Tham nhũng vặt như chấy rận làm hại cơ thể

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 06:41 AM (GMT+7)
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) T.Ư đã nhận định “tình hình tham nhũng còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối”.
Bình luận 0
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Văn Đương (ảnh) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: Hiện nay, tham nhũng vặt như chấy rận làm hại cơ thể!

img
Ông Đỗ Văn Đương (ảnh) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Ông Đỗ Văn Đương cho biết: Việc tham nhũng vặt thường xảy ra ở những nơi cán bộ thực thi hành chính công. Đó là những người có chức trách bình thường nhưng họ thi hành các thủ tục hành chính, ví dụ như họ giữ con dấu, làm thủ tục cấp sổ đỏ, cấp giấy khám chữa bệnh... Nếu như tham nhũng lớn là ung nhọt nằm trong cơ thể thì tham nhũng vặt như loại chấy rận trên cơ thể, dù không gây nguy hiểm trực tiếp nhưng cũng làm tiêu hao sức khỏe.

Kết quả khảo sát năm 2013.
Kết quả khảo sát năm 2013.

Về tài sản, đối với mỗi người dân có thể không lớn, chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu tính toàn xã hội, trên nhiều lĩnh vực thì rất lớn. Vấn đề lớn hơn nữa là nó làm tha hóa hình ảnh cơ chế kinh tế - xã hội, gây phiền hà, bức xúc cho người dân, làm giảm lòng tin của người dân với chế độ.

Thưa ông, cơ chế hành chính nên thay đổi thế nào để tham nhũng vặt không còn mầm mống phát triển?

- Phải sửa đổi căn bản triệt để bằng việc đơn giản thủ tục hành chính mới ngăn ngừa được tham nhũng vặt. Muốn như vậy phải có chế tài mạnh, như giảm biên chế chẳng hạn. Vì còn nuôi bộ máy công chức không làm được việc, ăn bám như hiện nay thì còn xảy ra tham nhũng vặt. Đông người, lương càng trải đều.

Ai túng thiếu khi gặp tiền chẳng như người khát nước. Phải cương quyết loại bỏ, phải có cơ chế sàng lọc cán bộ, không phải ai cũng thành cán bộ công chức được, công chức ít mà tinh thì tốt hơn là công chức kiểu toàn dân như hiện nay. Cần mạnh dạn tinh giản biên chế và trả lương xứng đáng, bên cạnh đó là xử lý nghiêm khi công chức có sai phạm. Đấu tranh chống tham nhũng mà như “mát xa” thì tham nhũng vặt càng phát triển, còn tham nhũng lớn vẫn nhiều.

Cử tri cho rằng công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn quá chậm. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng luôn có hai mặt. Thứ nhất là phòng ngừa, thứ hai là chống, chống nghĩa là điều tra, xử lý. Tuy nhiên, biện pháp hình sự đưa ra xét xử chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, vấn đề quan trọng là phòng ngừa. Không phải là việc trừng phạt tội phạm tham nhũng nặng hay nhẹ, vấn đề quan trọng hơn là không để tội phạm đó xảy ra. Như vậy chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa. Như trong lĩnh vực kinh tế phải quan tâm đến cơ chế quản lý.

Cơ chế quản lý kinh tế hiện nay của chúng ta có nhiều sơ hở nên tội phạm tham nhũng lợi dụng để phạm tội. Quan trọng là phải xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế pháp lý chặt chẽ, bịt kín những gì là nguyên nhân, điều kiện để tham nhũng. Phải có cơ chế kiểm toán độc lập, tôi cho rằng mỗi lần đưa ra phân bổ ngân sách cho các công trình, cho các địa phương không chỉ căn cứ vào đề nghị của Chính phủ, khi có đề nghị phải kiểm toán.

Thưa ông, biện pháp bắt buộc kê khai tài sản như một hình thức phòng ngừa hiện đã được thực hiện hiệu quả chưa?

- Vấn đề kiểm soát tài sản cán bộ công chức không quan trọng bằng kiểm soát nguồn thu nhập của họ. Tài sản không chỉ là đất đai, nhà cửa mà còn là tiền nằm trong các tổ chức tín dụng hay kim loại quý chôn giấu. Thế nên phải kiểm soát thu nhập hàng tháng và bất thường của công chức. Đặc biệt, phải theo dõi có địa chỉ những người có liên quan đến nhiệm vụ họ đang làm, ví dụ như họ thẩm định dự án, phân bổ ngân sách thì phải theo dõi chính người đó. Việc theo dõi, giám sát phải có trọng tâm trọng điểm chứ không nên theo dõi dàn trải, nên tập trung vào những cán bộ có nguy cơ tham nhũng và tham nhũng lớn.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT:Diệt tham nhũng vặt bằng giải pháp quản trị


Tham nhũng vặt thường xuất phát từ những thủ tục hành chính nhưng diễn ra với tần suất lớn, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp khi liên hệ công việc phải mất chi phí.


Đã nói đến tham nhũng, để phát hiện phải rất công phu. Thông thường chuyện tham nhũng vặt chỉ tổng hợp ý kiến chung để người ta đưa ra mức độ tham nhũng vặt hiện nay là bao nhiêu. Hiện người ta thường sử dụng cách điều tra, khảo sát, hay còn gọi là dư luận.


Để chống lại tham nhũng vặt, tốt nhất là sử dụng giải pháp quản trị. Đó là khi người dân có quyền giám sát và Nhà nước giúp người dân thực hiện quyền giám sát. Pháp luật quy định người dân có quyền giám sát nhưng chẳng có chỗ nào để người ta nói ý kiến giám sát của mình để giải quyết được việc thì chẳng bao giờ giải quyết được tham nhũng vặt cả. Chúng ta phải tạo được điều kiện cho những người tham gia trực tiếp vào công việc hành chính hàng ngày có chỗ phát hiện, kiến nghị và phải có người xử lý ngay lập tức. Đồng thời, công cụ và chế tài phải do Nhà nước đưa ra, nếu Nhà nước không cho thì người dân làm sao thực hiện được.
Vinh Hải (ghi)


Lương Kết (thực hiện) (Lương Kết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem