Lâm Thị Mỹ Dạ ngây thơ cho đến lúc già!

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 06/07/2023 15:55 PM (GMT+7)
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời sau 14 năm bị bệnh Alzheimer's. Chia sẻ với Dân Việt, bạn bè, đồng nghiệp với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cho biết, vẻ trong sáng và hiền hậu từ con người cho đến thơ ca của chị khiến họ mãi luôn ghi nhớ.
Bình luận 0
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Nữ thi sĩ xinh đẹp, tài năng khiến bao trái tim rung động - Ảnh 1.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa qua đời sáng nay (6/7). Ảnh: TL

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã làm đủ sứ mệnh của một nhà thơ trước khi về cõi vĩnh hằng

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là người rất đặc biệt trong các nhà thơ nữ Việt Nam. Chị mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ đối lập với cuộc chiến tàn khốc và chị coi đó như một sứ mệnh của mình. Thơ ca của chị đầy yêu thương, ấm áp với vẻ đẹp dung dị và sâu thẳm.

Tôi không được gặp Lâm Thị Mỹ Dạ nhiều nhưng biết rằng, chị là con người đặc biệt, một người phụ nữ dịu dàng, yêu thương và biết chia sẻ. Theo cảm nhận của tôi, rất ít khi nhìn thấy chị tỏ vẻ khó chịu, giận dữ với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè. Mọi tâm tư chị đều gửi gắm trong thơ. Chị còn là người với tâm hồn bao dung, che chở cho tất cả những đứa em như tôi.

Trong nền thơ ca thời chống Mỹ, chị là gương mặt tiêu biểu với giọng thơ khác biệt và đẹp đẽ cùng với những tên tuổi như: Phan Thị Thanh Nhàn hay Ý Nhi, Xuân Quỳnh…

Tôi còn biết, khi các cựu binh Mỹ có dịp đọc bài thơ Khoảng trời, hố bom của chị, họ rất xúc động và bày tỏ rằng, chỉ từ một bài thơ mà có thể nói lên toàn bộ vẻ đẹp, mất mát và đau đớn của con người Việt Nam.

Có lẽ một trong những kỷ niệm đẹp nhất tôi có với Lâm Thị Mỹ Dạ là khi chúng tôi ngồi trong ngôi nhà của các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Họ đọc thơ ca Việt Nam và phát hiện ra vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam qua Khoảng trời, hố bom và cho rằng, bài thơ này cần phải được biết nhiều hơn nữa.

Những năm cuối đời, chị dành trọn vẹn thời gian chăm sóc cho người chồng là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến. Bản thân chị có trí nhớ cũng không tốt và cũng rất hay quên. Chị không có nhiều hoạt động thơ ca trong các năm trở lại đây nhưng tôi nghĩ, chị đã làm đủ sứ mệnh của một nhà thơ trước khi về cõi vĩnh hằng.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Rơi nước mắt khi đọc lại câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ với PV Dân Việt về mối thâm tình đã có từ thời trẻ với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:

Ước gì cầm được cô đơn

Ném thia lia để hóa buồn thành vui

Đó là câu thơ của nhà thơ xinh đẹp, tài hoa mà tôi yêu quý - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa qua đời sáng nay. Tôi thân và yêu Lâm Thị Mỹ Dạ từ năm 1973 - khi cùng học với chị khóa 3 tháng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở nhà sáng tác Quảng Bá - nay là Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Nữ thi sĩ xinh đẹp, tài năng khiến bao trái tim rung động - Ảnh 2.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vào thăm gia đình nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Huế. Ảnh: FBNV

Lâm Thị Mỹ Dạ hồi đó chưa lấy chồng, xinh đẹp, dễ thương khiến có tới… ba chàng cùng học tán tỉnh mà nàng ngây thơ không biết. Ví dụ nàng kể với tôi: "Anh Thanh Tùng - tác giả bài thơ Mùa hoa đỏ - quê Hải Phòng đèo xe đạp em ngồi phía sau, qua đường Thanh Niên anh dừng lại mời em ngồi trên ghế đá rồi hỏi: "Em có yêu anh không?". Em lắc đầu: "Anh nói chi lạ, mình đã hiểu gì về nhau đâu". Thế là anh cởi áo, lội ngay xuống nước, cứ từ từ lội ra xa và liên tục hỏi: "Có yêu không, nước ngập đầu gối anh rồi"; "Nước ngập đến thắt lưng rồi"; "Nước ngập ướt cả áo rồi"… em vẫn lắc đầu. Nhưng lúc nước ngập gần tới ngực mà anh vẫn đi giật lùi ra xa thì em hốt hoảng: "Anh lên đi. Có, có yêu mà"…

