Người xem đánh bạc có thể bị phạt tù hay không?

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 08/04/2023 20:46 PM (GMT+7)
Bộ Công an trả lời thắc mắc của bạn đọc về việc xem đánh bạc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi Nguyễn Ngọc Như Ý hỏi:

Vừa rồi, chồng tôi bị bắt vì vô tình đi xem đánh bạc và đá gà ở sòng bạc lớn.

Tôi muốn hỏi, trường hợp của chồng tôi thì sẽ bị xử lý như thế nào? Nếu chỉ xem mà không tham gia vào sới bạc thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Về việc này, Cổng TTĐT Bộ Công an đã có thông tin phản hồi cụ thể:

Khi cơ quan điều tra tổ chức bắt quả tang một vụ đánh bạc, thường có rất đông người tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc và xem đánh bạc.

Sau khi lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm giữ (03 ngày) để điều tra làm rõ.

Người xem đánh bạc có thể bị phạt tù hay không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả tài liệu xác minh, điều tra thu thập được:

Nếu có đủ tài liệu xác định chồng bạn Như Ý có tham gia đánh bạc (hoặc tổ chức đánh bạc) thì sẽ bị xử lý theo quy định của Điều 321 hoặc Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu hành vi đánh bạc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Nếu có đủ tài liệu xác định chồng bạn Như Ý chỉ “đi xem đánh bạc” thì sẽ được trả tự do, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc (hoặc tổ chức đánh bạc).

Nếu hành vi của chồng bạn Như Ý đủ yếu tố cấu thành tội khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã vi phạm.

Điều 321 hoặc Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;

c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem