Nhà thầu có dấu hiệu lừa đảo

Thứ hai, ngày 19/07/2010 07:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần chục công ty, doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhân công, thiết bị máy móc... cho nhà thầu thi công Nhà điều áp thủy điện Sêrêpốc 4 ở huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk đang lao đao.
Bình luận 0
img
Hàng chục công nhân thi công công trình Nhà máy Thủy điện Sêrêpốc 4 làm việc không lương hơn nửa năm nay.

Gần chục công ty, doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhân công, thiết bị máy móc... cho Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Thảo Nguyên Sơn (TNS)- đơn vị thi công Nhà điều áp thủy điện Sêrêpốc 4 ở huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk đang lao đao vì công trình đã hoàn thành mà công ty này không thanh toán theo thỏa thuận.

Nhà thầu chính thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốc 4 là Công ty cổ phần Xây dựng 47 (số 8, Biên Cương, TP. Quy Nhơn, Bình Định). Sau khi trúng thầu, đơn vị này đã thuê Công ty TNS (số 289 Trường Chinh, phường 14, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) thi công một số hạng mục như: Nhà máy điều áp, rãnh cáp, đường nội bộ… tổng giá trị ước tính 4 tỷ đồng.

Vì không đủ khả năng đảm nhận công việc nên Công ty TNS thuê phần lớn thiết bị máy máy móc, nhân công, mua vật liệu xây dựng… của một số công ty, doanh nghiệp, cá nhân tại địa phương. Tuy nhiên công việc đã hoàn tất mà tiền thì vẫn chưa thanh toán cho các doanh nghiệp theo thỏa thuận.

Ông Phan Thanh Lân - Giám đốc điều hành Công trường thủy điện Sêrêpốc 4 thuộc Công ty cổ phần Xây dựng 47 cho biết: “Chúng tôi đã thuê Công ty TNS thi công một số hạng mục công trình theo phương thức làm tới đâu thanh toán tới đó. Do không đảm bảo tiến độ nên một số hạng mục đã bị thu hồi.

Mới đây khi nhận được đơn kiến nghị của một số công ty, doanh nghiệp, cá nhân yêu cầu chúng tôi không thanh toán cho Công ty TNS vì còn nợ tiền của họ, lúc này chúng tôi mới biết sự việc. Trước đó, tôi đã gọi điện thoại, gửi fax, mail nhiều lần nhưng đã 7 tháng nay không liên lạc được với ông Trần Minh Đoàn – Giám đốc Công ty TNS”.

Giám đốc điều hành Công trường thủy điện Sêrêpốc 4, ông Phan Thanh Lân cho biết: “Về nguyên tắc, chúng tôi ký hợp đồng với doanh nghiệp nào thì phải thanh toán cho doanh nghiệp đó, còn họ thuê ai, làm gì chúng tôi không biết, hơn nữa số tiền của Công ty TNS còn lại không nhiều”.

Theo tìm hiểu của NTNN, ông Đào Thanh Định – Phó Giám đốc Công ty TNS đã viết giấy nhận nợ với các doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời hứa sẽ trả. Chỉ tính riêng 7 doanh nghiệp, cá nhân làm đơn kiến nghị thì Công ty TNS đã nợ 650 triệu đồng, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng trên. Hệ quả là các doanh nghiệp này đều lâm vào cảnh lao đao, công nhân khốn đốn.

Anh Hoàng Văn Thụ - Giám đốc Công ty TNHH XD – TM Thụ Loan (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) cho biết: Số tiền mà Công ty TNS nợ mua vật liệu của công ty tôi là 200 triệu đồng. Vì chưa lấy được tiền để trả cho nhà phân phối vật liệu xây dựng nên hàng ngày tôi phải chịu một khoản lãi rất lớn”.

Một doanh nghiệp khác cũng bị Công ty TNS không thanh toán theo thỏa thuận 180 triệu đồng tiền công. Ông Giám đốc Nh đã bán hết đồ đạc trong nhà để trả tiền cho công nhân nhưng vẫn còn nợ 130 triệu đồng. “Vài tháng nay, hai vợ chồng tôi không dám về nhà mà ngủ lại công trường vì sợ bị đánh. Cách đây mấy bữa, tôi bị đánh “hội đồng” cũng vì không có tiền trả nợ”- ông Nh cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem