Ông Nguyễn Thiện Nhân ứng cử quốc hội, các cựu đại biểu nói gì?
Nguyên Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, các cựu đại biểu đánh giá thế nào?
PVCT
Chủ nhật, ngày 04/04/2021 07:05 AM (GMT+7)
Sau 4 khóa liên tục làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, XIII và XIV, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục được tổ chức và cử tri tín nhiệm giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.
Vào chiều 3/4, UBND phường 15, quận 10 kết hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri khu phố 6 đối với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM.
Tại hội nghị, 100% cử tri có mặt đã đồng ý tín nhiệm ông Nguyễn Thiện Nhân ứng cử ĐBQH khóa XV.
Nhìn nhận về trường hợp của ông Nguyễn Thiện Nhân, các chuyên gia chính trị cho biết, đây là một trường hợp rất hiếm sau khi thôi Ủy viên Bộ Chính trị, thôi Bí thư Thành ủy TP.HCM vẫn ra ứng cử ĐBQH để tiếp tục có những cống hiến.
Việc ông Nguyễn Thiện Nhân ra ứng cử ĐBQH có thể nhìn nhận từ 3 khía cạnh, thứ nhất ông vẫn còn muốn tiếp tục cống hiến trên vai trò của đại biểu dân cử sau khi thôi công tác lãnh đạo; thứ hai ông được tổ chức tín nhiệm; thứ ba, ông là diện cán bộ do Bộ Chính trị quản lý nên việc ứng cử ĐBQH phải báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị như ông Nguyễn Thiện Nhân ra ứng cử ĐBQH là việc bình thường.
Ông Trường cho biết, trước đó đã có trường hợp từng làm công tác lãnh đạo, quản lý giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng sau khi nghỉ quản lý họ tham gia một tổ chức nào đó để tiếp tục làm việc và được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Ví dụ như trường hợp ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi nghỉ công tác quản lý, ông tham gia Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ và được giới thiệu ứng cử và trúng cử ĐBQH; trường hợp nữa là ông Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, sau khi nghỉ công tác quản lý ông tham gia Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và được giới thiệu ứng cử và trúng cử ĐBQH theo suất cơ cấu của cơ quan này.
"Ông Nguyễn Thiện Nhân còn sức khỏe, còn muốn cống hiến lại được tổ chức nơi đang công tác đồng ý nên việc ra ứng cử ĐBQH là hết sức bình thường. Đây cũng là điều tốt để tận dụng kinh nghiệm, trí tuệ của người từng làm công tác lãnh đạo, quản lý.
Ông Nhân là một nhà khoa học có học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ, bản thân đã là ĐBQH nhiều khóa liên tục nên sẽ có nhiều kinh nghiệm. Khi ông thôi công tác lãnh đạo cấp ủy Đảng TP.HCM, là một nhà hoạt động khoa học, hoạt động xã hội thì khi nhìn nhận về một vấn đề gì đó càng có quan điểm, cách nhìn khách quan, không bị ảnh hưởng vì điều gì thì ý kiến lúc đó lại càng có giá trị", ông Lê Việt Trường nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII cho biết, từng làm công tác quản lý, trong đó có nhiệm kỳ làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi tham gia vào Quốc hội, điều đó giúp ông rất nhiều trong hoạt động nghị trường.
"Từ công tác lãnh đạo, quản lý nên tôi nắm chắc đường lối, nắm chắc pháp luật, có kiểm nghiệm qua thực tế, có việc thành công, có việc thất bại, rồi rút ra được kinh nghiệm. Kinh nghiệm quý báu đó đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi làm công tác đại biểu dân cử", ông Cao Sỹ Kiêm cho biết.
Theo ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa, chủ trương của chúng ta trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là tiếp tục tăng ĐBQH chuyên trách, bên cạnh đó là tăng ĐBQH là các nhà khoa học, chuyên gia. Ông Nguyễn Thiện Nhân là nhà khoa học, lại có kinh nghiệm qua công tác lãnh đạo, điều hành và nhiều nhiệm kỳ ở nghị trường nên việc tiếp tục tham gia ứng cử ĐBQH là điều rất tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.