Người Việt ở Đức hướng về Tết dân tộc

Thứ năm, ngày 14/02/2013 06:33 AM (GMT+7)
Trong những dịp Tết Nguyên đán, Đại sứ quán nước ta tại Đức, các hội đoàn người Việt và hội đồng hương là những lực lượng chủ chốt đứng ra tổ chức Tết vui chung cho bà con trong cộng đồng.
Bình luận 0

Với khoảng 125.000 người, cộng đồng người Việt tại Đức là một cộng đồng tương đối lớn và có nhiều quan hệ mật thiết với gia đình, họ hàng, bạn bè ở quê nhà. Cho tới nay, hơn 20 năm sau khi nước Đức tái thống nhất, phần lớn người Việt ở Đức đã có một cuộc sống ổn định, nhiều người đã bắt đầu luống tuổi. Thế hệ thứ hai, thậm chí là thứ ba, đã bắt đầu lớn lên trong môi trường của hai nền văn hóa Việt và Đức.

Sống xa quê hương càng lâu, người ta ngày càng có nhu cầu quần tụ để cùng nhau nhắc lại, nhớ lại những kỷ niệm xưa. Có lẽ vì vậy, trong thời gian gần đây, các hội đoàn người Việt ở Đức đã liên tục được thành lập, tới nay đã có trên 100 hội đoàn, đông đảo nhất là các hội đồng hương, như Hội đồng hương Kinh Bắc, Hội đồng hương Hải Phòng, Hội đồng hương Thanh Hóa, Hội đồng hương Ninh Bình...

Thậm chí, ở Đức còn có Hội người Hà Nội, Hội người Tràng An. Ngoài ra, còn có hội người Việt Nam ở các thành phố lớn và Liên hiệp người Việt toàn liên bang, cũng như các hội chuyên biệt như Hội cựu chiến binh, Hội doanh nghiệp, Hội Thiện Từ tâm, Hội Phật tử...

img
Lễ giao thừa 2012 tại chùa Phổ Đà ở Béclin.

Trong những dịp Tết Nguyên đán, Đại sứ quán nước ta tại Đức, các hội đoàn người Việt và hội đồng hương là những lực lượng chủ chốt đứng ra tổ chức Tết vui chung cho bà con trong cộng đồng. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán vốn là Tết cổ truyền mang tính chất gia đình, nên có lẽ hầu như gia đình người Việt nào ở Đức cũng có một mâm cỗ Tết, dù lớn hay nhỏ.

Đến Trung tâm Thương mại Đồng Xuân hay Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, thường được gọi là "chợ" Đồng Xuân hay "chợ" Marzahn ở Berlin trong những ngày giáp Tết, có thể thấy không khí mua bán nhộn nhịp chẳng khác gì ở Hà Nội: Bánh chưng, dưa hành, giò, chả, mứt Tết bày la liệt.

Từ khi có đường bay thẳng của Vietnam Airlines tới Frankfurt/Main, hàng hóa được nhập khẩu từ Việt Nam cũng phong phú hẳn lên. Ngay cả bánh chưng cũng có hai loại: Loại được làm ở Đức và những ai cầu kỳ có thể mua cả bánh chưng được làm từ Hà Nội và được đưa sang bằng máy bay. Thậm chí có người còn thuê chở cả cành đào Nhật Tân sang bán.

img
Gói bánh chưng tại Hội Thiện Từ tâm.

Tại các chợ ở Berlin, có lẽ không người Việt nào không biết tới thương hiệu "Nông dân Peter" chuyên bán gà tươi làm sẵn. Mặc dù giá gà tươi đắt gấp 5 - 6 lần so với gà đông lạnh bán ở các siêu thị, nhưng vẫn có rất nhiều người mua, vì ăn ngon hơn, khá giống gà bán ở Việt Nam. Đặc biệt, vào dịp Tết thì người ta phải xếp hàng để mua, nhất là mua được một con gà trống có đủ đầu, mào và chân để về cúng giao thừa theo phong tục.

Đúng ngày 30 Tết, kẻ bán, người mua tấp nập, nhưng tới chiều, chợ vắng hẳn, vì mọi người đã về nhà để chuẩn bị mâm cỗ Tết. Đúng 18 giờ theo giờ Đức là các nhà đã thắp hương lên bàn thờ gia tiên, thành kính cúng bái, vì lúc này ở Việt Nam đã là giao thừa. Bởi vì, mặc dù đang ở Đức, tâm hồn họ đang ở với người thân tại Việt Nam. Đặc biệt có thể nhận thấy, hầu như gia đình Việt Nam nào ở Đức cũng có một bàn thờ gia tiên theo truyền thống, cho dù có thể đơn giản hơn ở Việt Nam.

Nhưng cũng có người không cúng giao thừa ở nhà mà đi lễ chùa. Tại Berlin có hai ngôi chùa do người Việt dựng lên và có sư trụ trì là người Việt, là chùa Linh Thứu và chùa Phổ Đà. Vào đêm giao thừa, các phật tử tới chùa rất đông để nghe sư trụ trì đọc kinh, cầu cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, người Việt ở Đức càng vui mừng hơn vì ngày 30 và mùng một Tết may mắn rơi vào thứ bảy và chủ nhật, nên mọi người được nghỉ.

Theo TTXVN

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem