Nhà máy đóng cửa hàng loạt, ngành điều lại kêu cứu

Anh Thơ Thứ ba, ngày 17/07/2018 18:30 PM (GMT+7)
Chưa bao giờ ngành chế biến và xuất khẩu điều lại rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay, khi nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt trầm trọng, trong khi hàng vẫn chất đống ngoài cảng không thể thông quan do… thiếu tiền. Cực chẳng đã, nhiều doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm thời đóng cửa. Lời kêu cứu Chính phủ hỗ trợ gói tín dụng 800 triệu USD để cứu ngành điều cũng đã được phát đi.
Bình luận 0

Căn bệnh cố hữu

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), tháng 6.2018, xuất khẩu điều nhân ước đạt 33.000 tấn, trị giá 300 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 6 tháng đầu năm ước đạt 176.000 tấn, trị giá 1,41 tỷ USD, tăng 17% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017.  Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam.

img

Ngành điều cần tái cơ cấu sản xuất để giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: T.L

"Cần đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất giữa DN chế biến và người trồng điều theo chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thay vì chỉ gia công và bán đổ bán tháo để xoay vòng vốn”.

Ông Nguyễn Đức Thanh

Dù xuất khẩu điều nhân tăng cả về lượng và giá trị, nhưng tính ra DN thu lợi nhuận không được bao nhiêu do phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thống kê cho thấy, nhập khẩu điều thô tháng 6.2018 của Việt Nam ước đạt 151.540 tấn, tương đương 304,4 triệu USD. Lũy kế nhập khẩu điều thô 6 tháng đầu năm 2018 lên mức 1,14 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) thừa nhận, hiện 80% nguyên liệu phục vụ chế biến ngành điều phụ thuộc vào nhập khẩu, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Đây được coi là “căn bệnh cố hữu” của ngành điều khi tình trạng “khát” nguyên liệu năm nào cũng xảy ra, trong khi diện tích điều cả nước đang có xu hướng giảm do dịch bệnh và giá cả thu mua bấp bênh.

Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, diện tích điều cả nước giảm liên tục trong 8 năm (2007 - 2015), từ gần 440.000ha xuống còn 290.000ha. Năm 2017, diện tích điều có xu hướng phục hồi, đạt 297.498ha nhưng so với nhu cầu chế biến của các nhà máy thì chỉ như “muối bỏ bể”. Niên vụ 2017 – 2018, sản lượng điều nguyên liệu dự kiến chỉ đạt 300.000 tấn, không được như con số kỳ vọng ban đầu là 400.000 – 500.000 tấn.

Gói tín dụng 800 triệu USD có phải là lối ra?

Theo VINACAS, những tháng đầu năm 2018, do giá nguyên liệu điều nhập khẩu ở mức cao, giá điều nhân lại giảm nhanh khiến hàng loạt DN phải bỏ tiền cọc để hủy hợp đồng nhập khẩu hoặc đàm phán lại về giá.

Ông Thanh cho biết, hiện có khoảng 500.000 tấn điều thô đang nằm tại cảng hoặc đang trên đường đến Việt Nam nhưng không được vận chuyển về, đẩy 30% DN ngành điều lâm cảnh lao đao. “Nếu như những năm trước tình trạng buộc phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng chỉ xuất hiện ở một vài đơn vị nhỏ lẻ thì năm nay lại xảy ra đồng loạt như một phản ứng dây chuyền”- ông Thanh nói.

Đơn cử như tại Long An, chỉ còn 12 trong tổng số hơn 30 nhà máy trên địa bàn còn hoạt động. Ở “thủ phủ” điều Bình Phước, có đến 80% DN phải tạm ngừng sản xuất.

Ông Thanh cho biết thêm, khi giá nguyên liệu trên thị trường thế giới xuống thấp, các DN đã đàm phán lại giá mua nguyên liệu và giảm được từ 150 – 300 USD/tấn, khiến việc sản xuất “dễ thở” hơn. Nhưng việc thiếu vốn trầm trọng trong khi ngân hàng không chịu “mở hầu bao” do lo ngại rủi ro một lần nữa bóp nghẹt các DN ngành điều.

Đây chính là lý do khiến VINACAS có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng 800 triệu USD để cứu các DN ngành điều.

Đã nhiều năm qua ngành điều vẫn chưa giải được bài toán “khát” nguyên liệu, dù tiềm năng sản xuất trong nước là vô cùng dồi dào. Nguyên nhân là do các DN chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Theo thống kê, toàn ngành có khoảng 450 DN chế biến, xuất khẩu điều và hơn 1.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Vào mỗi mùa cao điểm chế biến, tình trạng tranh mua nguyên liệu lại diễn ra, việc tự hạ giá bán sản phẩm cũng khiến giá trị hạt điều giảm đáng kể.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, gói tín dụng 800 triệu USD cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết những khó khăn trước mắt của ngành, điều cần làm hiện nay là phải tái cơ cấu ngành điều, xây dựng những mô hình liên kết sản xuất khép kín để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem