Dạo quanh một số chợ, hay những khu vực đông dân cư, dễ dàng bắt gặp những cửa hàng, đại lý bán nước đá. Đá ở đây rất phong phú, từ loại đá cây, đá viên, hay đá bào, được bán khá rẻ nên có rất nhiều gia đình chọn lựa để giải nhiệt cho mùa hè.
|
Chở đá đi tiêu thụ tại Hà Tĩnh. |
Tại một cơ sở bán đá ở chợ Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), các loại đá cây được xếp trên vỉa hè, bên dưới chỉ lót một lớp vải dứa rất mỏng. Phần vỉa hè đoạn xếp đá đã bị lên rêu xanh mốc, phía dưới nước cống đen ngòm vẫn chảy. Khi có khách mua hàng, người bán để cả cây đá xuống tấm vải dứa bên cạnh, lấy con dao đang nằm dưới đất chặt đá...
Điều đáng lưu ý là trên bao bì của túi nước đá được bán tại đây không hề ghi số hiệu của giấy đăng ký kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi cho loại đá này vào nước, nước có dấu hiệu bị vẩn đục, kết tủa, có mùi vị lạ. Những loại nước đá này có giá rất rẻ, chỉ 8.000 đồng/kg đá viên, 10.000 đồng/kg đá bào…
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trên toàn thành phố có vài trăm cơ sở sản xuất nước đá, nhưng chỉ có rất ít cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính con số trên đã phản ánh thực trạng vì sao nước đá “bẩn” vẫn tung hoành từ thành thị tới nông thôn.
Theo quy trình sản xuất nước đá tinh khiết thì nguồn nước sản xuất đá tinh khiết phải được lấy từ độ sâu 90m, được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét. Chu trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người.
Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn của đá tinh khiết thì chất lượng nước làm đá phải đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí, trong đó có 6 tiêu chí về vi sinh vật. Tuy nhiên, tất cả những quy định trên chủ yếu vẫn chỉ để “làm cảnh” đối với những cơ sở nước đá tư nhân tự phát.
Quỳnh Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.