rằng: “Có thể thấy văn chương quan hệ đến sự an nguy của quốc gia như vậy. Cổ nhân nói: Từ chương không thể bỏ được. Đúng là như vậy!”.
Dạy viết chữ Nho (Tranh minh hoạ)
Ngoài dấu ấn đó, người đời sau không có nhiều tư liệu để hiểu rõ hơn về tài năng, trí tuệ, sự nghiệp, cuộc đời của Trạng nguyên Trần Tất Văn bởi sau khi đánh bại họ Mạc, nhà Lê Trung Hưng đã trả thù những người theo “ngụy triều”, gia đình Trần Tất Văn tan nát, con trai ông là Trần Tảo cùng nhiều quan tướng nhà Mạc bị xử chém ở bến Thảo Tân bên bờ sông Hồng.
Đến nay, năm sinh, năm mất của ông vẫn chưa xác định cụ thể; dẫu vậy, tên tuổi của ông vẫn được ghi chép đôi dòng trong các sách Đăng khoa lục, Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục, Thiên Nam lịch triệu liệt huyện đăng khoa bị khảo; Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lịch… qua đó phần nào khẳng định truyền thống khoa bảng, đức hiếu học của Trạng nguyên Trần Tất Văn.
Trên quê hương của Trần Tất Văn, những dấu tích của liên quan đến ông hầu như không còn trừ 2 trụ của cây cầu đá 7 nhịp do quan Trạng dựng cho dân làng đi lại và đôi câu chuyện kể ở làng Nguyệt Áng, thế nhưng nơi đây từ bao đời nay vẫn lưu truyền một câu ca:
Hôm qua còn lội qua đầm/ Hôm nay thanh thản qua cầu đá xanh
Cầu này cầu ái cầu ân/ Công ơn quan Trạng có tâm với làng.
Sau các cuộc binh lửa chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, dân làng Nguyệt Áng, Thái Sơn đã góp công góp của xây dựng, khôi phục phần nào đền thờ Quan Trạng, phế tích Từ chỉ (Văn miếu hàng huyện) và hậu cung chùa Vĩnh Khoát, ngôi chùa do ông bỏ tiền của xây dựng. Tất cả các công trình này đều nằm trên khu đất thuộc “Trần gia trang” thuở trước và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.