Số ca mắc tay chân miệng có thể vẫn bằng 2011
Trước nguy cơ bùng phát cả ba dịch tay chân miệng (TCM), cúm A (H5N1), sốt xuất huyết (SXH), TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: “Không có khả năng lây nhiễm chéo hoặc kết hợp thành các chủng mới độc lực mạnh, vì bệnh TCM, SHX hay cúm A có đường lây truyền khác nhau, tuy nhiên đều phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và thái độ của người dân đối với việc phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu không đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, khơi thông cống rãnh… thì cả 3 bệnh đấy đều có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát” – TS Hiển nhấn mạnh.
|
Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ tại một bệnh viện ở Đà Nẵng. |
Các virus bệnh TCM có thể tồn tại trong cơ thể người lớn, người lành trong một thời gian dài và lây sang trẻ em nên không chỉ kêu gọi trẻ em hay người chăm trẻ phải giữ gìn vệ sinh cá nhân mà tất cả người lớn đều cần có ý thức như vậy. “Mới đầu năm, các ca TCM đột biến cao gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2011, có tuần có từ 900-1.000 ca nhiễm mới. Vì thế, dự báo số ca mắc cũng phải gần như năm 2011, tuy nhiên ca tử vong giảm vì chúng ta đã đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh tốt hơn, cán bộ y tế được tập huấn kiến thức tốt hơn” - ông Hiển nhận định.
Bộ Y tế sẽ thành lập 12 đoàn kiểm tra dịch bệnh TCM tại một số điểm nóng.
PGS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế
Tuy nhiên, theo TS Hiển, việc thu thập tình hình dịch bệnh chưa kịp thời, thông tin cơ bản về người bệnh thiếu như không rõ thời gian khởi phát, mô bình lây nhiễm (tại nhà, cộng đồng hay trường học) và có nhiều trường hợp bệnh bị bỏ sót (chỉ ai đến BV thì cán bộ y tế mới biết). Hơn nữa, nhân lực cho y tế dự phòng vừa thiếu, vừa yếu. Nhiều cán bộ cơ sở chỉ biết “đếm đầu” ca nhiễm bệnh, ca chết mà chưa biết cách hỏi và ghi nhận về các đường lây truyền hay dự báo nguy cơ bùng phát…
Công bố dịch sẽ có nguồn lực tốt hơn
Năm 2011, dư luận bức xúc về việc Bộ Y tế khăng khăng không công bố dịch TCM, khiến cho nhiều tỉnh, thành phố mặc dù dịch bệnh đã lây lan nhanh nhưng vẫn lúng túng không dám công bố dịch. Nói về điều này, ông Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Điều kiện để công bố dịch là khi ca nhiễm mới tăng mạnh, khả năng lây truyền lớn, ca tử vong cao, nhưng theo quy định của Bộ Y tế thì quan trọng nhất lại là vấn đề “ngoài khả năng kiểm soát của địa phương”. Như vậy, với việc “nhường quyền” công bố dịch cho tỉnh, Bộ Y tế đã “chơi khó” vì ít tỉnh nào muốn nhận mình “yếu”.
Sau 20 tháng không ghi nhận trường hợp cúm A - H5N1, đầu năm 2012, cả nước ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A-H5N1. Tính từ đầu năm 2003, Việt Nam ghi nhận 121 trường hợp cúm A - H5N1 và có 61 trường hợp tử vong. TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết: Các xét nghiệm cho thấy 2 ca mắc và tử vong do cúm A - H5N1 có chủng cúm giống như ở gia cầm và giống như nhiều năm trước, chưa có biến đổi gì về độc lực.
Theo ông Mai, có lẽ cần phải thống nhất lại quy định về việc công bố dịch và phân cấp khi nào có dịch ngành y tế toàn quyền xử lý, còn đến mức độ nào thì “dịch phải công bố”, để địa phương có thể chủ động hơn, chứ cứ nâng lên đặt xuống để xem có đủ nguồn lực hay không thì rất khó. Khi dịch vượt quá mức trung bình ở một giai đoạn nhất định (vài ba năm) thì nên công bố dịch. “Công bố dịch là danh chính ngôn thuận cho vấn đề dập dịch, các ban ngành tích cực, ráo riết hơn” – ông Mai cho biết.
TS Hiển cũng cho rằng, việc công bố dịch kịp thời sẽ huy động nguồn lực về mọi mặt tốt hơn, đồng thời người dân cũng nâng cao tinh thần cảnh giác để chủ động phòng tránh và bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.