Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong số các nhân vật Tam Quốc diễn nghĩa, người thuộc phe Thục Hán thường được đề cao quá sự thực, nhưng lại có trường hợp ngoại lệ là Ngụy Diên. Cho đến giờ, do ảnh hưởng từ ngòi bút của La Quán Trung, danh tướng Ngụy Diên bị coi là biểu tượng của sự phản chủ.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, việc Ngụy Diên phản chủ bị La Quán Trung đóng đinh ngay hồi 53 khi "Vân Trường lại đưa Nguỵ Diên vào ra mắt. Khổng Minh sai võ sĩ lôi ra chém. Huyền Đức giật mình hỏi: - Nguỵ Diên là người có công, không tội tình gì, sao quân sư lại giết đi? Khổng Minh nói: - Ăn lộc của chủ mà giết chủ, thế là người bất trung; ở đất ấy mà lại dâng đất ấy, thế là quân bất nghĩa. Vả lại, tôi xem sau gáy hắn có cái phản cốt, mai sau tất sinh lòng phản nghịch, cho nên chém trước để trừ vạ sau này".
Tiếp đó, hồi 104, La Quán Trung lại dùng kiểu thiên cơ để đóng đinh mưu phản nghịch của Ngụy Diên thế này:
"Ngụy Diên từ khi về ở riêng một trại, đêm mơ thấy trên đầu mọc ra hai sừng, tỉnh dậy nghi hoặc lắm. Hôm sau có quan hành quân tư mã Triệu Trực đến chơi. Diên mời vào hỏi rằng: - Lâu nay nghe ngài tinh hiểu dịch lý. Tôi đêm mơ thấy đầu mọc ra hai sừng, không biết lành dữ thế nào, ngài đoán giúp cho.
Triệu Trực nghĩ hồi lâu, mới đáp rằng: - Đây là điềm đại cát. Đầu kỳ lân có sừng, đầu rồng cũng có sừng, đó là điềm biến hóa bay nhảy đây".
Những chi tiết này rất ác vì La Quán Trung dùng thủ thuật tà bút mặc định Ngụy Diên là kẻ có tướng làm phản, nằm mơ cũng muốn làm phản. Trong thực tế, chính sử không chép việc Ngụy Diên có tướng phản cốt, còn về giấc mơ của Diên thì đó là giấc mơ đánh giặc đền ơn nước. Bộ sử Tam Quốc chí của Trần Thọ chép:
"Diên mộng thấy trên đầu mọc sừng, nhân thế mới hỏi quan chiêm bốc là Triệu Trực, Trực nói dối Diên rằng: “Giống kỳ lân trên đầu cũng có sừng mà đại dụng, ấy là điềm chẳng cần phải đánh mà giặc tự tan vậy”.
Theo Tam Quốc chí, Nguỵ Diên tự Văn Trường, người ở Nghĩa Dương; từng làm bộ tướng đã theo Lưu Bị vào Thục, lập nhiều chiến công, được thăng làm Nha môn tướng.
Điều đó có nghĩa là Ngụy Diên đi theo Lưu Bị từ ngày gian nan, lập được nhiều công lao để cùng Bị gây dựng thành đế nghiệp.
Sử chép: "Khi Tiên chủ xưng làm Hán Trung Vương, đóng dinh ở Thành Đô. Lúc bấy giờ cần một tướng giỏi trấn giữ Hán Xuyên, mọi người đều bàn luận cho rằng tất sẽ là Trương Phi, Phi cũng nghĩ như vậy. Tiên chủ lại đề bạt Diên làm Đô đốc Hán Trung, tước Trấn Viễn tướng quân, Hán Trung thái thú, mọi người đều kinh ngạc".
Tại sao lại vậy? Vì khi có Kinh Châu thì Lưu Bị đã giao cho người em kết nghĩa thân tín là Quan Vũ giữ trọng trách, thì khi có Hán Trung, ai cũng nghĩ rằng Trương Phi chắc suất. Rốt cuộc, Lưu Bị với con mắt tinh nhìn người của mình đã chọn Ngụy Diên. Thậm chí, cách Ngụy Diên đối đáp khi nhận trọng trách xem ra còn đáng tin tưởng hơn nhiều khi Quan Vũ nhận giữ Kinh Châu.
Sử chép: "Tiên chủ họp quần thần, hỏi Diên rằng: “Nay ủy thác cho khanh giữ trọng trách này, khanh cảm thấy thế nào?”. Diên đáp rằng: “Nếu Tào Tháo cử quân thiên hạ đến, thần sẽ vì đại vương mà kháng cự; nếu cử một viên thượng tướng dẫn 10 vạn quân đến, thần sẽ vì đại vương mà nuốt gọn”. Tiên chủ khen hay, mọi người đều cho rằng lời ấy là hùng tráng".
Khi Lưu Bị xưng đế hiệu, liền tiến cử Diên làm Trấn Bắc tướng quân. Năm Kiến Hưng nguyên niên, Diên được phong làm Đô đình hầu. Tức là dưới thời Lưu Bị thì Ngụy Diên được trọng dụng hết mức.
Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng cũng vẫn trọng dụng Ngụy Diên. Năm Kiến Hưng thứ 5, Gia Cát Lượng đóng quân ở Hán Trung, đổi Diên làm Đô đốc quân tiên phong, lĩnh chức Tư mã, Lương Châu thứ sử. Năm Kiến Hưng thứ 8, Diên đại phá Ung Châu của Thứ sử Quách Hoài, được bổ thêm chức Tiền quân sư, Chinh tây đại tướng quân, được thêm tước Nam Trịnh hầu.
Thời điểm đó, các danh tướng tại Thục như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung đã chết cả. Triệu Vân tuy còn nhưng trong lịch sử không được đánh giá cao. Gia Cát Lượng và Ngụy Diên chính là hai nhà cầm quân tài năng và kinh nghiệm nhất.
Vậy mà mùa thu 234, Lượng bị bệnh nặng, bí mật cùng Trưởng sử Dương Nghi, Tư mã Phí Vĩ, Hộ quân Khương Duy bàn rằng sau khi mình chết sẽ lui quân, sai Nguỵ Diên đoạn hậu, tiếp nữa là Khương Duy, nhược bằng Diên không vâng mệnh, cứ tự dẫn quân rút về.
Có thể thấy việc Lượng cùng với tâm phúc bí mật họp mà không cho Diên biết thì dàn lãnh đạo quân Thục khi đó đã có những rạn nứt lớn. Tuy nhiên, dù là rạn nứt thì quyết sách nên để cho Ngụy Diên biết thì sẽ không có những nảy sinh sau khi Lượng mất.
Lúc Lượng mới mất, các tướng bí mật không phát tang, Nghi lệnh cho Phí Vĩ tới thăm dò ý tứ Diên. Diên nói: “Thừa tướng tuy mất đi, nhưng ta vẫn còn đây. Vậy chỉ nên phái phủ quan lo việc tang lễ đưa thi thể thừa tướng về chôn cất, ta sẽ thống suất ba quân đánh giặc, hà cớ gì vì một người chết đi mà phải phế bỏ việc lớn thiên hạ nhỉ? Vả lại Diên ta là người thế nào, sao có thể chịu sự chỉ huy của Dương Nghi, để nhận việc đi đoạn hậu như vậy sao”.
Những điều Diên nói không hề vô lý vì Bắc phạt vốn là sự nghiệp lớn của nhà Thục Hán khi đó do chính Lưu Thiện phê chuẩn nên trừ khi có chiếu của Lưu Thiện thì mới được phép rút quân về.
Việc Ngụy Diên không chịu nghe lệnh của Dương Nghi cũng đúng vì từ năm 230, Ngụy Diên đã được phong chức Tiền quân sư, Chinh tây đại tướng quân, tước Nam Trịnh hầu, vai vế trong quân đội chỉ dưới Gia Cát Lượng, thì việc gì phải làm phản khi Lượng đã mất và không ai đủ danh vọng thay Diên. Trong khi đó, Dương Nghi chỉ là Trưởng sử trong phủ thừa tướng, tức chức vị ngang một vị chánh văn phòng mà thôi.
Dương Nghi chỉ có nhiệm vụ soạn và thông báo các chỉ thị từ Gia Cát Lượng mà việc rút quân về, rút về như thế nào có vẻ vượt quá thẩm quyền của Nghi. Cần nhớ ngày xưa, việc rút đại quân về phải có thông báo cho kinh đô để phòng các tướng làm phản chứ không thể muốn rút là rút.
Trong vụ việc này, Ngụy lược là sách sử của nước Ngụy chép rất khách quan: "Gia Cát Lượng bị bệnh, bảo bọn Diên rằng: “Sau khi ta chết, phải hết sức thận trọng, chớ có như thế nữa”. Lại sai Diên thay mình điều hành mọi việc, bí mật làm lễ tang và lui về. Diên nhân thế bèn giấu việc ấy, lui binh về đến Bao Khẩu mới phát tang. Trưởng sử Dương Nghi với Diên vốn bất hòa, thấy Diên nắm quyền quân sự, sợ bị hại, bèn nói phao lên rằng Diên muốn dẫn quân theo về phương Bắc, nhân đó dẫn quân đánh Diên. Diên vốn không có bụng dạ ấy, không đánh mà dẫn quân bỏ chạy, bị quân Nghi đuổi theo giết chết".
Vụ Ngụy Diên bị vu cho tiếng phản có vẻ do Dương Nghi tiến hành vì Diên và Nghi không ưa nhau từ trước. Khi đảm đương công việc, Dương Nghi có mâu thuẫn với Ngụy Diên. Gia Cát Lượng vừa mến tài Dương Nghi vừa tiếc Ngụy Diên dũng cảm nên thường tiếc về sự bất hòa đó và cố dàn hòa giữa hai người.
Hai người xung khắc tới mức cứ ngồi với nhau là cãi nhau. Có lần Ngụy Diên tức giận rút kiếm ra chĩa vào Dương Nghi làm Nghi khóc ầm lên. Phí Vĩ phải đứng ra hòa giải. Tình trạng bất hòa giữa hai người lớn tới mức bên Đông Ngô cũng biết chuyện. Khi Phí Vĩ làm sứ giả sang Ngô, Tôn Quyền từng nói với Vĩ về hai người và tiên liệu rằng khi Gia Cát Lượng mất thì cả hai sẽ cùng làm loạn.
Có lẽ Nghi sợ rằng sau khi Lượng chết mà Diên lên thay thì Nghi khó có đất sống nên phải ra tay trước. Nghi còn hận Diên đến mức sau khi Mã Đại chém Diên đem thủ cấp dâng cho Nghi, Nghi đạp chân lên đầu Diên mắng: “Đồ nô tài, ngươi còn làm ác được nữa chăng?”, lại muốn giết cả ba họ nhà Diên.
Ngụy Diên là một danh tướng lập nhiều chiến công được Lưu Bị coi là đại tướng giởi hơn hẳn Trương Phi, Triệu Vân. Cuối cùng Diên lại có cái kết thảm không chỉ cho bản thân mà ba họ bị tru di. Người đời cho rằng nếu Ngụy Diên chịu luồn cúi một chút với người phủ thừa tướng thì có thể số phận ông đã khác, hình ảnh của ông với hậu thế cũng khác. Tuy nhiên Ngụy Diên không chấp nhận điều đó, trong suốt cuộc đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.