Bản có gần 80 hộ dân, đều là dân tộc Mông- một trong những dân tộc từng giữ kỷ lục về số lượng con sinh ra từ một cặp vợ chồng trong số các dân tộc vùng Tây Bắc. Nhưng bây giờ những suy nghĩ mới của thế hệ trẻ như Làng đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu, Sơn La tham gia truyền thông về dân số-kế hoạch hoá gia đình
Trong nắng chiều nhàn nhạt bao phủ Cột Mốc, những cơn gió lạnh đầu đông thỉnh thoảng ùa về làm câu chuyện quá khứ đói nghèo do ông Thào A Lềnh, bố của Làng kể lại nghe thật bi thương. Ông Lềnh bảo: Ngày trước cái bản này chỉ có mấy chục hộ di dân từ nhiều nơi đến. Chuyện đẻ nhiều con của các hộ gia đình trong bản ngày ấy như một bản năng sinh tồn, duy trì nòi giống và lực lượng sản xuất chứ không hề nghĩ gì tới tương lai sau này. Nhà ít cũng 5-6 đứa con, nhà đẻ nhiều thì tới hơn chục lần sinh nở. Có những bà mẹ suốt đời ốm đau, bệnh tật hoặc chết trẻ chỉ bởi sinh nở quá nhiều lần, sinh con quá sớm mà đồ ăn thức uống lại chẳng có gì ngoài mèn mén (bột ngô xay) và rau rừng, nước suối....
"Không chỉ phụ nữ vất vả đâu, đàn ông chúng tôi cũng khổ lắm. Tôi cứ quần quật đi nương trồng lúa, ngô; lên rừng kiếm rau, măng để lo miếng ăn cho cả chục nhân khẩu trong ngôi nhà tạm nhưng vẫn bị đói ăn. Vợ tôi đằng trước địu con, sau lưng địu con, vẫn phải đi nương, đi suối. Bọn trẻ thì đói khát, giành nhau ăn suốt ngày. Đói ăn thì chẳng ai nghĩ đến học hành bởi ai cũng nghĩ: Không biết chữ có chết đói đâu"- ông Lềnh dừng câu chuyện, mắt trầm tư nhìn ánh lửa bập bùng. Làng- con trai ông Lềnh vội chen vào câu chuyện, giọng trách móc: “Thế mà bây giờ người già vẫn không can ngăn bọn trẻ, cứ để chúng lấy vợ, lấy chồng sớm, khổ lắm. May mà cán bộ nhà nước, bộ đội biên phòng còn tuyên truyền, vận động lớp trẻ hiểu ra chứ không thì đời chúng con lại giống như đời bố, mẹ...”.
"Không chỉ lo làm ăn, dân bản còn biết lo cho con cái học hành, lo làm nhà đẹp... Những tiến bộ ấy là nhờ có những tiến bộ trong công tác dân số-kế hoạch hoá ở bản”. Trưởng bản Thào A Khua
|
Trách là trách vậy nhưng quay sang chúng tôi, Làng bảo: “Chúng em cũng được cán bộ dân số xã, bản và bộ đội biên phòng tuyên truyền nhiều rồi, lại được học chữ nên hiểu biết cũng cao hơn. Chuyện lấy vợ, lấy chồng sớm thì ở bản vẫn còn nhưng bây giờ không còn cặp vợ chồng trẻ nào sinh nhiều con nữa. Nhà em tuy sinh con sớm khi mới 19 tuổi nhưng cũng chỉ sinh 2 đứa thôi. Nhà Thào A Dênh - Hờ Thị Công (cùng sinh năm 1990) lấy nhau đã được mấy năm cũng chỉ sinh 2 con là dừng lại, không đẻ nữa”.
Trưởng bản Cột Mốc- anh Thào A Khua, gật đầu xác nhận: Đúng là trước đây các cặp vợ chồng sinh con vô tội vạ. Vì thế nên bây giờ bản có 77 hộ thì có tới gần 450 nhân khẩu. Cũng may lớp trẻ bây giờ chịu khó tiếp thu, thay đổi nhận thức nên chỉ sinh ít con và khoảng cách giữa 2 lần sinh thưa hơn nên cuộc sống thay đổi hẳn. Không chỉ lo làm ăn, dân bản bây giờ còn biết đua nhau lo cho con cái học hành, lo làm nhà đẹp, mua xe máy, quần áo tốt, có lương thực, tiền của để dành... Những tiến bộ ấy cũng là nhờ có những tiến bộ trong công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình ở bản vùng cao này.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.