Nhưng khi chàng lội tới gần bờ thì nàng bỏ chạy về nhà tôi ở ngay gần đường Thanh Niên và kể chuyện, mặt còn tái mét: "Anh "nớ" ướt hết rồi, còn lâu mới đuổi theo em được nhá"…

Còn khi chúng tôi cùng đạp xe đi Chùa Hương, dạo đó tất cả đều trẻ khỏe, hăng hái. Mấy chàng đều muốn được chở Lâm Thị Mỹ Dạ, nhưng nàng xin ngồi sau xe nhà thơ Vương Trọng. Đến nơi, nàng cười an ủi chàng đã còng lưng chở mình: "Hôm "ni" nhìn anh Trọng mặt tái như phi công Mỹ vừa bị bắt trên Hồ Tây. Nhưng nụ cười chi mà tươi lạ quá!".

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Nữ thi sĩ xinh đẹp, tài năng khiến bao trái tim rung động - Ảnh 3.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chăm sóc nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều năm ngồi xe lăn. Ảnh: TL

Lâm Thị Mỹ Dạ hồn hậu, xinh tươi, có phần ngây thơ khi trẻ. Nhưng cuộc đời chị cũng nhiều đau đớn xót xa. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chồng chị bị ốm từ 1999 đến nay, chị không rời anh nửa bước. Năm 2013, khi anh chị đã chuyển vào TP. HCM ở cùng con gái, tôi và Nguyễn Thị Ngọc Hà đến thăm, chị không nhận ra. Cô giúp việc nói: "Các cô cứ trò chuyện một lúc cô Dạ mới nhận ra đó"…

Nhưng khi đã nhận ra chúng tôi, Lâm Thị Thị Dạ không thể viết tặng sách mà phải nhờ chúng tôi tự viết, nàng chỉ ký thôi…

Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ rất nhiều bài hay, nhưng hôm nay, viết về nàng tôi chỉ xin nêu một câu của Lâm Thị Mỹ Dạ mà khi đọc là tôi rơi nước mắt và thương yêu nàng biết bao:  

"Ước gì cầm được cô đơn

Ném thia lia để hóa buồn thành vui…"

Nhà văn Lê Minh Khuê: "Lâm Thị Mỹ Dạ ngây thơ cho đến lúc già"

Tôi chơi với Lâm Thị Mỹ Dạ từ năm 1970, hồi đó Lâm Thị Mỹ Dạ đẹp lắm và có rất nhiều người yêu. Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ có cái hay là có sự trong sáng, ngây thơ như của một đứa trẻ nhưng trong đó ẩn chứa sự say đắm, sâu sắc. Những ý tưởng sâu sắc được ẩn chứa trong những câu thơ trong sáng. Người ta thích thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ vì thế, dễ hiểu, dễ đọc, dễ thuộc. Đó là ưu điểm lớn nhất của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, cách nhìn sự vật rất ngây thơ nhưng đằng sau đó là sự chiêm nghiệm và chứng tỏ được bút lực.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Nữ thi sĩ xinh đẹp, tài năng khiến bao trái tim rung động - Ảnh 4.

Nhà văn Lê Minh Khuê: "Lâm Thị Mỹ Dạ ngây thơ cho đến lúc già". (Ảnh: TL)

Ngoài đời Lâm Thị Mỹ Dạ cũng trong sáng, hồn hậu như thơ. Trong tôi hình ảnh của Lâm Thị Mỹ Dạ luôn sống động. Lâm Thị Mỹ Dạ rất sinh động và tạo cho mọi người ấn tượng dễ chịu bởi sự trong sáng, ngây thơ, đến tận lúc già nhưng vẫn sâu sắc.

Tôi nhớ khi cùng đi học ở học ở Nga, chúng tôi đi lang thang mua hàng hóa về lo kinh tế gia đình. Thời điểm đó, chúng tôi thân thiết hơn thời chiến tranh.

Năm 1971, ngoài hai mươi tuổi, lần đầu Lâm Thị Mỹ Dạ tới Thủ đô, mắt mở to, trái tim choáng ngợp những xúc động, thiếu nữ nhìn Hà Nội như một đứa trẻ nhìn thế giới đầy những màu sắc mới lạ. Bài thơ Đường Thủ đô của Lâm Thị Mỹ Dạ viết trong thời gian đó có những câu lung linh như những hạt nước trong trẻo sau mưa rào:

Qua Bà Triệu thấy Quang Trung

Gặp Hồ Gươm sáng một vùng sóng xao

 Ngẩn ngơ hoa sữa trên cao

Tìm Nguyễn Du lại lạc vào Xuân Hương

Bài thơ này là bài tôi thích nhất. Ở đó, Lâm Thị Mỹ Dạ ngơ ngác, hồn nhiên. Bài thơ đó rất là Mỹ Dạ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem