Phóng viên NTNN trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách thuộc IPASRD về diễn biến thị trường nông sản đầu năm và dự báo diễn biến thời gian tới.
Đã gần hết quý I/2013, ông đánh giá thế nào về tình hình sản xuất nông nghiệp?
- Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới kéo dài từ năm 2008 đến nay, tình hình thị trường nông sản liên tục biến động phức tạp, giá lương thực sau khi tăng cao đã quay đầu giảm mạnh từ tháng 9.2012; kết thúc năm 2012, giá lương thực giảm 1,1% so với năm 2011. Kinh tế trong nước năm qua tiếp tục tăng trưởng chậm nhưng kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế.
Với ngành nông nghiệp, trong khi những dự báo chính thức là giá lương thực thời gian tới khó có thể tăng mạnh thì sản lượng nông sản trong nước lại tăng mạnh, thậm chí là dư thừa. Chẳng hạn, theo kế hoạch, diện tích lúa gieo (tính theo thời vụ sản xuất) cả nước đến năm 2015 là 7,03 triệu ha, năm 2020 mới là 7 triệu ha, nhưng hiện nay đã lên tới 7,753 triệu ha. Cà phê hiện tới 622.000ha, trong khi đó kế hoạch đến 2015 và cả 2020 chỉ duy trì 550.000ha; cao su cũng đã thừa 110.500ha so với kế hoạch đến năm 2015.
Các biện pháp ứng phó với tình hình này là gì, thưa ông?
- Đây là bài toán cần nhiều giải pháp tổng thể. Về dài hạn, chúng ta vẫn cần tiếp tục duy trì năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu với giá trị gia tăng lớn hơn. Về sản lượng, chúng ta cần những giải pháp cụ thể đối với từng loại cây trồng. Chẳng hạn, với lúa, mục tiêu xuất khẩu năm nay đặt ra thấp hơn 2012 nên các giải pháp có thể áp dụng như chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng loại cây khác, và thay việc tăng diện tích bằng áp dụng giống mới năng suất cao, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, bố trí cơ cấu giống, mùa vụ né tránh sâu bệnh và thời tiết xấu, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở những vùng có lợi thế, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với cà phê, tuy đã vượt diện tích nhưng năng suất đang có chiều hướng đi xuống vì các vườn cây cho thu hoạch hiện nay đã già, cần tiếp tục trồng diện tích mới để thay thế. Đối với các cây công nghiệp khác như chè, cao su, điều cũng cần tính tới việc thay thế các cây trồng cũ bằng giống mới có năng suất cao theo diện tích được quy hoạch. Như vậy có nghĩa là cần sự điều chỉnh, quy hoạch lại sản xuất nông sản hiện nay.
Như vậy, rõ ràng ở đây có nghịch lý là tuy diện tích thì tăng lên (có nghĩa là công sức người nông dân bỏ ra nhiều hơn), song giá trị thực tế mà họ thu được lại thấp. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
- Trong năm 2012, tất cả các nguồn thu của nông dân đều bị đe dọa. Do giá nông sản thế giới thấp nên trong năm 2012, nông dân phải căng sức để tăng diện tích để bù vào thu nhập; ngay cả lúa, dù tăng lượng xuất khẩu nhưng giá thấp hơn 2011 nên thu nhập từ lúa của nông dân không phải là nguồn thu nhập chính.
|
Nông nghiệp tiếp tục có thặng dư xuất khẩu ròng, đạt trên 10 tỷ USD trong năm 2012 (nguồn: IPSARD). |
Thu nhập từ phi nông nghiệp như lao động tại các khu công nghiệp bị suy giảm do doanh nghiệp đình đốn, sa thải công nhân. Trong đó, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm 2/3, số lao động giảm 1/3. Như vậy, thu nhập từ phi nông nghiệp của nông dân không những giảm mà còn mất luôn công việc. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh, hạn hán làm tăng chi phí sản xuất, tăng mức độ thiệt hại và sẽ gây khó khăn cho nông dân.
Một số liệu thống kê rất đáng báo động là tốc độ giảm nghèo lần đầu tiên sau nhiều năm đang chững lại. Giai đoạn 2010 - 2011, nước ta giảm nghèo được gần 2%; nhưng năm 2011 – 2012 chỉ hơn 1%. Điều đó cho thấy đời sống nông dân (chiếm phần lớn số hộ nghèo) đang khó khăn. Từ đó, khả năng đầu tư vào mở rộng sản xuất, áp dụng KHCN, nâng cao năng suất và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nông dân sẽ rất khó khăn.
“Nhà nước cần hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp có liên kết trực tiếp với nông dân như hỗ trợ kỹ thuật, bảo quản nông sản, bao tiêu sản phẩm; có các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại về nông sản”.
Vậy theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào để hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, nghịch lý trên cho nông dân?
“Nhà nước cần hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp có liên kết trực tiếp với nông dân như xuất khẩu, bảo quản nông sản; có các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho nông dân và doanh nghiệp trong các vụ kiện về nông sản”.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
- Trước hết, về phía người nông dân, trong năm 2013 cần tập trung vào duy trì thị trường, khả năng cạnh tranh thông qua việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Hiện nay, nhiều nông sản của chúng ta có chất lượng thấp, tỷ lệ hàng bị trả về, bị tranh chấp thương mại cao cao. Đến nay đã có 49 vụ kiện chống bán phá giá và 3 vụ kiện chống trợ cấp. Trong hai năm gần đây 2011 và 2012 số vụ kiện chống bán phá giá là tương đối cao 6 vụ trong năm 2011 và 7 vụ trong 2012, và có xu thế tăng trong năm 2013.
Ngay ở thị trường trong nước, cũng cần nhanh chóng nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể bán được hàng với giá cao. Một hình ảnh dễ nhìn thấy nhất là nhiều người dân thành thị đã tự trồng rau ăn, không mua rau của nông dân. Trong khi đó, hiện nay đã xuất hiện những nước xuất khẩu rẻ mới nổi trong vùng như Cambodia, Myanmar, Lào... Nếu chúng ta vẫn đi theo con đường hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh. Thứ hai là nông dân cần kết nối được với doanh nghiệp để giảm rủi ro về tiêu thụ, bảo quản sản phẩm để tránh bị ép giá và suy giảm chất lượng sản phẩm.
Về chính sách của Nhà nước với nông dân, nông nghiệp trong năm 2013, trong khi sản lượng dư thừa và giá thấp như hiện nay thì Nhà nước cần có các giải pháp, những lối đi ngách để giảm chi phí sản xuất và thu được giá trị gia tăng cao hơn: Tăng cường các biện pháp để tăng giá trị sản phẩm như tổ chức sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn, kèm theo đó là hỗ trợ tín dụng cho việc nâng cấp hệ thống bảo quản, chế biến và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, triển khai các chương trình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sử dụng vật tư thấp, nâng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh nối kết với các thị trường nhập khẩu nông sản mới, nghiên cứu thông tin thị trường đầy đủ và hỗ trợ pháp lý cho các tranh chấp thương mại nông sản.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.