Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi đã thấy cái giếng cạn...

Thứ hai, ngày 21/05/2012 17:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Sau cuốn tiểu thuyết “Một mình một ngựa” in năm 2009, tôi có cảm giác đã nhìn thấy một cái giếng nước cạn đến gần đáy...” - nhà văn Ma Văn Kháng- người vừa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, tâm sự.
Bình luận 0

Hơn 50 năm cầm bút với 2 mảng đề tài chính là miền núi và đô thị, ông nhận thấy mình thành công nhất ở mảng nào?

- Hai mảng đề tài khác nhau, chất liệu khác nhau, nhưng thật ra chỉ là một. Một tác giả. Một kiểu phản ánh hiện thực. Một kiểu tổ chức tác phẩm. Một hệ thống ngôn ngữ. Một phong cách. Và quan trọng, một quan niệm thẩm mỹ. Với tôi, đó là cái đẹp vĩnh hằng của đời sống thông qua những nhọc nhằn vất vả, những mất mát thiệt thòi và thậm chí những hy sinh đau đớn.

img
 

Tôi không có ý thức phân biệt khi viết một đề tài nào. Với đề tài đô thị, tôi có cái thích thú vì sự quen thuộc gần gụi. Với đề tài miền núi thì sức hấp dẫn lại chính là cái lạ lẫm ngỡ ngàng .

Với hàng loạt tiểu thuyết có giá trị, phản ánh đời sống của đồng bào dân tộc miền núi như “Đồng bạc trắng hoa xoè”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn”... ông được mệnh danh là “nhà văn của núi rừng”. Ông nghĩ sao?

- Tôi sống và làm việc ở tỉnh miền núi Lào Cai 22 năm, cả một thời trai trẻ chứ có ít đâu. Nhưng đứng trước hiện thực cuộc sống miền núi, vẫn có cái mặc cảm là mình đang đối mặt với một cái gì đó thật là mênh mông bát ngát. Tôi viết về miền núi theo cảm quan của tôi, chỉ vậy thôi. Không dám nhận danh hiệu cao quý ấy.

Trong 22 năm đó, hẳn ông đã va chạm với cuộc sống rất nhiều mới có nhiều chất liệu như thế?

- Chất liệu đó là cuộc sống, tức cái phần tôi được trải nghiệm. Trải nhiệm ở đây bao gồm: Nghe, thấy, cảm, thực hành. May mắn, tôi có nhiều cơ hội để trực tiếp trải nghiệm: Bộ đội, dạy học, là cán bộ phong trào, là nhà báo. Có cả chục năm tôi nghiên cứu, đi đi lại lại tìm hiểu một vấn đề lịch sử, một câu chuyện. Có thời gian tôi sống hàng tháng trời ở một bản, tham gia cải cách dân chủ, lập tổ đổi công, nông hội, vận động sản xuất, dự các lễ hội... Viết chỉ là hệ quả có được sau khi đã trải qua, đó là phương châm sáng tác của tôi.

Nhà văn Ma Văn Kháng (tên thật Đinh Trọng Đoàn) được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho tập “Truyện ngắn chọn lọc”, “Mưa mùa hạ”, “Côi cút giữa cảnh đời và “Gặp gỡ ở La Pán Tẩn” .

Nhưng có lần trả lời báo chí, ông đã từng nói “Sau tiểu thuyết “Một mình một ngựa”, tôi không còn gì để viết về miền núi nữa”?

- Tiểu thuyết, hay nói chung là văn xuôi nghệ thuật theo trường phái cổ điển mà tôi theo đuổi, sống được nhờ chất liệu. Không có chất liệu thì tài năng mấy cũng vô nghĩa. Mà chất liệu thì như cái mạch quang, đào bới khai thác mãi rồi cũng hết...

Xin hỏi cảm xúc của ông khi biết mình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này?

- Khi viết, trong đầu tôi không một chút vương vấn bất cứ một điều gì, kể cả giải thưởng, và những quyền lợi vật chất. Không hề! Sáng tác thuần túy chỉ là một quá trình hoàn thiện cái đẹp văn chương theo chuẩn mực hoàn hảo nhất. Nhưng một khi tác phẩm đã hoàn chỉnh rồi, đã trở thành một sản phẩm xã hội rồi, thì nó lại cần, rất cần sự đánh giá công bằng. Tôi rất vui mừng và cảm ơn khi được trao giải thưởng cao quý này, vì đó là sự đánh giá của Nhà nước, nhân dân, bạn đọc với lao động nghề nghiệp nỗ lực của tôi.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem