Chỉ thu hồi được 5.000/17.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng

Thắng Quang Thứ tư, ngày 29/10/2014 15:14 PM (GMT+7)
Ngày 28.10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp Đại sứ quán Vương quốc Anh và Đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo trước Đối thoại phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 với chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng”. 
Bình luận 0

Ông Trần Đức Lượng – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Có thể nói, khuôn khổ pháp luật về phòng ngừa tham nhũng của Việt Nam tương đối toàn diện, tuy nhiên hiệu quả của các giải pháp này khi triển khai trong thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế. Về thu hồi tài sản tham nhũng, Luật PCTN quy định nguyên tắc “mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh” và “tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đang là một thách thức”. Theo báo cáo công tác PCTN năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, đã thu hồi 46,9 tỷ đồng; lực lượng CSĐT các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 1.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22,3%.

Còn theo thống kê của Viện KSND Tối cao, từ 1.10.2010 đến 30.4.2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra là trên 17.000 tỷ đồng nhưng tổng giá trị tài sản thu hồi được chỉ gần 5.000 tỷ đồng.

Ông Trương Minh Mạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Viện KSND Tối cao) cho hay: Một trong hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam là số vụ án bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm thực tế. Do đó, việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế, hoặc có xác định được số tài sản, tiền đã bị tham ô, chiếm đoạt nhưng không thu giữ được.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là tội phạm tham nhũng, tham ô tài sản, nhận hối lộ vốn đều khó phát hiện, khó điều tra làm rõ. Đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức pháp luật nên thường có thủ đoạn đối phó, bao che, che giấu hành vi phạm tội cũng như tài sản tham nhũng.

Theo báo cáo, từ năm 2007-2011 chỉ có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng. Năm 2013 có 364 cán bộ, công chức, chiến sĩ công an không nhận quà tặng, nộp và trả lại quà trị giá 178 triệu đồng. Năm 2014 có 32 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 791 triệu đồng. Bộ Tài chính cũng ghi nhận có 12 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 118 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem