Nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền: Cầu xin/thụ hưởng ngày càng biến thái

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 27/02/2015 09:08 AM (GMT+7)
“Sau phân nửa thế kỷ lãng quên, giờ đây ước nguyện cầu xin/ thụ hưởng trong tâm thức dân gian xưa đã thực sự sống dậy và ngày càng lan truyền mạnh mẽ với nhiều sự biến thái cuồng vọng”, nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Bình luận 0

img
Nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền. Ảnh: Thanh Hà

Mấy năm trở lại đây mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã siết chặt việc đổi tiền lẻ và việc rải tiền khắp nơi tại các lễ hội gây phản cảm song kết quả là không thấy tiến triển tích cực. Như đến hẹn lại lên, cứ đến mùa lễ hội, cuối năm trả lễ, đầu năm đi lễ là vấn nạn đó lặp lại. Là nhà nghiên cứu văn hóa, theo ông, vì sao những vấn nạn đó vẫn lặp lại? Và phải làm sao có thể hạn chế được vấn nạn này?

- Trước hết, cần hiểu đó là một hiện tượng xã hội xuất phát từ một ý thức tín ngưỡng nguyên thủy có từ ngàn xưa. Người ta tâm niệm rằng hễ dâng lễ cầu xin thì ắt được phù hộ, không ít thì nhiều. Cũng dễ thấy khi cuộc sống bấp bênh, niềm tin hiện thực yếu ớt, nhân gian tất sẽ phải tìm đến chỗ dựa tinh thần ở tôn giáo tín ngưỡng. 

Sau phân nửa thế kỷ lãng quên, giờ đây ước nguyện cầu xin/ thụ hưởng trong tâm thức dân gian xưa đã thực sự sống dậy và ngày càng lan truyền mạnh mẽ với nhiều sự biến thái cuồng vọng. Ai ai cũng hồn nhiên tin vào sự phù hộ của thánh thần thông qua sự “thành tâm” và số lượng vật phẩm cúng bái của họ. 

Cứ đọc cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì rõ, đời sống tâm linh tín ngưỡng nước ta hiện nay dường như đã quay ngược lại thời kỳ đầu thế kỷ 20. Trong cơ chế thị trường tâm linh thời mở cửa, cũng cần nhìn đến những cơ sở thờ tự như đền, chùa, phủ, miếu… và lực lượng dịch vụ tâm linh đi kèm như thầy cúng, cô hồn, thầy bói, phù thủy, đồng cốt… 

Xã hội càng đông người mê tín dị đoan bao nhiêu, họ càng kiếm bộn tiền bấy nhiêu. Có những đàn cúng đồ mã trị giá cả trăm triệu đồng, có những đền phủ một năm doanh thu cả chục tỷ đồng từ các dịch vụ tâm linh… Thế nên nhiều nơi mới có chuyện đấu thầu quản lý đền phủ.

img
Đồ lễ đươc bày bàn tại cổng vào của đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Thanh Hà

Theo ông, tổ tiên của người Việt khi đi lễ đặt tiền thể hiện ý nghĩa gì và thường đặt theo kiểu tượng trưng?

- Mỗi thời đại, những hành vi tín ngưỡng đều có nguyên nhân thích ứng. Thời cổ truyền, kinh tế xã hội nông nghiệp nhỏ hẹp, mối quan hệ giao thương còn hạn chế thì ngoài mục đích tín ngưỡng cầu xin/ hưởng lợi, việc dâng lễ vật, công đức của người đi lễ còn có ý góp phần tôn tạo, duy trì sự bền vững của cơ sở thờ tự. 

Ví dụ các ngồi chùa thời xưa thường có ruộng riêng để các nhà sư tự cấy cầy sinh sống. Nhưng ở những nơi không có ruộng, nguồn vật phẩm cúng lễ của các phật tử là cần thiết để đảm bảo cho cuộc sống đạm bạc nơi cửa thiền, cũng như tạo nguồn dự trữ để khi cần có thể tôn tạo, bảo trì cơ sở thờ tự. Thời nay, quan hệ xã hội đã phát triển vượt bậc nên khối lượng vật phẩm cung/cầu tâm linh theo đó cũng thay đổi cả về khối lượng lẫn mục đích ý nghĩa.

Năm nay chỉ thị số 41 của Ban Bí thư được đưa ra, nhấn mạnh tới việc hạn chế đốt vàng mã, chống lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt Bộ VHTTDL đã có đề án về việc này và sẽ thí điểm đầu tiên tại Đền bà Chúa Kho. Theo ông liệu đề án này có khả thi, khi việc đốt vàng mã vốn thuộc về tâm linh của người Việt? Và nếu khả thi, liệu giải pháp như thế nào là hợp lý?

- Cần hiểu tục đốt vàng mã vốn du nhập của người Trung Hoa, không phải hành vi tín ngưỡng bản địa. Đề án có khả thi hay không hay chỉ tựa việc “bắt cóc bỏ đĩa” như bao năm qua hoàn toàn tùy thuộc vào giới luật của Nhà nước. 

Chỉ thị nói là “hạn chế”, “chống lãng phí”, vậy định lượng thế nào là “hạn chế”, là “lãng phí”, chẳng hạn chúng ta bỏ biết bao "núi tiền" vào tổ chức phục dựng những lễ hội lớn bé khắp cả nước, rồi hiện nay rất nhiều tỉnh thành theo nhau muốn làm hồ sơ xin mảnh bằng di sản UNESCO, vậy có lãng phí hay không? Lấy gì để cân đong đo đếm nếu không có giới luật rõ ràng? Thử tưởng tượng nếu tín ngưỡng hầu đồng trở thành di sản thế giới, chuyện gì sẽ tiếp diễn?

Tại chỉ thị số 41 của Ban Bí thư đã chỉ rõ ngày nay vấn đề quan hóa, nhà nước hóa lễ hội đang ngày một có chiều hướng gia tăng. Vậy anh đánh giá sự việc này như thế nào? Cũng như tác hại của nó?

- Từ ngàn đời nay, xã hội Việt Nam có truyền thống học để làm quan, phấn đấu thành “ông nọ/ bà kia” để sang, để giàu, khó mà thay đổi được hệ ý thức đó.

Còn đánh giá là tác hại hay “tác lợi” là tùy vào góc nhìn tri thức. Điều không thể chối cãi như đã nói, đời sống tâm linh xã hội ta đang quay ngược lại thời điểm cách đây một thế kỷ!

img
Người dân lễ tạ và hóa vàng cuối năm tại đền Bà Chúa Kho. Ảnh: Thanh Hà

Ngày nay phần đông người dân đi lễ hội người như là a dua và phong trào mà không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội mình tham gia. Đây là nguyên nhân một phần gây nên sự bát nháo, lộn xộn tại các lễ hội lớn và điều đó gây tác dụng ngược, không đem lại hiệu quả giáo dục truyền thống văn hóa của lễ hội. Ông có nghĩ vậy?

- Không nên đặt vấn đề rằng “hiểu hết ý nghĩa của lễ hội” thì mọi hành vi tín ngưỡng sẽ đúng chuẩn mực. Bởi cái mà hiện nay chúng ta đang coi là vấn nạn nhức nhối, phần nhiều chính là sự sống dậy của hành vi tín ngưỡng cổ xưa- hệ giá trị mà một thời chúng ta đã chính thức loại bỏ khỏi cuộc sống vì coi đó là mê tín dị đoan. 

Đừng nghĩ rằng mọi giá trị tâm linh tín ngưỡng trong quá khứ đều đúng, còn giờ chúng ta đang làm sai, hay hễ cứ là chủ thể văn hóa thì mọi hành vi đều chuẩn mực và phải được tôn trọng! Hệ ý thức tâm linh dân tộc vốn mang tính “hỗn dung tín ngưỡng”, “hồn nhiên” tự bao đời nay.

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem