Nhà văn Trần Chiến: "Tôi viết từ góc nhìn của "người phố" nhìn về nông thôn"

Hà Thúy Phương Thứ tư, ngày 28/04/2021 07:00 AM (GMT+7)
Là người không sinh sống ở nông thôn nhưng tác giả Trần Chiến có những 4 tác phẩm được cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" lựa chọn đăng tải.
Bình luận 0

Với những câu chuyện đời thường dung dị nhà văn đã thể hiện sự trăn trở của mình với sự va đập văn hóa phố - làng cùng sự cô độc của "người làng" khi phải mưu sinh nơi phố thị.

Thưa nhà văn Trần Chiến, là một nhà văn, khi tham gia vào một cuộc thi viết văn không chuyên, ông có sự e ngại gì không? Ông đặt cho mình mục đích khi tham gia cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập"?

Tôi được một người bạn "rủ" tham gia cuộc thi này. Tại cuộc thi, tôi gặp nhiều cây viết "gộc" là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, họ còn là nhà văn chuyên nghiệp hơn tôi. Buổi sơ kết còn có rất đông các nhà văn ở tỉnh khác tham dự. 

Tôi cũng không có nhiều băn khoăn, suy nghĩ gì về chuyện đây có phải là cuộc thi văn học chuyên hay không chuyên. Tôi chỉ nghĩ rằng, dự thi thì phải hy vọng được giải. Nhưng trước hết với tôi có chỗ gửi gắm những gì mình biết, suy nghĩ về nông thôn là tốt rồi. 

Nhà văn Trần Chiến: "Tôi viết từ góc nhìn của "người phố" nhìn về nông thôn" - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Chiến - "người phố" nhìn về nông thôn.

Nhà văn nhận xét thế nào về đề tài nông thôn trong văn học hiện nay? Có phải chúng ta đang rất thiếu những tác phẩm sát với thực tế?

- Đề tài nông thôn trong văn học hiện nay không được sôi nổi như trước. Có một thực tế là nhiều người có xuất thân từ nông thôn nhưng lại nuôi giấc mơ thị thành. Trong khi tầng lớp thị dân lại tiếc nuối cuộc sống thôn dã. Tôi nghĩ điều này rất thú vị, sẽ rất hay nếu chúng ta thể hiện được sự trái ngược đó trong văn học. 

Theo nhà văn, hiện đang có những vấn đề nào bức xúc tồn tại trong đời sống nông thôn và nông dân? Đâu là những vấn đề bức xúc cần giải quyết nhất?

- Trong các vấn đề của nông thôn và nông dân, tôi thường để ý đến lĩnh vực văn hóa. Bởi vậy nên tôi bức xúc về mâu thuẫn giữa bảo tồn truyền thống thế nào cùng lúc với việc xã hội đang phát triển. Tiếng Anh, tin học về làng, máy móc làm thay sức người, trâu bò… Nhưng di sản làng, họ tộc, gia đình mất đi nhanh quá. Bản thân tôi cũng mâu thuẫn khi nhìn vào những được - mất này. Xã hội cần sự hình thành, phát triển của từng cá nhân, nhưng cái hôm qua của cộng đồng làng xã mất đi thì sẽ không có cách nào quay lại được.

Có ý kiến cho rằng nhiều vấn đề nông thôn rất nhạy cảm, hiện rất khó được đề cập đến, nhà văn suy nghĩ sao về điều này? Đối với riêng bản thân mình, ông có thấy có gì khó khăn khi đề cập đến những vấn đề mình quan tâm?

- Có lẽ nhạy cảm nhất hiện nay là vấn đề đất đai. Sở hữu, khai thác nó lâu dài là những người trực tiếp sống bằng đất thì có thể sinh lợi lớn, nhưng người điều hành "bên trên" lại khó quản lý. "Bên trên" ấy cũng là những con người, bộ óc, toan tính cụ thể, thì không thể không nghĩ cho lợi ích của riêng mình. Làm thế nào để nông dân không bỏ làng mà đi là vấn đề thực sự đang bức xúc. 

Là một người không sống ở nông thôn, nhà văn có gặp khó khăn gì khi viết về đề tài nông thôn?

- Tôi sống ở Hà Nội. Chiến tranh kết thúc, ra khỏi quân ngũ, tôi không biết nhiều về nông thôn. Nông thôn biến đổi nhanh quá, Tôi viết từ góc nhìn của "người phố" khi nhìn về nông thôn. Có thể nói chùm truyện ngắn này của tôi ra đời hồn nhiên, một cách tự nhiên, tôi thấy mình gặp may. 

Tôi có một chùm 4 tác phẩm trong cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập". Truyện đầu và cuối tôi viết về thân phận người quê ra tỉnh. Hai truyện khác tôi nói về sự phân hóa, và sự đứt gốc của người nông thôn. Tôi không nhắc đến những người trụ lại vững vàng, có thể gọi là "thành đạt" ở tỉnh, mà kể về những người long đong. 

Tôi nghĩ, nếu tôi đóng vai người quê mà kể chuyện quê thì thất bại. Những "thầy bu nó" với "mình ơi" "réo" lên không tự tin. Tôi cứ là mình, người "tỉnh" mà kể. Giọng của mình, vốn liếng mình, cảm, nghĩ mình cả thì cái cuối cùng là chữ mới ra. Đánh giá hay dở như thế nào là ở người khác, tôi chỉ nghĩ mình đã xong được câu chuyện mình muốn kể.

Là tác giả có nhiều truyện được đăng tải trong cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" nhà văn có thể chia sẻ một chút về những thông điệp trong những tác phẩm của mình?

Bốn truyện tôi dự thi đều được "Làng Việt thời hội nhập" đăng tải. Cả 4 truyện tôi không có "quy hoạch" gì về thông điệp, mỗi truyện tôi "gói" một ý tứ. Có thể nói cái chùm truyện ngắn này của tôi ra đời hồn nhiên, đến một cách tự nhiên. 

"Mé đê yên ả", "Gót đỏ chân son" là phận người ra tỉnh lao động đơn giản. Dễ kiếm tiền, có lẽ đỡ nhọc nhằn hơn ở làng, họ lại đối mặt với cô đơn, nguy hiểm, cám dỗ, dễ sa vào tệ nạn. 

Trẻ em, phụ nữ là những người yếu đuối nhất, cố mấy cũng khó làm chủ được số phận mình, có tiền gửi về nhà là thỏa rồi. Tôi cũng gói vào hai truyện này sự "nhắn nhủ", rằng kiếm sống ở phố thì đừng bạc với phố, không yêu được nó thì cũng nên tôn trọng, chớ theo kiểu "mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng".

Cô gái trong truyện "Biến đổi khí hậu" của tôi có điều kiện có vẻ khá hơn, được làm công việc văn phòng, "diện" đồng phục, là ước mơ của bao đồng hương ngày ngày "hít bụi". 

Ngôi làng của cô di rời thủy điện, phải đến chỗ khô cằn. Cây chay "kỷ niệm" phải chặt đi, bố cô bảo con gái mang quả đến "khao" ra mắt đồng nghiệp mới. Họ tò mò, hồ hởi, kéo nhau đi ăn mừng nhưng không có ai hỏi đến tình cảnh nhà cô. Cái khó cô gặp là tâm lý, sự cô độc, còn khó "tiêu hóa" hơn những "nhọc nhằn" có thể trông thấy bề ngoài.

Truyện "Con chú con bác" nói về sự phân hóa, đứt gốc. Truyện này thiên về tâm lý, không cấu tứ bằng những tình huống. Nhân vật là một người đàn ông có tuổi quy về cố hương. Qua đó cho thấy sự va đập văn hóa, đạo đức, thậm chí tín ngưỡng của ông với người làng, nhất là với người anh của mình – người đã ở lại trông nom từ đường. Những mâu thuẫn cứ âm thầm chảy. 

Sự yêu thương, đùm bọc máu mủ song hành với những khác biệt, gây mâu thuẫn nho nhỏ nhưng không thành xung đột, là căn nguyên tạo ra phân hóa phố - làng. Những trạng thái tâm lý hiện lên bâng quơ rồi bỏ lửng, ai nghĩ sao cũng được. 

Có những tiếc nuối, như ngôi làng, với di sản bao đời, đang yếu thế trước lối sống thành thị. Kết thúc truyện con trẻ ra đi đầy ngập ngừng, áy náy với ngôi đình có những chữ Nho chả ai biết nghĩa.

Theo nhà văn, người viết văn cần gì, môi trường như thế nào để phát huy được công việc viết lách của mình trong xã hội hiện nay?

- Cần thì vô cùng. Nhưng tôi thấy quan trọng là cứ tự do và tự tin đã. 

Nhà văn nhận xét gì về những người viết trẻ hiện nay? Thế hệ các nhà văn lớn tuổi hiện có phải đã mệt và mất đi nhiều nhiệt huyết?

- Tôi không đọc bao quát các tác phẩm của các nhà văn hiện nay. Những người tôi có đọc qua tất nhiên có người tôi thích người không. Nhưng với riêng tôi, tôi cho rằng, lối văn hậu hiện đại không hợp với xứ ta. Theo tôi mỗi lứa nhà văn đều có thời của mình, làm mới mình khi đã có tuổi là rất khó. 

Nhà văn có nhận xét gì về vai trò của văn học hiện nay trong đời sống? Văn học có phải đang giảm bớt vai trò của mình? Là những người cầm bút, ông có trăn trở gì về việc này?

- Tất nhiên văn chương vẫn luôn có vai trò của nó trong đời sống. Nhưng tôi nghĩ cũng không nên tôn vinh văn chương quá để rồi thất vọng và trách móc.

Cảm ơn nhà văn Trần Chiến đã chia sẻ thông tin.

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, nhà tài trợ Trường Hải THACO – nhà tài trợ kim cương.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem