Đất vườn cây “treo” theo dự án
Hơn 1ha đất trồng cam của gia đình ông Nguyễn Văn Hồng (ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã bị bỏ hoang kể từ khi có thông tin sẽ lấy đất để phục vụ dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Sông Hậu.
Ông Hồng cho biết: “Chúng tôi được thông báo sẽ lấy đất làm dự án, và kê khai diện tích đất, số lượng cam để nhận bồi thường nhưng đợi hoài mà không thấy ai nói đến dự án nữa. Vì nghe có thông tin dự án nên tôi không dám đầu tư chăm sóc vườn cam, cây chết dần. Kinh tế gia đình khó khăn, 2 con lớn của tôi học chưa hết lớp 10 đã phải nghỉ đi làm công nhân”.
Cùng ở ấp Phú Xuân, ông Huỳnh Văn Nhiễu buồn rầu nói: “Năm 2010, chính quyền địa phương nói khu đất nhà tôi năm trong quy hoạch làm dự án nên tiến hành đo đạc, thống kê tài sản căn nhà và 6 công đất trồng cam để bồi thường. Nhưng đến nay tôi vẫn không thấy ai đến bồi thường gì cả. Căn nhà tôi đã xuống cấp trầm trọng, những ngày mưa đến thì bị dột và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào nhưng vẫn chưa được phép sửa chữa”.
Trong cùng ấp Phú Xuân còn có hàng chục hộ dân đã và đang chịu ảnh hưởng bởi việc quy hoạch xây dựng Trung tâm Điện lực Sông Hậu. Trung tâm này đã được khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng từ tháng 7.2010 trên diện tích hàng trăm ha nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang.
Còn ở TP.Cần Thơ, hiện nay, Khu công nghiệp BMC-Hưng Phú 2A (khu vực Thuận Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) có khoảng 50% trong tổng diện tích 134ha đất đang nằm trong tình trạng quy hoạch “treo”, khiến cho người dân bức xúc. Cùng tình trạng trên là các Khu công nghiệp Hưng Phú 2B, Hưng Phú 1, Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thốt Nốt...
Tránh lãng phí đất nông nghiệp
Ông Phạm Hoàng Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, xót xa: “Khi bắt đầu triển khai dự án, người dân địa phương rất đồng tình, mong muốn sẽ vào công ty để làm công nhân, có thu nhập cao hơn làm vườn. Tuy nhiên, dự án triển khai chậm thế này đã làm cho nhiều người dân thất vọng, nhiều người đã bỏ quê lên Bình Dương làm thuê.
Nhiều người dân có đất nằm trong dự án, dù đã được bồi hoàn hay chưa bồi hoàn đều không làm ăn gì được”. Thời gian qua, nhiều khu - cụm công nghiệp được xây dựng ven sông Tiền, sông Hậu – nơi chiếm phần lớn diện tích đất tốt cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, có thể khẳng định thêm, việc các diện tích chưa được triển khai dự án hoặc chưa lấp đầy ở các khu - cụm công nghiệp trong thời gian dài là lãng phí rất lớn.
Theo thống kê, vùng ĐBSCL hiện có đến 74 khu công nghiệp và 214 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000ha. Trong số đó có khoảng 80% diện tích quy hoạch vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Ông Huỳnh Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.Cần Thơ cho hay: Ban quản lý sẽ trình với lãnh đạo thành phố và bàn với các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp. Đồng thời, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp tham gia xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Cần Thơ.
Về vấn đề lấy đất lúa làm dự án, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Việc quy hoạch, phát triển khu, cụm công nghiệp chưa gắn với sự phát triển kinh tế xã hội từng địa phương và kết nối toàn vùng. Việc lựa chọn vùng đất cho khu, cụm công nghiệp phải sao cho phù hợp, hạn chế tối đa lấy đất sản xuất nông nghiệp tốt”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.