Mong những bước tiến mạnh mẽ

NTNN Thứ sáu, ngày 20/06/2014 07:02 AM (GMT+7)
Suốt 2 tuần vừa qua, Báo NTNN đã khởi đăng “Diễn đàn Tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí” – nhằm góp một tiếng nói nhỏ bé của mình trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí mà toàn xã hội đang nỗ lực tiến hành.
Bình luận 0

Trong suốt thời gian đăng tải diễn đàn, Báo NTNN đã chuyển tải tới bạn đọc cái nhìn khá toàn diện về cuộc chiến PCTN và lãng phí cùng những khó khăn, thách thức mà Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải đối mặt với thứ giặc nguy hiểm này: Đó là sự hạn chế trong phát hiện tham nhũng tại cơ sở, là tình trạng người phát hiện, tố cáo tham nhũng lo sợ bị trả thù; là tình trạng tham nhũng vặt vẫn tràn lan như một thứ ung nhọt, chấy rận trên cơ thể con người; là sự hình thức, thiếu trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ quan chức; sự lãng phí ghê gớm của cải xã hội khi những quyết định, chủ trương, quy hoạch sai lầm…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý hết sức tâm huyết của các độc giả của Báo NTNN, từ những người nông dân vùng thôn quê cho tới những cán bộ về hưu ở thành phố, từ những chuyên gia luật pháp, các cán bộ lãnh đạo đã nghỉ hưu cho tới những vị đại biểu Quốc hội… Một cảm nhận chung rõ nét nhất là tất cả các ý kiến đều tỏ rõ sự nhiệt huyết và niềm tin vào cuộc đấu tranh PCTN do Đảng, Nhà nước khởi xướng và tiến hành.

Trong cuộc chiến đầy cam go với giặc nội xâm, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định khi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt kể từ lúc Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN được thành lập với người chỉ huy trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, nhưng cũng không thể phủ nhận công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn như Tổng Bí thư nhận định trong Hội nghị toàn quốc về PCTN (tổ chức tại Hà Nội ngày 5.5): “Tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay”…

Vẫn biết, tham nhũng, lãng phí là một căn bệnh kinh niên, cố hữu của bất kỳ một xã hội nào, đặc biệt là với những quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa, PCTN, lãng phí không phải là chuyện bất khả thi một khi chúng ta đã có được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, có sự quyết tâm từ người đứng đầu cho tới mỗi người trong xã hội. Có thể nói, cuộc chiến này sẽ thất bại nếu như không có sự đấu tranh quyết liệt từ mỗi cá nhân với chính lòng tham, sự ích kỷ của bản thân. Đó chính là một trong những yếu tố dẫn tới thành công.

Với giải pháp căn cơ “Kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng; và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng” mà Tổng Bí thư nhấn mạnh, có thể coi đây như một lời khẳng định về quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ ta. Và chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến PCTN, lãng phí thời gian tới đây.

Tạm khép diễn đàn này tại đây, một lần nữa, Báo NTNN xin cảm ơn sự tham gia quý báu của bạn đọc. Chúng tôi hy vọng vẫn sẽ tiếp tục nhận được những hiến kế, sáng kiến của quý vị để công cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí có thêm nhiều thành công mới...

  Tham nhũng là căn bệnh cố hữu - nó tồn tại song hành cùng lịch sử phát triển của loài người. Chống tham nhũng không phải cứ hô hào suông là làm được. Diễn đàn của NTNN đã chỉ đúng, vạch rõ những tồn tại của cuộc chiến PCTN; cách đặt vấn đề của báo rất sát với thực tế đang diễn ra trong cuộc sống - đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Báo chí lên tiếng, người dân hưởng ứng; nhưng việc PCTN có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào hành động của các cơ quan công quyền.
Nguyễn Văn Tuyến (Mê Linh, Hà Nội)

Khẩu hiệu PCTN luôn được nhắc đến tại các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương. Nhưng hiệu quả của công tác này vẫn chưa đạt được như yêu cầu đề ra. Xã hội đòi hỏi cần phải có những biện pháp triệt để hơn. Thường thì tham nhũng được phát sinh từ những người có chức quyền. Ở vị trí càng cao, càng có cơ hội tham nhũng. Do vậy theo tôi, một mặt người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác giám sát, thanh- kiểm tra cấp dưới, nêu gương cho cấp dưới. Mặt khác khi có đơn thư tố cáo cần phải tiến hành xác minh, xử lý một cách nghiêm túc, không nể nang, né tránh hoặc để chìm xuồng dẫn tới sự mất niềm tin của nhân dân.
Nguyễn Văn Trung (Thị trấn Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)

 Trong công tác đấu tranh PCTN phải xây dựng cơ chế để anh không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng. Không thể tham nhũng chính là những quy định chặt chẽ để người có chức quyền không thể có hành vi tư lợi cá nhân. Để người cán bộ không muốn tham nhũng thì phải nâng cao đời sống cho họ. Còn không dám tham nhũng là pháp luật nghiêm minh để răn đe. Khi những cơ chế này xây dựng đồng bộ thì tham nhũng bị hạn chế đi rất nhiều.
LS Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Thực chất rất nhiều giải pháp chúng ta đã có, từ mặt văn bản pháp luật có Luật PCTN. Tiếp đến tổ chức bộ máy đó là Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN. Nhưng tại sao vấn đề PCTN chưa chuyển biến nhiều, có nhiều nguyên nhân trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình khi sự việc xảy ra ở địa phương, cơ quan, tổ chức. Nguyên nhân thứ hai là vấn đề kê khai nhưng không công khai. Kê khai tài sản có chủ trương mà không công khai thì người dân làm sao biết để giám sát. Chừng nào công khai minh bạch tài sản của cán bộ ở nơi cư trú và cơ quan của họ thì người dân mới có thể giám sát, kiểm tra và biết được, nhân dân là tai mắt. Tham nhũng suy cho cùng là vun vén tài sản, nhưng kê khai tài sản của cán bộ xong lại bỏ vào tủ hồ sơ thì không giải quyết được việc gì cả, kê khai phải gắn với công khai.
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị)

Đứng nhìn từ góc độ ý chí thì ai cũng nhất trí được cả, nhưng vấn đề chống tham nhũng ở đây là hướng vào một số đối tượng là những quan chức, nên càng phải có cơ sở pháp lý, đồng thời đi kèm với nó là những yếu tố đảm bảo thực thi. Luật PCTN không có gì là thiếu cả nhưng cái khó hiện nay là quản lý tài sản và tài chính. Nếu chúng ta còn duy trì việc sử dụng tiền mặt như hiện nay, không hội nhập vào những tập quán chung của thế giới về vấn đề tài chính thì mãi mãi việc PCTN như hiện nay. Chúng ta PCTN vẫn chỉ mang tính chất ứng phó, không bao giờ hiệu quả, không bao giờ có cơ sở pháp lý là những bằng chứng để đưa tham nhũng ra ánh sáng pháp lý. Việc kê khai tài sản, quản lý tài sản và quản lý tiền mặt là vấn đề quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Lương Kết (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem