Nhà thơ chất phác cô đơn sau 16 lần... cưới vợ

Thứ sáu, ngày 03/12/2010 08:54 AM (GMT+7)
“Những người hiếu kì nghe về ông đều coi đó là chuyện bịa, làm gì có thật. Nhưng với những người dân ở xã Khoan Tế, lớn bé già trẻ đều biết, cuối làng là nhà ông Đăng Hành, ông có tới 16 bà vợ và mấy chục đứa con...”.
Bình luận 0

“Chắc là con ông Hành về ?!”

Ông tên thật là Nguyễn Đăng Hành, một nhà thơ trú tại thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội. Cả làng đều biết ông vì sự thẳng tính, thật thà, chất phác và ông hay giúp người. Được gắn cho biệt hiệu “Lãn Tử Kinh Thi”, ông sống một mình, ở cuối làng. “ Độc thân” là vậy nhưng mọi người đều biết: Cả thảy, ông có mười sáu đời vợ!

img
Ông Nguyễn Đăng Hành

Nếu không trực tiếp gặp hoặc được người thân ông kể lại, chắc chẳng ai tin ông Hành có nhiều vợ đến thế. Bình thường 1 - 2 vợ đã khó, ông có tới mười sáu bà và khi đến với ông, họ đều biết quá khứ của ông thế nào.

Chú Trần Cường, người cùng làng với ông thuật lại: “Bà sau nối tiếp bà trước, ông Hành cũng chẳng giấu diếm chuyện ông đã có vợ rồi, vậy mà các bà vẫn theo. Mỗi lần cưới, ông thông báo bà con rồi làm lễ, có trầu cau đưa rước đàng hoàng. Về ở với nhau rồi bà nào cũng có với ông mấy mặt con”.

Không rõ vì ông Hành được bà con quý mến hay vì sự hiếu kì, chuyện vợ con ông người làng đều rõ cả: “ Ông Hành có đến 32 người con, lớn lên đều đi học rồi làm ăn xa, thỉnh thoảng vẫn có đứa về thăm bố“. Đến đây, PV hiểu vì sao khi vào làng hỏi địa chỉ nhà ông Hành, mọi người chỉ đường rồi đều nói nhỏ phía sau: “Chắc là con ông Hành về ?! “

Chuyện cưới vợ của ông Hành đã thành một điều đặc biệt, không chỉ vì ông đông vợ, nhiều con mà bởi các bà vợ của ông hoàn cảnh chẳng giống nhau, quê quán cũng mỗi bà ở một nơi. Nói về chuyện các bà, ông Hành cũng không ngần ngại: “Vợ tớ hiện giờ, bà xa nhất đã vào Nam, tận Bình Thuận đấy. Còn bà gần nhất, cách có hơn chục cây số, ngay bên Keo thôi (tên địa danh, thuộc nông trường Toàn Thắng, Gia Lâm, Hà Nội).

Chuyện thật mà ngỡ như tiếu lâm, ngoài ông Hành ở Khoan Tế ra, khó có thể tìm được người tương tự. Tuy nhiên, có một điều khá đặc biệt: ông Hành có nhiều vợ như vậy nhưng tuyệt nhiên trong làng, ông không lấy bà nào.

Lạ lùng chuyện… rước “tân nương”

Chuyện vợ con, chẳng có ai dám dùng cách của ông Hành trừ khi người đó muốn chuyện chẳng thành. Uống hớp nước trà, ông Hành nhớ lại: “Bà thứ mười sáu đấy. Tớ chẳng giấu diếm gì, nói thẳng với bà ấy là đã có cả chục vợ rồi. Bà ấy không tin, tớ hẹn luôn ngày để đón “người mới” đi thăm các vợ trước cho biết. Chị em họ ngồi nói chuyện, tâm sự với nhau, mỗi bà ngồi chơi cả giờ. Đi từ sáng đến chiều mới hết lượt”.

Thấy phóng viên có vẻ bất ngờ, ông tiếp tục: “Sau buổi đó về, tớ cho “người ta” thoải mái thời gian, cứ suy nghĩ thật kĩ về chuyện của tớ. Mười ngày hay một trăm ngày cũng được, khi nào quyết định chắc chắn thì trả lời tớ, thế rồi viết thư, gọi điện qua lại, rồi cũng thành cậu ạ”.

Có lẽ do cái duyên cái số, các bà vợ của ông Hành đến với ông đều rất tự nhiên, không oán trách, không ghen tuông mà an phận sống cùng ông. Với người dân Khoan Tế, chuyện ông Hành sống cùng nhà với hai, ba bà không còn là chuyện lạ. Thỉnh thoảng ông còn khoác tay các bà đi dạo khắp làng.

Ông Hành thủ thỉ: “Tớ là người may mắn, được trời thương. Các bà rất quý nhau, có chị có em. Đám giỗ chạp, bốn, năm bà cùng các con đều về. Trải chiếu mấy mâm ngồi ăn với nhau, cười nói vui vẻ. Đó là lộc trời cho, không phải ai cũng có được”.

16 lần tìm vợ là 16 lần ông Hành kể lại chuyện đời mình. Ông nói có cách riêng để nói cho các bà hiểu: “Biết tớ có nhiều vợ nhưng các bà đều tốt, cùng cảnh ngộ, cùng mong có một gia đình hạnh phúc nên coi nhau như chị em”. Có lẽ vì “bí quyết” đó nên tuyệt nhiên trong làng chưa hề nghe điều tiếng gì về chuyện vợ chồng ông...

Vậy mà vẫn... cô đơn!

Cứ ngỡ ông Hành có nhiều vợ như vậy thì cuộc sống của ông chắc sẽ sum vầy, hạnh phúc nhưng khi đến tìm ông mới biết, vợ con ông, tất cả 16 bà đều đã ra đi.

Ông Hành nói: “Ở đời có những người phụ nữ gặp hoàn cảnh trớ trêu, quá lứa lỡ thì, họ không được trải qua những điều mà một người phụ nữ đáng được có. Đó là điều thiệt thòi của họ”.

Theo ông Hành, ông đến với những người phụ nữ đó để cho họ có một chỗ dựa, để có người gọi là chồng và những người con. Ông cho đó là... sự hi sinh để mang thân ra giúp đời! “Tớ là người không may nên hiểu nỗi khổ của những người gặp cảnh không may hơn mình. Đến với họ, tớ cũng chẳng cầu lợi lộc gì” - ông Hành nói.

Xung quanh cũng có những điều tiếng không hay, nhưng ông Hành không để tâm đến chuyện đó vì có ông lý lẽ riêng: “Nếu xã hội chỉ có những người biết vơ vào một gia đình hạnh phúc, có những đứa con ngoan, xây một cái nhà đàng hoàng thì số phận những người đàn bà xấu số, không may bị tai tiếng, khiếm khuyết về nhan sắc hay số phận thì họ sẽ đi đâu, về đâu? Ở hoàn cảnh như họ, có được người chồng, người con cũng là một phần thưởng, một niềm hạnh phúc rồi”.

Tuy nhiên, sau khi cưới một thời gian, khi đã có những người con thì ông lại để các bà ra đi và chọn cho mình cuộc sống “độc thân”. Điều đó mâu thuẫn với những lời ông nói. Ông giải thích đó là vì ông thích cuộc sống tự do và không bị ràng buộc hay vướng bận. Với các bà vợ, ông nói rằng: “Các bà rất khôn. Tại vì sao? Vì lúc Nguyễn Đăng Hành ốm, các bà không phải chăm. Khi ông Nguyễn Đăng Hành chết, các bà không phải lo”. Nói như vậy, nhưng với các bà vợ của ông, liệu ông có biết chắc họ cũng muốn như vậy?

Những người con của ông Hành đều đã đi theo mẹ sinh sống ở nơi khác. Cũng có bà bán nhà, bán đất mong chuyển đến ở cùng ông Hành nhưng ông không chấp nhận...

Tâm sự của một bà vợ

“Bảo tôi 16 vợ, hoàn toàn là không đúng. Trên pháp luật, chúng tôi không có đăng kí kết hôn. Họ có nhà riêng, có cuộc sống riêng, hỏi cũng chẳng bà nào nhận. Tớ vẫn đùa mấy ông bạn rằng tớ vẫn là giai tân đấy” - ông Hành giãi bày. Hóa ra, ông Hành có nhiều vợ, lắm con như vậy nhưng chỉ là vợ “ngoài xã hội” còn trên giấy tờ, luật pháp, ông là người... chưa vợ!

Bác Đào Thị Phượng - người vợ thứ mười sáu của ông Hành chia sẻ: “Bác cũng muốn có đăng kí kết hôn nhưng vì nghĩ sống với nhau không vì mảnh giấy nên lại thôi. Khi bác quyết định lấy ông cũng vì muốn có một gia đình bình thường như mọi người.

Nhưng vì hoàn cảnh không được ở cùng nhau, nhiều lúc nghĩ cũng chạnh lòng”. Vì không được pháp luật thừa nhận chuyện cưới xin nên khi sinh con, bác Phượng phải làm giấy khai sinh ở quê ngoại, lấy hộ khẩu của bác và khai sinh họ bố.

Xung quanh chuyện cưới vợ của ông Hành, có rất nhiều điều cần suy nghĩ. Ông cho những người vợ của mình một chỗ dựa, một người chồng nhưng lại muốn cuộc sống tự do và không bị trói buộc, lối thoát đó vô tình đẩy đến các bà một gánh nặng.

Họ vừa phải làm nghĩa vụ của người mẹ đồng thời cũng là người cha. Không rõ ông Hành có hiểu được tâm tư của các bà ra sao trước những định kiến, dư luận xã hội xung quanh, những người con của ông sẽ có cảm giác thế nào?

Theo Pháp luật Việt Nam 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem