Một người kiệt xuất
Sáng 3.5, tại Hà Nội, nhân 100 năm ngày sinh của ông, NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội, Thư viện Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm và Hội thảo "Nguyễn Huy Tưởng và lịch sử" với sự tham dự của rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học.
|
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (thứ 2 từ phải sang) cùng các văn nghệ sĩ trên Việt Bắc. |
Sinh ngày 6.5.1912 tại làng Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) trong gia đình một nhà nho, Nguyễn Huy Tưởng đã vào đời với tư cách một nhân viên ngành thuế, nhưng may mà cái nghề này đã không quyến rũ ông, nên chúng ta mới có được một nhà văn kiệt xuất sau này.
Ở tuổi đôi mươi, khi mới bắt đầu đến với văn chương, Nguyễn Huy Tưởng đã viết trong nhật ký của mình: “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên... cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải, và vẫn biết thương nhau”.
Chính vì thương yêu bầy em nhỏ có tấm lòng ban sơ “bồng bồng bột bột” ấy mà tác phẩm đầu tiên ông viết khi tham gia vào tổ chức hướng đạo là “Cô bé gan dạ”, rồi hàng loạt những câu chuyện mang hơi hướng cổ tích thần thoại khác như “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy”, “Con cóc là cậu ông giời”, “An Dương Vương xây thành Ốc”...
Rồi sau này, những “Đêm hội Long Trì”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Cột đồng Mã Viện”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Lũy hoa”, “Bắc Sơn”, “Sống mãi với thủ đô”, “Vũ Như Tô”... đều là những tượng đài trong văn học.
Hồn tôi để cả ở đấy...
Trong tất cả những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, nhân vật lịch sử ấn tượng nhất mà ông đã xây dựng nên chính là Vũ Như Tô. Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng lòng đánh giá, với nhân vật này, “Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tạo ra một bi kịch thực thụ sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay”.
Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư đã từng phân tích: “Bằng nhiều phương tiện và thủ pháp, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng khiến chúng ta tin vào thiên tài của Vũ Như Tô và một khi đã tin thì chia sẻ đến cùng khát vọng sáng tạo của nhân vật này, bởi lẽ đối với thiên tài, không sáng tạo đồng nghĩa với chết.
Và nguyên nhân sâu xa của bi kịch là ở chỗ người nghệ sĩ tài trời này không có điều kiện lao động sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Con người ấp ủ tham vọng thi sức đua tài với Thượng đế sáng thế”.
Trong một trang nhật ký ghi vào ngày 16.6.1956, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Một nghề nghiệp cao quý biết bao là nghề viết văn. Đưa lại cho đời một bó đuốc không to thì nhỏ. Có nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?”.
Nguyễn Huy Tưởng đã đặt trọn tình yêu của ông vào Vũ Như Tô tới mức có cảm tưởng lời nói của nhân vật này đã nói thay cho ông: “Tôi sống với Cửu Trùng đài chết cũng với Cửu Trùng đài... Hồn tôi để cả ở đấy thì tôi chạy đi đâu” và trong lời đề từ tác phẩm của mình, nhà văn đã hai lần nhắc lại một câu hỏi nhức nhối: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?”.
Nếu hồn Vũ Như Tô để cả ở Cửu Trùng đài thì hồn Nguyễn Huy Tưởng đã gửi trọn vào cho lịch sử để rồi từ đó ông khẳng định mình không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà văn hóa lớn với câu nói đã từng khiến ông có lúc khốn khổ: “Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng”.
Và nhờ có những trang viết của ông, cuộc đời này đã bớt đi phần nào điều đó.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.