Nhà nông mê đắm nhạc Trịnh

Thứ ba, ngày 29/03/2011 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những giai điệu và lời ca thấm đẫm tính triết lý của cố nhạc sĩ họ Trịnh không chỉ làm mê đắm tâm hồn các tầng lớp trí thức, công nhân, học sinh - sinh viên... mà còn quyến rũ cả những người nông dân chân lấm tay bùn.
Bình luận 0

Gia đình nghèo khó nhưng ông Nguyễn Định ở thôn 3, xã Xuân Lộc (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lại nổi tiếng nhờ mê nhạc Trịnh. Ngôi nhà của gia đình ông còn thiếu nhiều thứ nhưng những băng đĩa ca khúc của Trịnh Công Sơn thì được ông sưu tầm rất nhiều...

img
Nông dân xã Phú Thuận thường hát nhạc Trịnh trong những ngày cưới.

Khi chân đất mê Trịnh

Nghiền nghe nhạc Trịnh và chịu khó tìm hiểu nên ông Định khá am hiểu và thuộc rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ. "Tui mê những giai điệu buồn mà không bi lụy và giàu chất triết lý trong những ca khúc của Trịnh. Nghe nhạc Trịnh giúp tôi cân bằng được cuộc sống và giải tỏa được những mệt nhọc sau những giờ tần tảo ruộng vườn" - ông Định tâm sự.

Ông Nguyễn Hoa ở thôn 5, xã Xuân Lộc cũng là người coi nhạc Trịnh là món ăn tinh thần quen thuộc hàng ngày. Không chỉ mê thưởng thức, ông Hoa còn mê hát nhạc Trịnh và hát khá hay. Vì vậy, những lần đi dự tiệc cưới hỏi hay liên hoan ở làng xã, ông thường được bà con yêu cầu hát nhạc Trịnh.

Niềm đam mê nhạc Trịnh của ông Hoa đã "lây" sang vợ con từ bao giờ không hay. Ông kể: "Trước đây vợ con tui không thích nhạc Trịnh vì cho rằng nhạc này nghe sầu thảm. Nhưng do tui mê Trịnh quá và nghe Trịnh nhiều, vợ con nghe theo rồi dần hiểu được ý nghĩa của những ca khúc nên mê theo".

img
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nông dân mê nhạc Trịnh như ông Định và ông Hoa ở Xuân Lộc còn có rất nhiều người, nhất là những người ở độ tuổi trung niên. Vì vậy mà mỗi năm, cứ đến ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiều nông dân ở xã lại ngược lên xã Hương Giang của huyện Nam Đông để cùng với bà con ở huyện miền núi này tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ rồi cùng đàm đạo và hát nhạc Trịnh.

Nghe Trịnh để biết yêu thương

Các xã vùng biển như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên của huyện Phú Vang cũng là những địa phương có đông đảo người dân mê và am hiểu về nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh không chỉ rất thịnh hành trong các đám cưới, đám hỏi, mà trong những lần tụ họp sau những chuyến đi biển dài ngày, ngư dân nơi đây thường say sưa hát nhạc Trịnh cho nhau nghe…

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không/Để gió cuốn đi" - ông Nguyễn Tiến ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận dùng lời một bài hát của Trịnh Công Sơn để trả lời câu hỏi tại sao ông mê nhạc Trịnh.

img Tình cảm mến mộ của người nông dân giành cho nhạc Trịnh đã có từ lâu. Nhạc Trịnh rất triết lý nhưng nó dung dị và gần gũi từ giai điệu đến lời ca, nên nó quyến rũ tất cả mọi tầng lớp, trong đó có những người nông dân chân lấm tay bùn. img

Ông bảo, phải mất một thời gian dài nghe và suy ngẫm về những bài hát của Trịnh, ông mới hiểu rằng, đằng sau những giai điệu trầm buồn là tấm lòng của nhạc sĩ đối với cuộc đời, với con người.

Ông Tiến tâm sự: "Tấm lòng của nhạc sĩ đầy cao thượng, luôn sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với con người. Nghe những nhạc phẩm của ông giúp chúng ta cởi mở tấm lòng với người, với đời".

Những ngày này, đi trên nhiều con đường quê của Phú Vang, nghe nhiều người nông dân chia sẻ sự ngưỡng mộ và yêu quý tác giả của "Đoá hoa vô thường", càng thấy ngạc nhiên khi những giai điệu, ca từ của ông lại thấm sâu vào đời sống đến thế.

Trong số những tuyển tập ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông Ngô Mai ở cùng thôn ông Nguyễn Tiến, thích nhất là tuyển tập "Ca khúc da vàng". "Đây là tuyển tập mà Trịnh Công Sơn đã nói nhiều về đất nước, dân tộc và giống nòi một cách ý nghĩa và tinh tế" - ông Mai nhận xét: "Trong đó, đáng chú ý nhất là ca khúc "Người con gái Việt Nam", "Đi tìm quê hương", "Gia tài của mẹ", "Huế Sài Gòn Hà Nội"… Nghe những bài hát này, chúng ta càng thêm yêu và tự hào về đất nước, quê hương, dân tộc…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem