Nhà nông hùn vốn xây nhà kiên cố

TRỌNG BÌNH Thứ ba, ngày 26/05/2015 08:53 AM (GMT+7)
Mô hình “Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố” sau hơn 10 năm được Hội Nông dân (ND) Đồng Tháp triển khai nhân rộng đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hội viên ND xây được căn nhà vững chãi, khang trang. 
Bình luận 0

“Bà đỡ” của nhà nông

Mô hình “Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố” ở Đồng Tháp xuất phát từ nhu cầu thiết thực của ND. Được thai nghén từ các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau của ND ở cơ sở, Hội ND với vai trò “bà đỡ” đã hỗ trợ nhiều mặt để mô hình này ra đời.

img
Nhà từ Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố của hộ ông Đinh Văn Bảy, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh.   Ảnh: TRỌNG BÌNH

“Mô hình này đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của người dân ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng và huyện Lấp Vò, với hình thức đóng góp tương trợ nhau sửa chữa nhà xiêu vẹo, xuống cấp sau mùa lũ. Dần dà, mô hình này trở thành những tổ, nhóm hùn tiền, xoay vòng sửa chữa nhà cho nhau. Đến năm 2005, Hội ND nhiều huyện trong tỉnh đã xây dựng thành phong trào với “phiên bản” được nâng cấp khá hoàn thiện, có tên gọi là “Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố” – ông Lê Văn Nghề - Chủ tịch Hội ND huyện Tháp Mười nhớ lại.

 

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết thêm: “Với vai trò “bà đỡ”, Hội ND xã đã phát triển được 2 tổ hùn vốn xây nhà kiên cố với 22 thành viên tham gia. Hình thức tham gia là mỗi hộ ND mỗi vụ lúa góp 100 bao xi măng để luân phiên nhau xây nhà kiên cố. 2 tổ này hiện đã xây được 24 căn nhà”.

An cư, lạc nghiệp

Quan điểm

Ông Phan Văn Bốn - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Tháp
 Với mô hình Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố, ND toàn tỉnh đã hỗ trợ nhau xây dựng được hơn 1.620 căn nhà kiên cố. Cách làm này đã góp phần rất lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để xây dựng NTM.
 
Nhiều ND ở huyện Tháp Mười ví von: Tham gia Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố giống như chơi hụi vậy, nhưng “hụi” này bảo đảm không bị giật mà chắc chắn có được căn nhà để an cư lạc nghiệp. Ông Trần Huỳnh Tân vừa xây được nhà kiên cố, khang trang ở ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh phấn khởi cho biết: “Hồi trước, ND ở đây mỗi người chọn một hình thức tích cóp để xây nhà. Có người thì chơi hụi (để khi hốt hụi thì xây nhà), có người thì mỗi vụ lúa mua một vài bao xi măng, vài cây cột… để dành. Bây giờ có Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố rồi, những phần tích cóp lẻ tẻ đó thay vì bỏ nằm không, có khi phơi nắng, phơi mưa thì gom lại thành căn nhà. Nay anh Năm có trước, mai tới lượt anh Bảy, anh Mười… không lãng phí, mà cũng không hồi hộp, phập phồng như chơi hụi”.

 

“Để đảm bảo về vấn đề pháp lý, giúp cho tổ hoạt động công tâm, hiệu quả Hội ND đã đề xuất chính quyền cơ sở (cấp xã) phải ra quyết định công nhận Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố. Việc công nhận này là để đảm bảo tư cách pháp nhân, trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi cho ND tham gia góp vốn” – ông Lê Văn Nghề nêu ý kiến.

Việc tham gia Tổ hùn vốn xây nhà kiên cố là hoàn toàn tự nguyện, nhưng khi đã tham gia thì được bảo đảm quyền lợi nên ND rất hăng hái. Mức đóng góp cũng linh hoạt, tùy theo khả năng kinh tế của thành viên trong tổ. Có nơi mỗi thành viên đóng góp 100 bao xi măng/vụ lúa; có nơi chỉ 50 bao xi măng/vụ lúa. “Quy ra xi măng là vì giá xi măng tương đối ổn định và nó là vật liệu cơ bản, tương đối chuẩn để hạch toán chi phí căn nhà. Từ xi măng, quy trở lại thành tiền góp vốn” – ông Hồ Văn Mười giải thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem