Nhạc sĩ Văn Cao và chuyện tình đẹp như cổ tích với giai nhân Hà Thành

Hậu Thạch - Hồng Liên Thứ năm, ngày 15/01/2015 10:21 AM (GMT+7)
Giai nhân Hà thành ấy không ai khác chính là bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của nhạc sĩ Văn Cao. Suốt 50 năm chung sống, ông bà cùng nhau trải qua biết bao cay đắng ngọt bùi để rồi đến hôm nay, cho dù ông đã khuất núi thì với bà tình yêu đó vẫn đẹp tinh khôi như thuở ban đầu.
Bình luận 0

Tình yêu đẹp như truyện cổ tích

Sinh ra trong một gia đình có tiếng của Hà Nội vào thập niên 30, 40 của thế kỉ trước, ngay từ thuở thiếu thời, bà Nghiêm Thúy Băng - vợ nhạc sĩ Văn Cao, đã nổi tiếng với nét đẹp kiêu sa, quý phái của một tiểu thư danh gia, đài các. Sở hữu dáng người thon thả, mảnh mai, mái tóc đen, đôi mắt sáng cùng làn da trắng và đôi môi đỏ, thật không quá lời khi người ta bình chọn Thúy Băng là một trong những giai nhân của đất Hà thành ngày ấy.

img

Bà Thúy Băng thời xuân sắc

Cha của bà - ông Nghiêm Xuân Huyến là chủ của một xưởng in lớn nhất nhì Hà thành lúc bấy giờ mang tên Rạng Đông, quản lý hàng chục công nhân dưới quyền, đồng thời ông cũng là chủ bút của 2 tờ báo lớn.

Nửa đầu thập niên 40, miền Bắc bị xâm lược. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, người con gái mang tên Nghiêm Thúy Băng gia nhập vào những đoàn người biểu tình, diễu hành khắp phố phường thủ đô với băng rôn, khẩu hiệu phản đối bè lũ cướp nước và bán nước sôi nổi và nhiệt huyết.

Bà kể: "Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, chỉ là một cô nữ sinh nhưng khi thấy đoàn biểu tình đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc đi qua. Không một phút đắn đo, tôi liền gia nhập đoàn người và hô vang những khẩu hiệu...", đôi mắt bà vẫn lấp lánh, giọng nói hào sảng và cảm xúc thì dạt dào như mới ngày hôm qua.

Sau này, khi cha của bà bị chính quyền thực dân ám sát vì in tài liệu bí mật cho cách mạng thì nhiệt huyết đấu tranh của bà Thúy Băng càng dâng cao. Chính trong khoảng thời gian đó, mối nhân duyên đã đưa bà và nhạc sĩ Văn Cao đến với nhau.

img
Bức ảnh bà Thúy Băng bên chồng - cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Hồng Liên

Năm 17 tuổi, khi đứng bán sách ở quầy sách nhỏ của gia đình, lần đầu tiên Thúy Băng nhìn thấy chàng nhạc sĩ Văn Cao đến in bài hát ở xưởng in nhà mình. Ngày đó, Thúy Băng hay nghe Thiên thai, Suối mơ và không nghĩ có lúc lại được gặp chàng nhạc sĩ tài hoa mà bà từng ngưỡng mộ. Từ cảm mến đến tình yêu đích thực quả là đẹp như trong truyện cổ tích.

Kết quả là cùng năm ấy, để tác thành cho đôi trai tài gái sắc, một đám cưới nho nhỏ nhưng đầm ấm được cử hành để tại huyện Cự Đà, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), cũng là quê ngoại của nhà gái. Phong cảnh nên thơ, trữ tình của những ngôi làng nhỏ ven con sông Nhuệ êm đềm nơi quê ngoại chính là cảm hứng lớn nhất để Văn Cao sáng tác nên nhạc phẩm Làng tôi, một trong những ca khúc về làng quê nổi tiếng nhất trong nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

Hậu phương vững chắc của nhạc sĩ Văn Cao

Sau đám cưới không lâu, bà Thúy Băng cùng chồng lên Việt Bắc tiếp tục phong trào kháng chiến dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mặt trận Việt Minh. Căn cứ địa nằm sâu trong đồi núi, chốn rừng thiêng nước độc, đến sức trai tráng nhiều khi còn chịu không nổi nói chi đến phận nữ nhi liễu yếu đào tơ lại có xuất thân khuê các như bà. Ấy thế mà chỉ một thời gian ngắn sau, tất cả mọi việc từ nấu cơm, chẻ củi, giặt giũ, gánh nước, trồng rau... bà Thúy Băng đều làm thuần thục, khéo léo nào có thua mấy cô sơn nữ trên dẻo cao. 

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, khó khăn gian khổ mới thử được lòng người. Trong những tháng ngày sục sôi cách mạng, những câu hát, vần thơ của Văn Cao vẫn bay cao, bay xa tới muôn nẻo quê hương mang theo tình yêu và niềm tự hào Tổ Quốc. Chắp đôi cánh cho những sáng tác của người nhạc sĩ tài hoa đâu chỉ có lòng yêu nước dạt dào mà ẩn sâu trong đó là hình bóng người phụ nữ của đời ông với đức hy sinh vô bờ bến.

img
 

Bà Thúy Băng vẫn luôn trân trọng những kỉ vật về người chồng tài hoa của mình. Ảnh: Hồng Liên

Hòa bình lặp lại, bà Thúy Băng cùng chồng "chèo lái" con thuyền gia đình, nuôi dạy các con nên người. Bà cặm cụi đọc sách, tóm tắt nội dung để nhạc sĩ Văn Cao minh họa cho các tờ báo, rồi bà ngồi làm mẫu cho ông vẽ.

Rất nhiều bức tranh của nhạc sĩ Văn Cao thấp thoáng bóng hình tảo tần của người vợ hiền đảm. Cho đến khi ông qua đời, những tác phẩm còn lại của ông trở thành những kỉ vật vô giá đối với bà Thúy Băng.

Dòng tự sự của bà Thúy Băng: “Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh" như là lời đúc kết cho chuyện tình đẹp giữa người nhạc sĩ tài hoa và giai nhân Hà thành...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem